Từ điểm chung của các vụ án đánh bạc trực tuyến bị triệt phá: Ngân hàng cần xem lại các thiết chế phòng chống tội phạm liên quan đến tiền tệ

(Pháp lý) - Sau hàng loạt các đường dây đánh bạc trực tuyến bị triệt phá, dễ nhận thấy một điểm chung là hình thức thanh toán của các đường dây này chủ yếu qua ngân hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng cũng có một phần trách nhiệm trong đó và kiến nghị ngân hàng phải xem lại các thiết chế phòng chống tội phạm liên quan đến tiền tệ.

Điểm chung của các đường dây đánh bạc

Tháng 7/2018, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá đường dây đánh bạc thông qua Internet với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club, thu lời bất chính trên 9.800 tỷ đồng.

 Rất nhiều đường dây đánh bạc trực tuyến đã bị triệt phá
Rất nhiều đường dây đánh bạc trực tuyến đã bị triệt phá)

Đầu tháng 5/2019, Bộ Công an (C02) cũng đã quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố 24 bị can về hành vi Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc trên mạng Internet thông qua trang web Fxx88.com với số tiền lên tới 30.000 tỷ đồng. Để có thể đánh bạc trên Fxx88, các con bạc đã tạo cho mình một hoặc nhiều tài khoản và nạp tiền bằng cách chuyển khoản đến các ngân hàng đại diện của nhà cái. Đặc biệt, các đối tượng trong đường dây này đã tinh vi hướng dẫn các con bạc thực hiện chuyển khoản thông qua các dịch vụ chuyển tiền ngân hàng online ít có tiếng tăm như Zpay, Eeziepay….

Điểm chung của các đường dây đánh bạc trực tuyến nêu trên là hình thức thanh toán chủ yếu qua các ngân hàng với những giao dịch bất thường. Trong vụ việc Rikvip/TipClub, phía Công an xác định tổng số tiền đánh bạc nập qua cổng thanh toán là gần 9.600 tỷ đồng. Trong đó nạp từ các ngân hàng là 16 tỷ đồng, chiếm 1,75%. Đặc biệt, đường dây đánh bạc Rivip/TipClub đã mở một số tài khoản thanh toán quốc tế thông qua ngân hàng để chuyển tiền ra nước ngoài.

Chuyên gia Luật kiến nghị làm rõ trách nhiệm của ngân hàng

Trước việc nhiều ngân hàng phát hành thẻ ATM được hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần dựa vào kết luận của cơ quan điều tra mới có thể khẳng định các “nhà băng” có hay không “tiếp tay” cho hoạt động tội phạm để trục lợi.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu)

Cũng theo vị chuyên gia này, các ngân hàng thường có phòng ban về phòng chống rửa tiền với các chức năng hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và công tác tra soát theo các danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt. Theo đó, việc truy tố pháp nhân, cá nhân có vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền tùy thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan an ninh tiền tệ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm về vai trò “cầu nối” thanh toán của các ngân hàng được thể hiện qua quá trình chuyển đổi tiền giữa các đối tượng. Cụ thể, để thực hiện được hành vi đánh bạc, người chơi có tài khoản được mở tại ngân hàng (thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế). Sau khi mở tài khoản chơi game, người chơi sẽ thông qua ngân hàng đổi tiền thật thành tiền ảo, nếu thắng đại lý sẽ thu mua tiền ảo bằng tiền thật và chuyển về tài khoản người chơi thông qua ngân hàng.

Do đó, nếu có giao dịch đáng ngờ, song ngân hàng không thực hiện các hoạt động báo cáo, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thì ngân hàng có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động rửa tiền, vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền, có dấu hiệu của đồng phạm theo Bộ luật Hình sự.

 Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM))

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, để kiểm soát khách hàng có sử dụng tài khoản thanh toán nhằm vào mục đích bất hợp pháp hay không, tại giai đoạn mở tài khoản thanh toán rất khó và hầu như là không thể.

“Thời điểm mở tài khoản thanh toán, khách hàng không có bất kỳ biểu hiện nào về việc họ sẽ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ, để ngân hàng có thể phòng ngừa hoặc ngăn chặn. Trong giai đoạn này chỉ có thể kiểm tra thông tin cá nhân, điều kiện về chủ thể để theo dõi, kiểm tra sự bất thường trong hoạt động giao dịch của họ, đồng thời bắt buộc họ cam kết không vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ như: rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận,…”, Luật sư Hùng lý giải.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, phải có các tình tiết chứng minh ngân hàng bất chấp quy định để thực hiện giao dịch cho các đối tượng đánh bạc, có hành vi tiếp tay cho hoạt động rửa tiền,… thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ngân hàng (pháp nhân) hoặc là cá nhân, bộ phận trong ngân hàng.

“Nếu ngân hàng chỉ vi phạm các quy định về ban hành văn bản nội bộ, xác minh thông tin, báo cáo,… thì bị xử phạt hành chính về lĩnh vực tiền tệ do vi phạm quy định về phòng chống rửa tiền”, Luật sư Hùng thông tin thêm.

Vị Luật sư này cũng nhấn mạnh, các hành vi vi phạm có liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền trong mọi trường hợp đều cần kết luận của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan điều tra, Cục Phòng, chống rửa tiền của ngân hàng Nhà nước,… mới có cơ sở để đề xuất biện pháp xử lý nghiêm minh.

“Ví dụ, sau khi tiến hành hoạt động điều tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền kết luận rằng ngân hàng X có các sai phạm về quy định phân loại khách hàng theo mức rủi ro tại khoản 2, 3 và 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền, sẽ bị phạt theo Điều 41 Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ với số tiền phạt từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, không xây dựng quy định phân loại khách hàng hoặc không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hùng phân tích.

Nhìn ở khía cạnh khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho rằng hình thức thanh toán này thực sự không khó phát hiện, bởi đã xuất hiện những tài khoản ngân hàng có lượng giao dịch lên đến hàng chục tỉ đồng/tháng, trong khi chủ tài khoản chỉ là công nhân, có thu nhập chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Theo Luật sư Đức, khi mở tài khoản có khá đầy đủ thông tin nhân thân, tài chính của các khách hàng. Không thể có chuyện một người thu nhập thấp, công nhân lại có thể chuyển đi chuyển lại số tiền lớn đến như vậy. Trong khi đó, Luật Phòng, chống rửa tiền, cũng như Nghị định 116/2013 đã hướng dẫn, giao dịch có giá trị bất thường, giá trị giao dịch phức tạp vượt qua nhiều địa bàn, quốc gia của khách hàng, tần suất thường xuyên các ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo ngân hàng Nhà nước.

“Với một người lái xe ôm, một công nhân thu nhập chỉ vài triệu/tháng thì lấy tiền ở đâu để giao dịch cả chục tỉ đồng/tháng. Thông tin khách hàng, giao dịch chuyển tiền đi đâu, mục đích gì các ngân hàng đều biết. Vấn đề là họ kiểm tra, giám sát, báo cáo như thế nào mà thôi”, Luật sư Đức nói.

Chính vì thế, Luật sư Đức khẳng định, có lỗ hổng rất lớn trong ngân hàng liên quan đến việc chuyển tiền thật mua bán tiền ảo: "Không phải ngân hàng không biết, thậm chí biết rất rõ, nhưng không biết thuộc trách nhiệm của ai. Thực tế, đại lý game thực hiện chức năng thanh toán thì vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng, vì họ không phải các tổ chức tín dụng thực hiện các chức năng thanh toán; còn các tổ chức tín dụng thì vi phạm Luật Phòng, chống rửa tiền".

Theo quy định, ngân hàng phải có trách nhiệm lập báo cáo ngân hàng Nhà nước khi thực hiện những giao dịch có giá trị lớn. Bên cạnh đó, khi thực hiện giao dịch có những dấu hiệu cho thấy khách hàng đang thực hiện hành vi phạm tội, tài sản có nguồn gốc phạm tội phải lập tức báo cáo với ngân hàng Nhà nước để có những biện pháp xử lý.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các “nhà băng” có thể tự mình hoặc thuê bên thứ ba xác minh thông tin của khách hàng thông qua tổ chức, cá nhân khác đã và đang có mối quan hệ đối với khách hàng đó; tiến hành phân loại rủi ro theo những tiêu chí của ngân hàng dựa trên quy định của pháp luật và Luật Phòng, chống rửa tiền.

“Theo Luật Phòng, chống rửa tiền, ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc phòng, chống rửa tiền, quản lý các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, muốn đề cao trách nhiệm các ngân hàng thì cần tăng cường vai trò thanh tra của ngân hàng Nhà nước. Khi vai trò của người quản lý được thể hiện rõ thì các tổ chức dưới quyền quản lý sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật và chỉ đạo”, Luật sư Hùng kiến nghị.

Chính vì tính nghiêm trọng mang tầm quốc tế, các chuyên gia cho rằng, nếu phát hiện có hành vi rửa tiền mà không xử lý mạnh tay, sẽ là tiền đề không chỉ cho các tội phạm tiền tệ phát triển, mà còn kéo theo các tội phạm công nghệ cao khác gia tăng.

Sau Rikvip/Tip.Club, lại thêm đường dây đánh bạc trực tuyến Fxx88.com với số tiền cá cược lên tới 30.000 tỉ đồng vừa bị triệt phá gây chấn động dư luận. Điểm chung của các đường dây đánh bạc trực tuyến này chính là vai trò “cầu nối” thanh toán quan trọng của các ngân hàng, với một loạt giao dịch mờ ám, bất thường, thậm chí thuê cả tài khoản xe ôm, công nhân...

Theo cơ quan điều tra, Fxx88.com hoạt động có tổ chức, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành cả nước. Hình thức thanh toán của đường dây đánh bạc này chủ yếu qua hệ thống ngân hàng (NH) bằng các dịch vụ chuyển tiền NH online, dịch vụ chuyển tiền nhanh Zpay, Eeziepay...


Theo Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ 1.1.2013, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực NH bao gồm: a) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không; b) Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; c) Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; d) Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh.

Hòa Nguyễn

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin