Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy coi tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia là một "tội ác", đồng thời khẳng định chính phủ nước này sẽ có những quyết định thỏa đáng để khôi phục luật pháp tại vùng đất này.
Ngày 28/10, Thượng viện Tây Ban Nha thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với vùng Catalonia ngay sau khi cơ quan lập pháp Catalonia công bố kết quả cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi về kiến nghị tuyên bố độc lập, với tỷ lệ 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng.
Các biện pháp được đưa ra theo Điều 155 của Hiến pháp cho phép chính quyền Madrid tạm thời tiếp quản trụ sở các cơ quan, cảnh sát, công quỹ và đài phát thanh, truyền hình của vùng Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cùng ngày tuyên bố ông đã giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và ra lệnh tiến hành một cuộc bầu cử sớm tại vùng này vào ngày 21/12.
Thủ tướng Rajoy cũng cho biết, ông luôn coi tuyên bố độc lập của cơ quan lập pháp Catalonia là một "tội ác". Ông cũng chính thức cách chức lãnh đạo Catalonia của Thủ hiến Carles Puigdemont cùng ban lãnh đạo của ông này.
Ngay lập tức, tuyên bố này của Thủ tướng Tây Ban Nha được nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ. Theo đó, Mỹ đã lên tiếng phản đối Catalonia tuyên bố độc lập. Pháp, Anh, Italia đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà nghị viện Catalonia vừa thông qua.
Ngoài ra, một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ không công nhận nền độc lập của vùng Catalonia và lên án tuyên bố độc lập đơn phương của nghị viện vùng này. Trong khi đó, giới chức NATO khẳng định cuộc khủng hoảng hiện nay tại Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha và nước này cần giải quyết vấn đề này theo quy định Hiến pháp.
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không sớm giải quyết dứt điểm, có thể sẽ xảy ra nguy cơ xung đột tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Tây Ban Nha khẳng định chính phủ nước này sẽ có những quyết định thỏa đáng để khôi phục luật pháptại vùng đất này.
Thủ tướng Rahoy kêu gọi người dân cả nước Tây Ban Nha bình tĩnh, đồng thời cam kết chính phủ sẽ ổn định tình hình bằng các biện pháp hiệu quả. Ông khẳng định Tây Ban Nha là một quốc gia có uy thế và chính phủ sẽ không cho phép bất cứ thế lực nào hủy hoại tính nghiêm minh của Hiến pháp.
Ngày 28/10, người phát ngôn của Cơ quan công tố Tây Ban Nha cho biết trong tuần tới sẽ khởi tố nhà lãnh đạo vùng Catalonia, Thủ hiến Carles Puigdemont với tội danh nổi loạn. Theo luật pháp Tây Ban Nha, tội danh nổi loạn có thể bị phạt tù tới 30 năm.
Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn từ Chính phủ Tây Ban Nha, chính quyền xứ Catalonia (Catalan) - khu vực phía Đông Bắc giàu có nước này quyết tâm tiến hành cuộc trưng cầu dân ý độc lập ngày 1/10 để rời khỏi Tây Ban Nha trở thành một quốc gia tự chủ hoàn toàn.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố phản đối mọi hành động gây ra sự chia cắt đất nước mà Catalonia đang hướng đến và cam kết sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của ông để ngăn chặn cuộc khủng hoảng chính trị được xem là tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại đất nước này.
Theo Congly