(Pháp lý) – Liên quan đến lĩnh vực đấu thầu vật tư y tế, tuần qua tâm điểm dư luận hướng đến vụ việc ông Nguyễn Hoàng Sa, PGĐ Sở Y tế có vợ làm GĐ một công ty tham gia đấu thầu sản phẩm có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý. Vậy sự việc này có trái qui định của pháp luật? và trái qui định pháp luật nào? Xử lý thế nào để ngăn chặn nhiều sự vụ tương tự xảy ra trên thực tế ? Phóng viên Pháp lý sẽ cùng chuyên gia pháp luật phân tích làm rõ trong bài viết sau
Cố ý làm trái pháp luật hay lách luật ?
Thông tin mới nhất về vụ việc (theo nguồn tin Tuổi trẻ ngày 30/3/2021), đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Dũng, GĐ Sở Y tế Cà Mau, đã có báo cáo đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xác minh và xử lý vụ việc, theo chỉ đạo trước đó. Theo đó, trong các năm qua Công ty CP Vạn Phúc không có tham gia và cũng không trúng gói thầu nào trong đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế Cà Mau. Cũng theo ông Dũng, ông Sa được bổ nhiệm PGĐ Sở Y tế từ tháng 12/2015, nhiệm vụ được phân công không có phụ trách lĩnh vực vật tư y tế. Đồng thời, từ năm 2016, bà Liên cũng không còn góp vốn cho Công ty Vạn Phúc, chỉ làm thuê hưởng lương. Vì vậy, “chưa có cơ sở” khẳng định ông Sa có liên quan đến Công ty Vạn Phúc trong đấu thầu thuốc…
Trước đó thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (giai đoạn tháng 1/2014 – 9/2019), tại Kết luận thanh tra số 03/KT-TT ngày 25/5/2020, Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận, ông Nguyễn Hoàng Sa chịu trách nhiệm về các sai phạm trong đấu thầu thuốc; thực hiện không đúng chỉ đạo của GĐ Sở Y tế đã đưa vào nhiều loại thuốc giá cao bất hợp lý trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu (trong đó có 2 loại thuốc Alphachymotripsin 4,2 mg dạng viên ngậm; và Paracetamol 650 mg dạng viên sủi vào đấu thầu tập trung năm 2017 – tại gói thầu số 2 và số 3), làm tăng chi phí thuốc, dẫn đến vượt trần, vượt quỹ và bị từ chối thanh toán, gây thiệt hại cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT…
Điểm d, khoản 5 Điều 89 – Luật Đấu thầu 2013: Các hành vi bị cấm trong đấu thầu:“Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em một đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu”;
Tình trạng “tay trong, tay ngoài”, “sân sau”… trong đấu thầu thuốc chữa bệnh không phải là mới, có điều rất hiếm khi lộ diện đối tượng vi phạm. Hẳn chúng ta còn nhớ vụ lùm xùm trong đấu thấu thuốc tại Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, xảy ra hồi năm 2008. Công ty TNHH Dược phẩm Minh Phúc (trụ sở tại số 58, đường 2 Tháng 4, P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang) là “sân sau” của dược sĩ Tô Thị Kim Tuyến - nguyên Phụ trách Phòng Quản lý dược của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa. Công ty này do chồng cùng em trai bà Tuyến đứng tên thành lập và điều hành hoạt động. Nhờ có mối quan hệ “sân sau” mà trong 4 lần Sở Y tế tỉnh này tổ chức đấu thầu để mua thuốc chữa bệnh, hóa chất, dịch truyền, vật tư tiêu hao (từ 2006 – 2007); thì lần nào Công ty Minh Phúc cũng “trúng thầu đậm”. Trong đó có những lô thầu, kế hoạch ngân sách cấp lên tới trên 46 tỉ đồng. Đây là hình thức móc ngoặc với nhau “tay trong, tay ngoài” nhằm thao túng một lĩnh vực kinh kế nhạy cảm mà luật pháp ngăn cấm…
Vào thời điểm này, Luật Đấu thầu 2005 (khoản 10 Điều 12) đã có quy định về hành vi đấu thầu bị cấm: “Sắp đặt để cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột tham gia các gói thầu mà mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc là người phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu…”. Pháp lệnh Cán bộ, công chức sửa đổi (Điều 19) cũng quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.
Từ đó cho đến nay pháp luật có liên quan đã được hoàn thiện theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Liên quan đến việc điều chỉnh hành vi “tay trong, tay ngoài” trong đấu thầu, theo Luật Đấu thầu 2005, hành vi bị cấm trong đấu thầu là hành vi “sắp đặt” để vợ hoặc chồng tham gia dự thầu, rất khó phát hiện; Luật Đấu thầu 2013 (Điều 89) đã chặt chẽ hơn: Chỉ cần là cá nhân thuộc bên mời thầu, nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án do vợ hoặc chồng đứng tên dự thầu”, là xem như đã “phạm quy”.
Khoản 4, Điều 20 Luật PCTN năm 2018 lần đầu tiên quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.
“Đối chiếu với các quy định trên của pháp luật, thì việc ông Nguyễn Hoàng Sa được bổ nhiệm làm PGĐ Sở (từ 2/12/2015) phụ trách mảng dược, vật tư y tế của Sở Y tế Cà Mau, nhưng lại có vợ là bà Tạ Thị Diệu Liên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Vạn Phúc và Công ty này có đăng ký khám chữa bệnh BHYT, đấu thầu cung ứng vật tư y tế tại các cơ sở y tế ở địa phương (vì mãi đến ngày 3/11/2016, bà Liên mới chuyển nhượng hết cổ phần cho cháu là bà Tạ Như Ý và thôi hết các chức vụ), là hành vi cố ý vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng” – Luật sư Lưu Bá Khiết, Đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm.
Chế tài pháp luật đã có, cần xử lý nghiêm để răn đe
Vì sao bà Tạ Thị Diệu Liên đột ngột chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho bà Tạ Như Ý (cháu của bà), sau 11 năm làm Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty và quay trở lại Công ty với vai trò là “người làm thuê” ? Không cần bà Liên nói ra sự thật nhưng bất cứ ai cũng tìm được câu trả lời.
Vấn đề là động thái “né” người đại diện pháp luật cả bà Liên không làm thay đổi bản chất vụ việc, trong giai đoạn từ lúc ông Sa được bổ nhiệm làm PGĐ cho đến khi bà “rời” Công ty. Hay nói cách khác, việc làm của bà Liên không làm thay đổi hành vi cố ý vi phạm quy định của pháp luật về PCTN của ông Nguyễn Hoàng Sa, theo quy định tại khoản 4, Điều 20 Luật PCTN năm 2018.
Cũng theo Luật sư Khiết, cho dù vợ ông bà Tạ Thị Diệu Liên không còn là cổ đông của Công ty Vạn Phúc; và cũng không xác định được trong các gói thầu đấu thầu tập trung của Sở Y tế Cà Mau tổ chức được giao cho ông Sa phụ trách, có sự tham gia của bà Liên đứng tên dự thầu; thì ông Sa vẫn không loại trừ trách nhiệm hoàn toàn. Vì ông đã để vợ trực tiếp tham gia điều hành (cho dù đó chỉ là thực hiện công việc theo Hợp đồng ủy quyền) tại một doanh nghiệp đang kinh doanh ngành nghề trong phạm vi ngành, nghề do ông trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước (đã được pháp luật điều chỉnh tại khoản 4 Điều 20 Luật PCTN 2018)”.
Ngoài ra, theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, tại địa chỉ nhà của gia đình ông Nguyễn Hoàng Sa trên đường Ngô Quyền, P.9 (TP.Cà Mau) còn có Công ty TNHH Pharma hiện đang cung ứng rất nhiều mặt hàng thuốc đã trúng thầu tập trung của Sở Y tế Cà Mau cho nhiều cơ sở y tế trong tỉnh.
Thay lời kết
Thuốc và vật tư y tế là sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Việc mua sắm các mặt hàng đặc biệt này được thực hiện thông qua đấu thầu để đảm bảo chi tiêu ngân sách đúng luật, đúng giá cả, phá bỏ được tình trạng độc quyền về cung ứng thuốc, góp phần hạn chế việc tăng giá thuốc là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết. Tuy nhiên do hệ thống pháp luật điều chỉnh có liên quan, nhất là Luật Đấu thầu vẫn còn những bất cập nên tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 94 Luật PCTN 2018 có quy định: “Người có hành vi quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều này (tức những hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN – PV) thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên cho đến thời điểm này BLHS 2015 và sửa đổi bổ sung 2017 không có điều khoản nào quy định về tội danh tương thích để chế tài về các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN, trong đó điển hình là hành vi vi phạm về quy tắc ứng xử và hành vi vi phạm về xung đột lợi ích. Khoảng trống này của pháp luật, không loại trừ được nhiều đối tượng “nhắm” đến để thực hiện trót lọt các phi vụ tiêu cực mà ít bị phát hiện khởi tố.
Trở lại sự việc xảy ra ở Cà Mau, lẽ ra sau khi bổ nhiệm làm PGĐ Sở và được phân công phụ trách mảng vật tư y tế, xung đột lợi ích giữa cơ quan và gia đình phát sinh, đồng nghĩa với vi phạm quy định của pháp luật về PCTN, ông Sa phải chủ động báo cáo với người đứng đầu cơ quan, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật PCTN 2018 để có biện pháp xử lý. Thế nhưng ông Sa đã không làm được việc “ dũng cảm “ này.
Từ phân tích trên, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý ông Sa theo chế tài của pháp luật về PCTN, được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 94 Luật PCTN 2018: “Người có hành vi quy định về quy tắc ứng xử, về xung đột lợi ích… thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Điều 23 Luật PCTN 2018 quy định về Kiểm soát xung đột lợi ích: “1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý; 3. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: a) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; b) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; c) Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác”.
VŨ LÊ MINH