Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa mất tích bí ẩn?

13/02/2017 09:45

Vụ mất tích bí ẩn của tỉ phú Tiêu Kiến Hoa làm dấy lên nhiều lo ngại Hong Kong không còn là vùng trú ẩn an toàn.

Ông Tiêu Kiến Hoa, tỷ phú Canada gốc Hoa, một trong những người giàu nhất Trung Quốc (TQ), được thông báo mất tích vào ngày 27-1. Ông là người có quan hệ làm ăn thân cận với nhiều quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền TQ.

Tỷ phú máu mặt biến mất

Theo tờ The New York Times, ông Tiêu Kiến Hoa sinh ra trong một làng quê nghèo ở TP Phì Thành, tỉnh Sơn Đông, TQ. Ông nổi tiếng là thần đồng khi đậu vào ĐH Bắc Kinh danh tiếng ở tuổi 14. Tại trường, ông là chủ tịch hội sinh viên và đứng về phía chính phủ Bắc Kinh trong cuộc biểu tình nổi tiếng tại Thiên An Môn năm 1989. Ông Tiêu đã trở thành công dân Canada và có hộ chiếu ngoại giao của Antigua. Ông là chủ Tập đoàn Tomorrow Group, có một đế chế kinh doanh chủ yếu trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm, than, xi măng, bất động sản… Theo tạp chí tài chính Hurun, vị tỷ phú 46 tuổi này xếp thứ 32 trong danh sách người giàu nhất TQ với tài sản ròng trị giá gần 6 tỉ USD.

Những tình tiết xung quanh vụ việc ông Tiêu bị mất tích được cho là mâu thuẫn với nhau. Hôm 27-1, cảnh sát Hong Kong đã ra một thông cáo cho biết ông Tiêu đã nhập cảnh TQ đại lục. Ông Tiêu được nói là đã mất tích vào hôm sau (28-1). Tuy nhiên, sau đó một ngày, gia đình ông thông báo tỷ phú đã được an toàn và xin rút hồ sơ báo mất tích. Ông Tiêu được nhìn thấy lần cuối cùng vào ngày 27-1 tại khách sạn cao cấp Four Seasons ở Hong Kong. Thế nhưng đến ngày 31-1, Tomorrow Group lại đăng hai thông báo trên ứng dụng xã hội WeChat, thông báo: “Tôi, Tiêu Kiến Hoa, đang ở nước ngoài chữa bệnh. Mọi việc đều ổn cả. Hoạt động của Tomorrow Group là bình thường”. Thông báo trên được cho là mâu thuẫn với tuyên bố từ phía cảnh sát Hong Kong xác định ông Tiêu đang ở TQ và họ đang “xác định tình hình tại TQ”. Hai thông báo từ Tomorrow Group sau đó nhanh chóng bị gỡ bỏ khỏi tài khoản WeChat.

Những hình ảnh cuối cùng của ông Tiêu Kiến Hoa cũng đặt ra nhiều câu hỏi về lý do vì sao ông biến mất. Camera an ninh cho thấy ông Tiêu được đưa khỏi khách sạn Four Seasons trên một chiếc xe lăn trong khi không hề có một thông tin gì trước đó cho biết ông Tiêu phải cần đến xe lăn để di chuyển. Ông được hộ tống bởi một nhóm gần 10 người đàn ông không rõ danh tính, mang theo một valy lớn phải đẩy bằng bánh xe. Các thông tin mà tờ The New York Times tiếp cận được cho biết nhiều khả năng nhóm người này đã đưa ông rời khỏi Hong Kong bằng đường sông để tránh các chốt kiểm soát.

 Người biểu tình tại Hong Kong phản đối vụ năm người làm nhà xuất bản sách bị mất tích. Ảnh: GETTY
Người biểu tình tại Hong Kong phản đối vụ năm người làm nhà xuất bản sách bị mất tích. Ảnh: GETTY)

Mắt xích quyền lực

Tờ The New York Times dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết ông Tiêu Kiến Hoa nhiều khả năng đang bị giam giữ ở TQ. Tờ báo này nhận định ông Tiêu có thể đã bị cảnh sát TQ bắt giữ để hỗ trợ điều tra tham nhũng. Đế chế kinh doanh của ông Tiêu được cho là có liên quan đến nhiều quan chức cấp cao của Bắc Kinh.

Theo tờ The New York Times, ông Tiêu Kiến Hoa bước vào thế giới kinh doanh ngay sau khi tốt nghiệp với sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ĐH Bắc Kinh. Kể từ đó, ông trở thành doanh nhân có quan hệ thân cận với các quan chức cấp cao. Ông được xem như một nhà tư vấn đầu tư không chính thức cho nhiều quan chức song song với việc phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng của mình. Các công ty do ông Tiêu quản lý hoặc sở hữu được đồn đoán là đều có những giao dịch theo hướng sinh lợi cho người thân của các lãnh đạo TQ.

Tháng 1-2013, một công ty do ông Tiêu đồng sáng lập đã bỏ ra 2,4 triệu USD để mua lại cổ phần từ một công ty đầu tư ở Bắc Kinh. Công ty này do bà Tề Kiều Kiều, chị ruột của Chủ tịch Tập Cận Bình và chồng bà là ông Đặng Gia Quý sở hữu. Thương vụ này được công bố sáu tháng sau khi Bloomberg News đưa tin người thân của ông Tập nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 300 triệu USD. Tờ South China Morning Post cũng cho biết vụ điều tra tỉ phú Tiêu có liên quan đến vụ thứ trưởng An ninh TQ Mã Kiện bị cách chức và bắt giam. Ông Mã Kiện đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản TQ từ tháng 12-2016 và bị điều tra cáo buộc nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.

Với sự liên quan của mình đến nhiều thương vụ của các phe phái chính trị tại Bắc Kinh, ông Tiêu được coi là một “tài sản có giá trị” trong cuộc chiến chống tham nhũng, theo tờ The Epoch Times. Theo ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu TQ SOAS (London), nếu thật sự ông Tiêu Kiến Hoa bị các lực lượng an ninh tại đại lục bắt giữ thì chiến dịch này phải nhận được sự chấp thuận từ Bắc Kinh.

Không còn “vùng an toàn”

Sự mất tích bí ẩn của tỷ phú Tiêu Kiến Hoa không phải là trường hợp duy nhất được đồn đoán là có liên quan đến chính quyền Bắc Kinh. Cuối năm 2015, năm người làm nghề xuất bản của Hong Kong đã mất tích đầy bí ẩn. Cả năm nhân vật này đều có liên quan đến nhà xuất bản Mighty Current Media và các nhà sách trực thuộc, thường xuyên xuất bản chứa các thông tin không chính thống và gây tranh cãi về các nhân vật chính trị tại Bắc Kinh.

Phe đối lập ở Hong Kong cáo buộc đặc nhiệm TQ bắt cóc những người này, trong đó ba người bị bắt khi đang ở đại lục, một người bị bắt ở Hong Kong và một người bị bắt ở Thái Lan. Đã có bốn người của nhà xuất bản sách trở về Hong Kong. Theo bài báo mới nhất ngày 10-2 của tờ The Independent, chỉ còn ông Quế Dân Hải, đồng sở hữu nhà xuất bản Mighty Current Media, hiện vẫn chưa rõ tung tích và chưa trở về Hong Kong.

Ông Lâm Vinh Cơ, một trong những người làm xuất bản đã trở về Hong Kong, khẳng định mình bị cảnh sát mật của TQ bắt giữ khi đang ở Thâm Quyến vào tháng 10-2015. Ông cáo buộc các cảnh sát đã bắt giam ông, giám sát và thẩm vấn liên tục, buộc ông nhận tội đã “phát tán sách cấm”. Ông chỉ được thả trở về Hong Kong sau khi hứa hẹn sẽ cung cấp cho cơ quan điều tra danh sách các khách hàng nào đã “mua sách cấm” từ nhà xuất bản Mighty Current Media.

Ngược lại, một người khác trong vụ mất tích bí ẩn này là ông Lý Ba lại khẳng định ông không bị bắt cóc gì cả mà là “tự nguyện đến đại lục du lịch”. Nội dung bản fax mà ông gửi cho vợ mình vào cuối năm 2015, với đúng nét chữ viết tay của ông lại khẳng định mình vào đại lục TQ hoàn toàn tự nguyện để hỗ trợ điều tra.

Những vụ mất tích này đã làm dấy lên những lo ngại rằng không còn nơi nào là “vùng an toàn” cho những người muốn thoát khỏi tầm với của Bắc Kinh. TQ cũng bị Mỹ và nhiều nước chỉ trích vì cử đặc vụ ra nước ngoài để tạo sức ép buộc những nghi phạm hoặc đối tượng tham nhũng bị truy nã phải quay về nước.

Hồi tháng 10-2015, các đặc vụ TQ đã bí mật đưa một thiếu niên gốc Hoa rời khỏi Myanmar trở về nước. Theo tờ The New York Times, mẹ của thiếu niên này là một luật sư đang bị tạm giam để điều tra ở TQ. Bản thân ông Lý Ba cũng là người có quốc tịch Anh, còn ông Quế Dân Hải lần cuối được nhìn thấy là đang ở TP Pattaya (Thái Lan). Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều không thể thoát khỏi tầm với của Bắc Kinh.

“Nhà tài phiệt vô hình”

Ông Tiêu Kiến Hoa được xem là một trong những người giàu nhất và có quan hệ chính trị rộng nhất TQ, xếp hạng 32 trong danh sách những người có khối tài sản lớn nhất TQ. Tổng tài sản của ông được ước đoán lên đến gần 6 triệu USD, theo danh sách năm 2016 của hãng khảo sát Hurun China. Tuy nhiên, ông Tiêu lại không thích gây chú ý và sống một cuộc sống kín tiếng đến mức người ta đặt ông biệt danh là “nhà tài phiệt vô hình”. Ông đã sống tại khách sạn Four Seasons trong nhiều năm qua, trong căn hộ trị giá gần 26.000 USD/tháng.

Theo Plo

Bạn đang đọc bài viết "Tỷ phú Tiêu Kiến Hoa mất tích bí ẩn?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin