Tự hào những sứ giả hòa bình của Việt Nam

17/05/2019 09:45

(Pháp lý) - Cuối năm 2018 vừa qua, nhiều chiến sỹ, y sĩ, bác sĩ Việt Nam được gửi tới Bệnh viện dã chiến ở Sudan sau một thời gian dài học tập chuyên môn, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, văn hóa nước ngoài. Họ mang trong mình trọng trách là đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động ở môi trường quốc tế, truyền thông điệp hòa bình của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Họ không chỉ là sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa mà còn là sứ giả sức mạnh quân sự của Việt Nam.

Trong 63 y, bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có 10 “bóng hồng”, tuổi từ 25 đến 43, đã tạm gác vai trò người vợ, người mẹ sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế (nguồn: zing.vn)
Trong 63 y, bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có 10 “bóng hồng”, tuổi từ 25 đến 43, đã tạm gác vai trò người vợ, người mẹ sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế (nguồn: zing.vn))

Binh sĩ, bác sĩ nữ với mũ nồi xanh: Bất chấp khó khăn…

Ngày 1/10/2018, Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1 lên đường nhận nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên, Việt Nam đưa một đơn vị quân đội tham gia nghĩa vụ quốc tế cao cả, thực hiện sứ mệnh hòa bình. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan là lực lượng thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương quốc Anh, đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn trong giai đoạn từ 28/9/2018 đến 30/9/2019. Theo kế hoạch, sau Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Việt Nam sẽ triển khai thêm Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và một đại đội công binh ở Nam Sudan.

Nằm sát ngay cạnh khu bảo vệ dân thường (POC) lớn nhất ở Nam Sudan - nơi hơn 115.000 người dân Nam Sudan đang tị nạn trên chính đất nước mình, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chịu sự điều hành trực tiếp của tổ chức “Bác sĩ không biên giới”. 63 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện dã chiến được chia thành từng đội khác nhau, chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho người dân trong khu POC, đảm bảo điều kiện về thực phẩm, nước sạch và thuốc men.

Tham gia trong bệnh viện dã chiến có rất nhiều binh sĩ, bác sĩ là nữ. Thiếu tá Bùi Thị Xoa (43 tuổi), một trong 10 nữ quân y đang có mặt tại Nam Sudan nhớ lại: "Cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy đó là sự hoang tàn, âm u. Chiến tranh đã tàn phá đất nước này một cách kinh khủng. Khi nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, được trao quyết định, bản thân tôi đã sẵn sàng cho những hiểm nguy mà mình có thể đối mặt. Nhưng nhìn cảnh người dân nơi đây, tôi vẫn không cầm nổi nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Trưởng căn cứ Bentiu UNMISS, bà Hiroko Hirahara khi ra tận sân bay đón chúng tôi và nói: "Chúng tôi đợi các bạn từ lâu rồi. Cuối cùng các bạn cũng đã tới". Thực sự là cảm kích và thấy tự hào là quân nhân đại diện cho quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế. Mỗi lần nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay cùng với cờ LHQ, Nam Sudan, Mông Cổ, Ghana, Ấn Độ, Campuchia và Anh tại phái bộ UNMISS tại Bentiu, tôi lại tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa".

Bất chấp khó khăn, những binh sĩ, y bác sĩ nữ đã hòa nhập và hỗ trợ được cho người dân  địa phương.
Bất chấp khó khăn, những binh sĩ, y bác sĩ nữ đã hòa nhập và hỗ trợ được cho người dân
địa phương.)

Cũng theo Thiếu tá Bùi Thị Xoa thì trước khi sang Nam Sudan, chị và đồng đội đã được học ngoại ngữ (tiếng Anh), được huấn luyện đầy đủ các kỹ năng về khả năng sinh tồn, các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu và đặc biệt được huấn luyện trên bộ trang thiết bị do Mỹ tài trợ. "Chúng tôi phải trải qua nhiều bài kiểm tra về chuyên môn và cả tiếng Anh để đảm bảo thực hiện tốt những gì được yêu cầu. Bản thân tôi cũng đã thực hành thuần thục những bài học và vượt qua những bài kiểm tra của LHQ", Thiếu tá Bùi Thị Xoa cho biết.

Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo (32 tuổi) tâm sự, chị được giao làm việc tại khoa ngoại của Bệnh viện dã chiến, ngày nào cũng phải tiếp xúc với cảnh người bị thương, máu me đầy người. "Đến một đất nước lạ, xa xôi lại bất ổn như này, tâm lý vững vàng là đòi hỏi kiên quyết đối với các binh sĩ UNMISS. Có đi mới thấy cuộc sống như địa ngục của người dân nơi đây. Trước đây tôi cũng còn nhiều trăn trở về gia đình nhưng vẫn quyết tâm vượt qua. Và niềm vui, nụ cười và ánh mắt sáng của các bệnh nhân mỗi khi được chữa lành chính là liều thuốc tinh thần lớn nhất đối với chúng tôi”, Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo nói.

Trong khi đó, ở một nơi khác cách xa khu vực Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã có "thâm niên" gần một năm làm việc tại UNMISS với tư cách là sĩ quan liên lạc. Sang đây từ cuối năm 2017, với nhiệm kỳ ban đầu là 12 tháng, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là nữ quân nhân mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam tại Nam Sudan. Với chị, những năm tháng qua là những trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp. Nhóm của Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga sau khi đặt chân tới quốc gia châu Phi này, đã được cử đi làm việc tại 2 bang cách nhau 1.000km, mỗi bang có diện tích bằng 1/2 Việt Nam. Nhiệm vụ của các sĩ quan liên lạc UNMISS là luôn xuất hiện tại những điểm nóng, phải đi nhiều, gặp nhiều và là cầu nối của LHQ để liên lạc với chính quyền, đại diện các phe phái, lực lượng quân sự địa phương từ đó kịp thời nắm thông tin, cứu trợ thường dân, ngăn chặn xung đột, duy trì lệnh ngừng bắn…

Cặp vợ chồng quân nhân: Lên đường với lòng tự hào

Trong thành phần của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (2.2) đang triển khai huấn luyện để thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (2.1) đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan, có 2 thành viên đặc biệt, đó là cặp vợ chồng Trung úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân. Tính đến thời điểm này, đây là cặp vợ chồng đầu tiên cùng tham gia Bệnh viện dã chiến. Đại úy Lê Thị Hồng Vân được đánh giá là một trong số các nữ quân nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu của LHQ là có bằng chuyên khoa, bằng thạc sĩ, chứng chỉ tiếng Anh IELTS mức 5.0.

Là một trong số 12 nữ quân nhân tham gia Bệnh viện dã chiến 2.2, Đại úy Lê Thị Hồng Vân, 32 tuổi, bác sĩ phẫu thuật sản khoa của Bệnh viện 103, vừa được điều động bổ sung. Lúc mới nhận lệnh, chị Vân khá bất ngờ bởi chồng chị - Trung úy Lê Hồng Thanh, 36 tuổi, cũng đang tham gia huấn luyện tại Bệnh viện số 2 này. Từ lúc được lãnh đạo Học viện Quân y gặp gỡ, hỏi thăm, động viên cho đến khi chị nhận mệnh lệnh tham gia chưa đầy 3 tuần. Nhớ lại khoảng thời gian phải dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định tham gia, chị cho biết, cái khó của chị cũng là cái khó chung của rất nhiều chị em trong Bệnh viện dã chiến số 2, đó là gánh nặng con cái, gia đình.

Khó khăn ấy đối với chị dường như còn lớn hơn bởi cả hai vợ chồng cùng nhận lệnh tham gia Bệnh viện. Trong khi đó, cô con gái nhỏ của anh chị chưa đầy 30 tháng, vẫn đang bú mẹ. Bên nhà chồng neo người, bố chồng mất sớm, chỉ còn mẹ chồng, anh Thanh lại là con trai duy nhất, nên khi mẹ chồng chị biết chuyện đã rất sốc. “Trăn trở lớn nhất lúc đó đối với tôi là con gái còn nhỏ, nhưng tôi nghĩ, nếu không đi bây giờ, sau này con lớn hơn mình mới đi thì con sẽ vất vả hơn, bởi khi bắt đầu đi học, con không thể thiếu sự quan tâm, dạy bảo của người mẹ. Không đi đợt này, tôi cũng sẽ phải đi đợt khác, bởi vị trí bác sĩ sản khoa bắt buộc phải là nữ rất khó để tìm người đáp ứng đầy đủ các điều kiện”, chị Vân chia sẻ.

Trung úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân là cặp vợ chồng đầu tiên trong “biên chế” Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.
Trung úy Lê Hồng Thanh và Đại úy Lê Thị Hồng Vân là cặp vợ chồng đầu tiên trong “biên chế” Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.)

Chị Vân xác định tham gia bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan là một nhiệm vụ quốc tế mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Vì thế, từng cá nhân khi đã được giao phó trách nhiệm phải nỗ lực hết sức mình mới mang lại thành công của cả tập thể. Để có được thành công đó, mỗi người đều phải sắp xếp công việc gia đình, riêng tư, tập trung trau dồi chuyên môn để có thể làm tốt nhất vị trí của mình, những vị trí đã được LHQ tính toán, sắp xếp, bố trí một cách hợp lý nhất. Những khó khăn mà chị và các đồng đội sẽ gặp phải, như nước có thể không đủ để uống, nước sạch không đủ để dùng, mọi thứ đều không thể như ở nhà... sẽ chẳng là gì nếu các thành viên cùng nỗ lực vượt qua và chia sẻ với nhau.

Khác với chị Vân, là nam giới nên anh Thanh dễ dàng hơn khi đối mặt với thực tế hai vợ chồng có thể phải xa con trong 1 năm để sang Nam Sudan. Để có được sự quyết tâm đó, anh Thanh phải tìm nhiều cách để động viên vợ. Hai vợ chồng có điểm chung là tham gia quân đội từ sớm (vợ đã có gần 14 năm, còn chồng khoảng 17 năm) nên việc động viên, làm công tác tư tưởng giữa hai “người lính” với nhau cũng không quá khó khăn.

“Mình biết để nhận nhiệm vụ này, Vân đã phải trải qua những thời điểm khá khó khăn, phụ nữ nào chả vậy, làm sao có thể sống xa con, đặc biệt khi con còn nhỏ như thế. Đến giờ, dù bên ngoài, Vân luôn tỏ ra cứng rắn mạnh mẽ, nhưng bên trong mềm yếu lắm. Mình phải xác định với vợ rằng việc hai vợ chồng có thể cùng đi tuy sẽ là thiệt thòi với con nhưng cũng sẽ khiến con sớm trưởng thành và cứng cỏi hơn”, anh Thanh chia sẻ. Từng có thời gian công tác ở quần đảo Trường Sa nên đối với Thanh, chuyến công tác đặc biệt lần này sẽ giúp anh có thêm những trải nghiệm mới, một sự tự hào mới. "Chuyên gia nước ngoài có hỏi chúng tôi rằng tại sao lại tham gia Bệnh viện này, tôi trả lời rằng điều đó giúp tôi mang lại sự tự hào cho con cái và gia đình" - anh Thanh chia sẻ. Nói về ước mong trước khi lên đường, anh Thanh cho hay: “Chỉ mong con khỏe mạnh để bố mẹ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ”.

Những chiến sĩ, y bác sĩ trưởng thành trong thời bình, họ sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn, tiềm ẩn cả những nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nhắc đến họ là nhắc đến những người lính bản lĩnh. Những binh sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã và sẽ góp phần chung tay xoa dịu hậu quả chiến tranh cho đất nước và người dân Sudan. Và trên hết họ truyền đi thông điệp Việt Nam – sứ giả của sứ mệnh hòa bình.

Chỉ hai năm sau khi giành độc lập, tình trạng tranh chấp sắc tộc dẫn tới chia rẽ quyền lực chính trị trong nội bộ Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM), tổ chức từng dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập của Nam Sudan, đẩy quốc gia này vào vòng xoáy nội chiến giữa các phe phái. Những cuộc giao tranh đẫm máu giữa các phe nổ ra từ năm 2013 đã khiến ít nhất 2,2 triệu người Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa và châm ngòi cho một thảm họa nhân đạo. Ngoài xung đột chính trị và bạo lực, hàng loạt đợt hạn hán đã gây ra nạn đói, đe dọa trầm trọng tới an ninh lương thực ở quốc gia Đông Phi này. Vào tháng 6/2018, khoảng 7 triệu người, chiếm 60% dân số Nam Sudan, cần được cứu trợ và có nguy cơ bị đói.


Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011 theo Nghị quyết số 1996 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, xung đột phe phái kéo dài ở Nam Sudan buộc LHQ phải triển khai lực lượng UNMISS năm 2011 theo Nghị quyết số 1966 để ngăn thảm họa nhân đạo. Nhiệm vụ chính của UNMISS là bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan cũng như hỗ trợ Chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Trong thời kỳ cao điểm, lực lượng UNMISS gồm 11.350 binh sĩ quân đội và 1.173 sĩ quan cảnh sát đến từ các nước thành viên LHQ.

Việt Nam bắt đầu góp mặt trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ bằng cách gửi 27 lượt sĩ quan tới UNMISS từ tháng 6/2014. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hòa bình, không tham gia vào xung đột quân sự mà chỉ tập trung vào nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải.

Minh Hải (tổng hợp từ CAND, VOV)

Bạn đang đọc bài viết "Tự hào những sứ giả hòa bình của Việt Nam" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin