(Pháp lý) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), một cơ quan quan trọng của Liên hiệp quốc (LHQ) . ILC giữ vai trò, trọng trách quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ, củng cố hệ thống pháp luật quốc tế và xây dựng hoàn thiện pháp luật quốc tế. Đây được coi là sự kiện có ý nghĩa lớn, thể hiện vị thế, uy tín quốc tế và sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và LHQ. Sự kiện này khẳng định vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đánh dấu bước tiến trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế pháp lý đa phương của Việt Nam, thực hiện chủ trương tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ LHQ.
Xây dựng và định hình sân chơi pháp lý quốc tế
Ủy ban Luật pháp Quốc tế được thành lập theo Nghị quyết số 174 (II) ngày 21/11/1947 của Đại hội đồng LHQ với 34 thành viên là những người được thừa nhận có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ của Ủy ban Luật pháp Quốc tế là thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế.
Trong quá trình xây dựng pháp điển hoá luật pháp quốc tế và các quy phạm quốc tế về biển của Đại hội đồng LHQ được thực hiện thông qua hai cơ quan chính là Ủy ban lập pháp quốc tế và các Hội nghị thành viên. Uỷ ban luật pháp quốc tế (ILC) là cơ quan chuyên môn của LHQ gồm những chuyên gia luật pháp quốc tế có nhiệm vụ giúp LHQ xây dựng và soạn thảo những Điều ước quốc tế đa phương. Uỷ ban luật pháp quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc pháp điển hoá luật pháp quốc tế.
Đến nay, Ủy ban Luật pháp Quốc tế đã góp phần xây dựng được các văn bản quốc tế quan trọng, tiêu biểu là Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961, Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969; Công ước Viên về Thừa kế Quốc gia liên quan đến Điều ước năm 1996; Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế năm 1998; bộ Điều khoản về Trách nhiệm Quốc gia đối với hành vi sai phạm quốc tế năm 2001…
Vai trò quan trọng của Ủy ban Luật pháp Quốc tế của LHQ còn được minh chứng trong việc phát triển, xây dựng và pháp điển hoá luật quốc tế qua hàng trăm các Điều ước quốc tế đa phương, được xây dựng trong khuôn khổ của tổ chức này trên nhiều lĩnh vực khác nhau như nhân quyền, môi trường, bảo vệ xã hội, luật kinh tế, luật hàng hải, luật hàng không, luật quốc tế về khủng bố, chống tội phạm, chống buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt đáng chú ý là hai Công ước về quyền con người năm 1966, Công ước viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, Công ước về quan hệ ngoại giao năm 1961, Quy chế Toà án hình sự quốc tế năm 1998, 13 Công ước về chống khủng bố. Đây là những Công ước quốc tế toàn diện, tổng thể, điều chỉnh bao quát những lĩnh vực hết sức quan trọng trong đời sống quốc tế.
Đáng chú ý, Ủy ban Luật pháp Quốc tế của LHQ đóng vai trò quan trọng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nguyên tắc, quy phạm chuyên ngành Luật Biển quốc tế trong hệ thống luật quốc tế, Luật Biển quốc tế có vị trí đặc biệt quan trọng, là các nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các chủ thể của luật quốc tế thoả thuận tạo dựng nên. Hệ thống quy phạm Luật Biển quốc tế có giá trị hình thành và duy trì trật tự pháp lý trong sử dụng, khai thác và phát triển bền vững môi trường biển. Trong hệ thống quy phạm Luật biển quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, sự ra đời của nó đã đánh dấu bước phát triển mới của Luật biển về cả hai phương diện nội dung và hình thức, tạo nên sự thống nhất chung của cộng đồng quốc tế trong việc thiết lập trật tự pháp lý quốc tế trên biển.
Công ước LHQ về Luật Biển quốc tế năm 1982 đã thể chế những quy định tiến bộ của các Công ước Giơnevơ về Luật Biển năm 1958 và ghi nhận một số lượng đáng kể các quy phạm pháp lý quốc tế mới. Đây là thoả thuận trọn gói các vấn đề pháp lý về biển, tức Công ước không cho phép có bảo lưu đối với bất kỳ điều khoản nào trong nội dung công ước.
Những nỗ lực pháp điển hóa các quy phạm Luật Biển quốc tế của Ủy ban pháp luật quốc tế đã thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp liên quan đến việc sử dụng các nguồn lợi từ biển được cộng đồng quốc tế quan tâm.
Hiện nay, các vấn đề đang được ILC tập trung quan tâm thực hiện đó là: các nguyên tắc và trách nhiệm pháp lý quốc tế về bảo vệ bầu khí quyển; giải thích điều ước quốc tế dựa vào các thỏa thuận và thực tiễn về sau; nguyên tắc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế; nhận diện tập quán quốc tế; trách nhiệm và nguyên tắc quốc tế bảo vệ thường dân trong thảm họa; miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với quan chức quốc gia; trách nhiệm pháp lý về bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang; tội ác chống lại loài người và các quy phạm bắt buộc của luật pháp quốc tế.
Dấu ấn Việt Nam tham gia xây dựng Luật pháp quốc tế
Việc tham gia Ủy ban Luật pháp Quốc tế là cơ hội lớn để Việt Nam xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý của mình, chủ động và tích cực xử lý các vấn đề quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây cũng là sự khích lệ đối với những người làm về luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Năm 2015, Bộ Ngoại giao đã xây dựng phương án lựa chọn ứng cử viên để ứng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021 theo các tiêu chí: có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn; chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực luật quốc tế, kể cả thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế; có trình độ tiến sỹ, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong lĩnh vực công pháp quốc tế, có công trình nghiên cứu, bài báo xuất bản bằng tiếng Anh hoặc một trong các ngôn ngữ khác của LHQ và thông thạo từ hai ngôn ngữ của LHQ trở lên.
Qua quá trình giới thiệu và lựa chọn, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ Ngoại giao đề cử Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao làm ứng cử viên của Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hoàn thành học vị Tiến sĩ Luật tại Đại học Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, từng giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, đã xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới.
Trong năm 2016, Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, các Phái đoàn Việt Nam tại New York, Geneva đã tích cực giới thiệu Đại sứ Nguyễn Hồng Thao với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên của Tổ chức tư vấn pháp lý Á-Phi (AALCO) tại Ấn Độ (tháng 5/2016), thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị quốc gia thành viên Công ước Luật Biển tại New York (tháng 6/2016) và các cuộc họp của Ủy ban Pháp lý Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 10/2016).
Ngày 3/11, tại khóa họp 71 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2017-2021 với 120 phiếu. Tại kỳ bầu cử này, Việt Nam ứng cử trong nhóm nước khu vực châu Á với 10 ứng cử viên cho 7 vị trí. Kết quả bỏ phiếu ngày 3/11 cho thấy ứng cử viên Việt Nam có được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế; cũng như thể hiện niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với vai trò tích cực và ngày càng tăng của Việt Nam đối với quá trình pháp điển hóa, phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nói riêng và sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương Liên hợp quốc nói chung.
Các thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho Chính phủ. Tuy nhiên, với trọng trách quan trọng Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao sẽ có trách nhiệm đóng góp tích cực và hiệu quả vào hoạt động công tác của Ủy ban; góp phần thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nhằm tăng cường pháp quyền ở cấp độ quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển phù hợp với Hiến chương LHQ, vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên LHQ, đặc biệt là các các nước đang phát triển. Với cương vị thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế, Đại sứ, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển ngành luật pháp quốc tế tại Việt Nam, trở thành đại diện xứng đáng cho Việt Nam tại các diễn đàn luật pháp quốc tế. Đặc biệt, tham gia tích cực vào những chủ đề mà ILC đang nghiên cứu, nhất là đóng góp cụ thể vào những chủ đề cấp thiết đối với cả Việt Nam và quốc tế như bảo vệ thường dân trong thảm họa tự nhiên, bảo vệ bầu khí quyển, bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, áp dụng tạm thời điều ước quốc tế, nhận dạng tập quán quốc tế. Với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, có chuyên môn sâu rộng về nhiều lĩnh vực của luật pháp quốc tế, nhất là về công pháp quốc tế, Luật môi trường, Luật Biển, phân định biên giới, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tin tưởng có thể đại diện cho Việt Nam và các quốc gia đang phát triển đóng góp tích cực vào công tác của ILC.
Việc Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được các nước thành viên LHQ bầu chọn làm thành viên của ILC là một niềm vui lớn, niềm vinh dự đối với cá nhân Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với đất nước chúng ta, đối với ngoại giao Việt Nam, vì đây là lần đầu tiên một công dân Việt Nam, một nhà ngoại giao Việt Nam được bầu vào một cơ quan rất quan trọng của LHQ. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn pháp lý của LHQ cũng như ở cấp độ khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Có thể nói, Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng phát huy vai trò chủ động, tích cực và khẳng định được vị thế tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt là tại các cơ quan của LHQ như việc tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội. Từ đó đã tạo cơ sở thúc đẩy Việt Nam cử các chuyên gia, học giả, các nhà ngoại giao của Việt Nam tham gia ứng cử với tư cách cá nhân vào các cơ quan của các tổ chức quốc tế, các thiết chế tài phán quốc tế. Với đại diện mới giữ trọng trách Phó Chủ tịch thứ hai Ủy ban Luật pháp Quốc tế LHQ, Việt Nam sẽ góp phần đề xuất xây dựng các quy định của luật pháp quốc tế trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền con người và phát triển bền vững.
Thành Chung