(Pháp lý) – Thời gian qua, các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google… đã dùng sức mạnh độc quyền của mình để thâu tóm thị trường trên khắp thế giới. Điều này khiến cơ quan cạnh tranh của các quốc gia liên tục khởi xướng các cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào các công ty công nghệ. Mới đây nhất, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc cũng đã ra thông báo điều tra Alibaba Group vì nghi ngờ hành vi độc quyền của Tập đoàn này.
Không chỉ điều tra, cơ quan cạnh tranh của các quốc gia cũng đưa ra nhiều chính sách mới, phù hợp với việc giám sát các “ông lớn” công nghệ về cạnh tranh và chống độc quyền trên môi trường internet. Qua đây, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về chống độc quyền trên môi trường Internet ở Việt Nam.
Các “ông lớn” công nghệ liên tiếp bị sờ gáy vì hành vi “độc quyền”
Hôm 24/12/2020, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc ra thông báo điều tra chống độc quyền Alibaba, hãng công nghệ lớn nhất của Trung Quốc sau một tháng ngăn chặn vụ IPO của công ty tài chính Ant thuộc Alibaba. Đây là vụ điều tra chống độc quyền đầu tiên vào một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, xảy ra trong bối cảnh các nhà chức trách đang giám sát hoạt động thương mại điện tử và fintech của Alibaba theo quy mô chưa từng có tiền lệ.
Cơ quan quản lý cho biết đã điều tra những hành vi độc quyền tình nghi như phương thức buộc thương nhân chỉ bán độc quyền trên nền tảng của Alibaba. Thông báo chung của Cơ quan Điều tiết thị trường Trung Quốc chỉ ra cuộc điều tra Alibaba đã được mở sau khi nhận được khiếu nại. Cùng lúc này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc nói sẽ giám sát và hướng dẫn Ant về các vấn đề liên quan tới cạnh tranh công bằng và bảo vệ người dùng. Trong một tuyên bố, Ant cho hay đã nhận được thông báo từ nhà chức trách và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ tất cả quy định.
Theo Financial Times, cuộc điều tra Alibaba đánh dấu hành động quyết liệt nhất của nhà quản lý Trung Quốc nhằm xử lý quyền lực ngày một lớn của các hãng công nghệ nước này. Scott Yu, chuyên gia chống độc quyền tại hãng luật Zhong Lun, cho rằng đây là cuộc điều tra chống độc quyền đầu tiên của Trung Quốc tại một công ty Internet Trung Quốc vì lạm dụng sức mạnh thị trường. Theo ông, kịch bản xấu nhất là Alibaba có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu năm 2019.
Hồi đầu tháng 11/2020, Ủy ban Chống độc quyền của Trung Quốc đã công bố dự thảo Luật hạn chế độc quyền trên môi trường Internet. Dự luật được cho là nhắm thẳng đến các công ty công nghệ lớn như Alibaba, Tencent… Sau nhiều năm tự do hoạt động với ít hạn chế. Theo đó, các hành vi được coi là chống cạnh tranh như lợi dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, thiết lập các liên minh để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh yếu hơn hay bán dưới giá thành… sẽ bị phạt nặng.
Trong một thời gian dài, các công ty công nghệ Trung Quốc ép thương gia, những người muốn bán hàng trên nền tảng của họ, phải lựa chọn một bên nếu không muốn lãnh hậu quả như hạn chế lưu lượng khách hàng dẫn đến gian hàng trực tuyến. Chẳng hạn, năm 2019, nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới Galanz tố cáo Alibaba chuyển hướng truy cập của khách hàng khỏi gian hàng Tmall sau khi hãng này bán hàng trên Pinduoduo, đối thủ của Alibaba. Galanz cho biết doanh số của họ sụt giảm mạnh vì không “trung thành” với Alibaba. JD và Pinduoduo – cả hai sàn thương mại điện tử được Tencent hỗ trợ - cũng kiện Alibaba vì hành vi tương tự, tố đối thủ lợi dụng độc quyền để ngăn cản thương nhân bán hàng trên dịch vụ của họ.
Alibaba từ chối bình luận về vụ điều tra. Tuần trước, Chủ tịch Ant Eric Jing nói công ty đang thận trọng lắng nghe chỉ trích từ nhà quản lý và người tiêu dùng để tìm cách được IPO.
Trong khi đó tại Mỹ, tờ Politico hôm 15-12 đưa tin một liên minh gồm bang California cùng 11 bang khác và Bộ Tư pháp Mỹ có thể nộp đơn kiện Google sớm nhất vào ngày 17-12 (giờ địa phương) với cáo buộc độc quyền và thao túng thị trường. Tổng chưởng lý bang California Xavier Becerra hôm 12-12 cho rằng sự thống trị của Google khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ không có nhiều lựa chọn khi sử dụng các công cụ tìm kiếm trên internet.
Theo đài CNBC, ông Becerra cáo buộc bằng cách sử dụng các thỏa thuận để thống lĩnh thị trường, Google đã kìm hãm sự cạnh tranh và thao túng thị trường quảng cáo. Vụ kiện này sẽ mở đường cho sự đổi mới về công cụ tìm kiếm liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ cũng kiện Google trong một vụ kiện chống độc quyền được xem là lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Theo tờ Politico, đơn kiện của các bang dự kiến được nộp lên cùng một tòa án liên bang ở Washington, nơi xử lý đơn kiện hồi tháng 10.
Chung "số phận" với Google, Facebook cũng đối mặt thách thức pháp lý nghiêm trọng tại Mỹ trong năm nay. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và gần 50 bang hôm 9-12 đệ đơn kiện Facebook nhằm kiềm chế sự độc quyền của mạng xã hội có hơn 2 tỉ người dùng này.
Tại Liên minh Châu Âu (EU), 10/11 Liên minh châu Âu cáo buộc Công ty Amazon của Mỹ đã sử dụng quy mô, sức mạnh dữ liệu của mình để đạt lợi thế không công bằng trước các doanh nghiệp nhỏ hơn bán hàng trên nền tảng trực tuyến, gây tổn hại đến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.
Phát biểu trong cuộc họp báo, lãnh đạo Cơ quan thực thi cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager cho biết, Ủy ban châu Âu đang điều tra hoạt động của Amazon vừa là thị trường cho người bán vừa là người bán đối thủ. Amazon đã thu thập dữ liệu về các đối thủ cạnh tranh bán hàng trên nền tảng của họ để tập trung vào các sản phẩm bán chạy nhất, đồng thời làm hạn chế khả năng bán hàng và phát triển của bên thứ ba. Do đó, các cơ quan quản lý phải đảm bảo rằng các nền tảng có vai trò kép với sức mạnh thị trường, như Amazon không được làm sai lệch cạnh tranh.
Tháng 8.2020, cục Cạnh tranh của Canada và Văn phòng chống độc quyền liên bang Đức đã bắt tay vào điều tra cách thức Amazon đối xử với bên bán hàng thứ ba trên nền tảng.
Cuộc điều tra của Đức, vốn tách biệt với trường hợp của EU, đang cố gắng cáo buộc việc Amazon tác động đến giá bán hàng của bên thứ ba trong thời gian đại dịch. Amazon cho rằng động thái này được đưa ra để ngăn các nhà bán lẻ bán khống giá hàng hoá.
Hôm 15/12 vừa qua, EU chính thức công bố hai dự luật gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) nhằm ngăn các tập đoàn công nghệ như Google, Amazon và Facebook…thao túng thị trường. Với hai dự luật này châu Âu vạch ra khung pháp lý buộc các gã công nghệ khổng lồ phải tuân thủ nếu muốn hoạt động tại 27 quốc gia thành viên EU.
Trước đó hồi tháng 6/2020, cũng bị EU điều tra điều tra chống độc quyền nhằm vào một gã khổng lồ về công nghệ khác là Apple. Theo Cơ quan chống độc quyền của EU cho biết Các cuộc điều tra được tiến hành dựa trên cáo buộc từ Spotify - dịch vụ chuyên cung cấp nhạc kỹ thuật số - về việc Apple đã áp đặt những hạn chế không công bằng với mình.
Bên cạnh đó, Cơ quan chống độc quyền của EU cũng sẽ điều tra kỹ lưỡng về Apple Pay, trong bối cảnh có những quan ngại rằng hệ thống thanh toán của Táo khuyết đang ngăn chặn các đối thủ.
Tại Hàn Quốc, ngày 8/10, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc, Joh Sung-wook, cho biết, nước này đã khởi động điều tra chống độc quyền nhằm vào tập đoàn công nghệ Google liên quan đến kế hoạch tính phí hoa hồng đối với các giao dịch mua bán được thực hiện trong kho ứng dụng của tập đoàn này.
Google rơi vào tầm ngắm của các nhà chức trách Hàn Quốc sau khi cập nhật chính sách toàn cầu vào cuối tháng 9/2020, buộc tất cả ứng dụng trong kho ứng dụng Play Store sử dụng hệ thống thanh toán của mình. Theo chính sách mới sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2021, Google thu khoản phí 30% đối với tất cả các giao dịch mua bán các sản phẩm kỹ thuật số của khách hàng.
Các nhà phát triển ứng dụng Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái trên của Google, cho rằng điều này có thể vi phạm luật thương mại và truyền thông công bằng của Hàn Quốc.
Bà Joh Sung-wook cho biết các cơ quan chức năng Hàn Quốc đang xem xét kế hoạch trên của Google. Bà Joh Sung-wook cho rằng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này hiện là bất hợp lý và Hàn Quốc đang điều tra các hành vi phản cạnh tranh. Trong khi đó, theo Hiệp hội Kinh doanh Internet Di động Hàn Quốc, Google chiếm 63,4% trong tổng doanh số bán ứng dụng đạt 6.000 tỷ won (5 tỷ USD) tại Hàn Quốc vào năm ngoái.
Gợi mở chính sách chống độc quyền trên môi trường Internet ở Việt Nam
Theo thông lệ quốc tế và cũng được quy định tại Luật Cạnh tranh của Việt Nam, khi một doanh nghiệp ( DN ) có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan sẽ được xác định là có "vị trí thống lĩnh thị trường". DN được coi là có "vị trí độc quyền" nếu không có DN nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà DN đó kinh doanh trên thị trường liên quan.
Nhiều năm qua, những hãng công nghệ khổng lồ như Facebook, Google và Microsoft… đang nắm giữ vị thế thống lĩnh thị trường. Đồng thời, gần như có vị trí độc quyền trong hàng loạt dịch vụ về công nghệ thông tin. Các sản phẩm, dịch vụ của Facebook, Google liên quan mật thiết đến đời sống xã hội và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, dân sự, hầu hết các cá nhân và DN đều đang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Facebook và Google. Với dân số 96 triệu người, là một thị trường "béo bở" cho cả Facebook và Google, công ty đang sở hữu YouTube. Năm 2018, với khoảng 65 triệu tài khoản ở Việt Nam, Facebook ghi nhận doanh thu gần 1 tỉ USD, chiếm khoảng 1/3 doanh thu của mạng xã hội khổng lồ Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Google thu được 475 triệu USD trong cùng thời gian này nhờ quảng cáo trên YouTube.
Việt Nam có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, ban hành các chính sách, pháp luật, thực hiện các biện pháp để hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn hành vi lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hay độc quyền của các công ty công nghệ “khổng lồ” như Facebook, Google, Amazone… có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như môi trường hoạt động kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.
Theo quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018, chính sách của Việt Nam về cạnh tranh là tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch; bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của DN; nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bất cứ một hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ VN hay ngoài lãnh thổ VN , nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường VN thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.
Mặt khác, Luật Cạnh tranh cũng đưa ra quy định về việc hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh. Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tiến hành hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Trong thời đại kỹ thuật số, con người ngày càng có xu hướng hoạt động trực tuyến nhiều hơn, các hãng công nghệ phát triển nhanh chóng với vị thế ngày càng lớn, mối lo ngại về hành vi độc quyền phi cạnh tranh gây hại cho người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, về mặt quản lý và xử lý có lẽ còn nhiều việc phải làm, bởi nhiều hãng công nghệ lớn như Facebook, Google… chưa đăng ký hoạt động kinh doanh chính thức tại Việt Nam…
Theo đó, chúng ta cần khẩn trương phải có những chính sách, quy định chống độc quyền hiệu quả hơn để có thể đáp ứng tốt hơn việc giám sát các "ông lớn" công nghệ trên môi trường internet như Trung Quốc, EU và một số quốc gia khác trên thế giới đã và đang làm, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và cho phép một thế hệ mới các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển.
Việt Nam cần khẩn trương phải có những chính sách, quy định chống độc quyền hiệu quả hơn để có thể đáp ứng tốt hơn việc giám sát các "ông lớn" công nghệ trên môi trường internet như Trung Quốc, EU và một số quốc gia khác trên thế giới đã và đang làm, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và cho phép một thế hệ mới các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển.
Đinh Chiến