Từ những vụ “con voi” sai phạm “chui lọt lỗ kim”: Chế tài trách nhiệm đối với cán bộ công chức vừa thiếu, vừa yếu?

22/08/2019 06:41

(Pháp lý) - Liên tiếp các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra và xử lý trong thời gian gần đây được xác định có một phần nguyên nhân yếu kém, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức (CBCC). Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo và xem xét lại lỗ hổng của cơ chế và pháp luật trong giám sát thực thi công vụ đối với đội ngũ CBCC, chế tài xử lý đối với CBCC....

Những… “con voi” sai phạm “chui lọt lỗ kim”

Bộ Công an vừa phối hợp cùng Công an TP Hải Phòng triệt phá đường dây đánh bạc quốc tế qua mạng ở Khu đô thị Our City (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), bắt giữ 380 người Trung Quốc tổ chức vận hành các thiết bị đánh bạc đã thu hút sự quan tâm, lo ngại của người dân. Trước khi bị bắt giữ, hầu hết trong số này đã “cắm chốt” trái phép ở đây trong một thời gian dài nhưng chính quyền cơ sở không hề hay biết và chưa một lần kiểm tra. Quan ngại hơn, theo báo cáo của Công an TP Hải Phòng, từ năm 2013 đến nay, Cơ quan Công an đã kiểm tra, phát hiện và xử lý khoảng 400 vụ việc người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước đó vào tháng 6/2019, tại một số căn hộ thuộc một chung cư ở TP Hạ Long, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ 22 người Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng và trộm cắp cước viễn thông…

Lỗ hổng an ninh quốc gia qua các vụ việc nêu trên quả thật rất đáng lo ngại. Chúng ta không khỏi giật mình khi ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch UBND phường Hải Thành xác nhận, chỉ đến khi đường dây vận hành hệ thống đánh bạc tại đây bị triệt phá, ông mới biết trên địa bàn mình quản lý có 27 người quốc tịch Trung Quốc đăng ký tạm trú. Lý do theo ông Hưng, từ nhiều năm nay, công tác quản lý Khu đô thị Our City, thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng cấp thành phố. Trong khi đó, một lãnh đạo Công an phường Hải Thành cắt nghĩa sự bất cập là do công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại Khu đô thị Our City gặp nhiều khó khăn, phức tạp, do có nhiều đầu mối cùng tham gia, như Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Công an TP, Sở Ngoại vụ... Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cũng thừa nhận công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ca, Our City là dự án 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, do đó, cơ quan chức năng trong nước rất khó khăn để vào bên trong.

Hình ảnh tại hiện trường vụ bắt bạc tại Khu đô thị Our City.
Hình ảnh tại hiện trường vụ bắt bạc tại Khu đô thị Our City.)

Những sai phạm “động trời” của Tập đoàn Mường Thanh xảy ra trong suốt thời gian dài không phải ở đâu xa xôi khuất mắt mà là diễn ra ngay trước mắt người dân thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên chỉ đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội họ mới vỡ lẽ. Nguyên nhân dẫn tới những sai phạm của Tập đoàn này được Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ rõ đích danh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cấp giấy phép quy hoạch sau khi Dự án được xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ cho người dân cả phần diện tích vi phạm quy hoạch; Sở Xây dựng không tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý, phớt lờ để doanh nghiệp thực hiện nhiều Dự án khi chưa được giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất... Trong khi đó UBND các quận Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì bị quy kết buông lỏng quản lý, khi các dự án có vi phạm đã không kiểm tra, xử lý. Đặc biệt trong đó có 3 dự án gồm VP3, VP5, VP6 Linh Đàm không có hồ sơ xử lý về đất đai, trật tự xây dựng, không báo cáo đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên những biện pháp giải quyết đối với sai phạm của các dự án, dẫn đến các công trình này vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. UBND huyện Thanh Trì có trách nhiệm trong vi phạm tại dự án CT5 Tân Triều, để xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch.

Dư luận còn đặt dấu hỏi, có hay không Tập đoàn này nhận được sự bảo kê, che chắn của thế lực lớn hơn (?). Bởi câu chuyện sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh đã được Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận từ hồi tháng 6/2015; Và tháng 3/2019, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cũng đã yêu cầu Thanh tra Bộ Xây dựng giải trình lý do hành vi tái phạm sau thanh tra Tập đoàn Mường Thanh nhưng đã nhận được phản hồi từ phía Thanh tra Bộ này là… “không có cơ sở”. “Một pháp nhân làm những việc vi phạm rất lớn, rất rõ ràng, giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài qua nhiều ngày, nhiều tháng chứ không phải là cái kim trong bị mà bảo không phát hiện ra? Tôi nghe người dân phản ánh, trổ một cái cửa, mở một cái lối đi là có thanh tra xây dựng đến hỏi. Vậy ông Thản xây cả đô thị mà không phát hiện sai phạm, thế quản lý nhà nước ở đây là gì?” - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi ngược và cho rằng người đứng đầu quản lý hành chính nhà nước ở địa phương nơi có dự án phải chịu trách nhiệm về sai phạm đó.

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, xung quanh vụ kinh doanh xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng, chưa thể nói đến sự cấu kết, lợi ích nhóm trong vụ đường dây chế biến xăng giả của đại gia Trịnh Sướng khi chưa có kết luận điều tra cuối cùng, song vụ việc cho thấy sự yếu kém, tắc trách của cơ quan quản lý khi đã kiểm tra không đến nơi, đến chốn, để kẻ gian sử dụng phiếu xuất, nhập xăng một lần để quay vòng. “Yếu kém này đặt ra nhiều lĩnh vực trong quản lý của chúng ta. Tại sao buôn lậu ngày càng phổ biến, hoành hành, thậm chí hàng ngoại đội lốt hàng Việt? Điều này không chỉ hệ lụy hàng kém, hàng giả mà làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nên phải xem lại quy trình quản lý”, đại biểu TP. Hà Nội nêu vấn đề…

Chế tài trách nhiệm đối với CBCC: vừa thiếu, vừa yếu?

Rõ ràng là giải thích của các cấp có thẩm quyền ở địa phương đối với vụ gần 400 người nước ngoài lập sới bạc nghìn tỷ vừa bị triệt phá ở Hải Phòng là không thể chấp nhận được. Theo Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia Bình Định) phải khẳng định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn. Bởi soi từ Điều 33, 34 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 có thể thấy pháp luật đã không hề bỏ trống “trận địa”.

Theo đó, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam (kể cả được tạm trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển) đều bắt buộc phải khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú”. Tại khoản 3 Điều 33 Luật này còn quy định: “Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài”.

 Chế tài trách nhiệm đối với CBCC hiện nay vừa thiếu, vừa yếu
Chế tài trách nhiệm đối với CBCC hiện nay vừa thiếu, vừa yếu)

Tại Điều 51 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định, đối với UBND các cấp có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương. Riêng đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn còn có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc nắm tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và quản lý việc cư trú, hoạt động của người nước ngoài ở địa phương… Hoàn toàn không có điều khoản nào pháp luật quy định cấm hay cản trở các cấp có thẩm quyền cơ sở không được vào kiểm tra nơi lưu trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại các khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%.

Ấy thế nhưng sau khi vụ việc bị phát hiện thì những người có trách nhiệm lẽ ra phải nhận khuyết điểm thì lại lấp liếm đổ lỗi do khách quan là không thuộc thẩm quyền.
Cũng như vậy những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Mường Thanh, hay vụ đại gia Trịnh Sướng sản xuất và buôn bán xăng giả… không phải là do pháp luật chưa “vươn tới” mà là do những CBCC đại diện cho các cấp có thẩm quyền địa phương, các cơ quan có chức năng không làm tròn chức trách, cố tình làm ngơ, thậm chí là bảo kê, bao che để cho các đối tượng ngang nhiên phạm pháp.

Từ thực tiễn các vụ việc và vụ án đã xảy ra, có thể rút ra 2 nguyên nhân chính khiến CBCC lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, đó là: Quyền lợi có được sau mỗi vụ ngó lơ so với mức lương mà họ được hưởng; thứ hai là trách nhiệm pháp lý ràng buộc họ còn lỏng lẻo cùng với chế tài xử lý họ quá nhẹ…

Luật CBCC năm 2008 được cho là căn cứ pháp lý chủ yếu để ràng buộc trách nhiệm của đội ngũ CBCC khi thực thi công vụ. Thế nhưng các quy định về xử lý kỷ luật CBCC (Điều 73 – Điều 83) lại rất chung chung, rất khó áp dụng. Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý kỷ luật CBCC mặc dù đã cụ thể hóa được một số hành vi tương ứng với các hình thức xử lý kỷ luật CBCC, song những hành vi bất cập của CBCC nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình tiếp xúc giải quyết công việc khiến người dân bức xúc rất cần được quan tâm chấn chỉnh (như cấp sổ đỏ để quá hạn; giải quyết đơn thư khiếu nại lòng vòng; né tránh không tiếp công dân định kỳ; cấp phép xây dựng sai quy định; không kiểm tra hoạt động của cơ sở lưu trú; hay lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, người trong gia đình…) thì lại “nằm ngoài vùng phủ sóng” chế tài.

Hệ lụy của việc thiếu những quy định cụ thể trong phần xử lý trách nhiệm CBCC khi để xảy ra vi phạm, khiến cho họ không biết sợ. Bởi không có quy định rõ thì việc xử lý nặng nhẹ tuỳ vào cảm tính của người có thẩm quyền. Nếu ghét nhau thì có thể lấy đó làm lý do để đuổi việc, cách chức. Nếu ngại va chạm thì xử lý nhẹ nhàng như cảnh cáo, khiển trách. Còn nếu thân thiết có khi chỉ cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Một cán bộ bổ nhiệm người không đúng tiêu chuẩn chỉ phải rút kinh nghiệm chứ không phải chịu các hình thức kỷ luật như cách chức hay hạ bậc lương. Báo chí và người dân nói nhiều về tình trạng sử dụng xe công không đúng mục đích cũng chưa thấy cán bộ nào bị kỷ luật...

Luật gia Lê Công Tâm cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ CBCC trong thực thi công vụ cần phải cập nhật và bổ sung kịp thời vào Luật CBCC các hành vi bị quy kết là vi phạm pháp luật của CBCC tương ứng với hình thức kỷ luật cụ thể. “Càng quy định chi tiết và giảm bớt những quy định trừu tượng, chung chung thì sẽ càng hạn chế được sự áp dụng tùy tiện và cảm tính của những tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong xử lý CBCC vi phạm” – Luật gia Tâm nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, nhưng theo Luật gia Nguyễn Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai) nếu chỉ xử lý kỷ luật bằng biện pháp hành chính thôi là chưa đủ mà mỗi hành vi vi phạm pháp luật của CBCC khi xảy ra còn phải chịu trách nhiệm pháp lý khác, thậm chí cả trách nhiệm hình sự và nghĩa vụ bồi thường vật chất. Những quy định về hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, hạ bậc lương, buộc thôi việc…) như Luật CBCC đang áp dụng đối với CBCC hiện nay, theo LG Quý là không đủ để khiến cho những công bộc “chùng bước” trước những cám dỗ. Dẫn nguồn quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 34 quy định hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức “lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi”, Luật gia Quý cho rằng là quá nhẹ, không tương thích với hành vi gây ra.

Cũng theo Luật gia Quý, mặc dù BLHS 2015 đã quy định một số tội liên quan đến lạm dụng chức vụ trong quản lý, nhưng chưa có điều khoản nào quy định về tội cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng công chức, cán bộ… “Vì vậy ngoài việc chế tài theo quy định của Điều lệ Đảng và xử lý hành chính, để đủ sức răn đe và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ CBCC trong thực thi công vụ hàng ngày, cần phải sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh khác, Luật gia Quý đề xuất./.

“Bộ Nội vụ phản ánh, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý kỷ luật CBCC còn thiếu, chưa thống nhất, áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khoảng trống, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý. Vì thế, Bộ này đề xuất bổ sung nhiều quy định mới vào Luật CBCC (sửa đổi) để bịt những kẽ hở này”
(Nguồn: Báo Dân trí)

VŨ LÊ MINH

 

Bạn đang đọc bài viết "Từ những vụ “con voi” sai phạm “chui lọt lỗ kim”: Chế tài trách nhiệm đối với cán bộ công chức vừa thiếu, vừa yếu?" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin