Một trong những điểm gây bất ngờ của Bộ Luật hình sự vừa được Quốc hội thông qua là từ 1/7/2016 tới đây, những người sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm giả, phụ gia thực phẩm giả có thể bị phạt tù từ 15-20 năm hoặc chung thân, tuỳ mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Mức phạt này đã giảm đáng kể so với mức phạt răn đe của Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 được Quốc hội thông qua.
Cụ thể: Theo Điều 193 Bộ Luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định: tội sản xuất, buôn bán lương thực, thực phẩm giả, phụ gia thực phẩm giả sẽ bị phạt tù 15-20 năm hoặc chung thân nếu người phạm tội thuộc các trường hợp sau:
- Thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên;
- Làm chết 2 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc tổn hạ cho sức khoẻ 2 nạn nhân, mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ 2 nạn nhân mà tổng tỷ lệ tổn thương từ 122% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên.
Trước đó, theo Điều 157 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, nếu bị phát hiện những trường hợp phạm tội tương tự trên, người mắc tội sẽ bị phạt từ hai năm tù đến tử hình, tuỳ mức độ nghiêm trọng.
Cụ thể: 1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Thực tế, việc kinh doanh lương thực, thực phẩm giả, phụ gia thực phẩm giả xuất hiện khá nhiều trên thị trường.
Tuy nhiên, theo nhiều luật sư, Điều 157 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định người phạm tội sẽ bị đi tù hoặc tử hình nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng... vẫn còn chung chung và khó xác định được.
Chính vì vậy, mặc dù các cơ quan chức năng đã tìm bắt rất nhiều vụ sản xuất buôn bán lương thực, thực phẩm giả, phụ gia thực phẩm giả lớn trên thị trường nhưng thường chỉ được xử phạt hành chính nên chưa thực sự răn đe nghiêm khắc và việc kinh doanh bột ngọt giả do đó vẫn tiếp diễn xảy ra nơi này hay nơi khác.
"Với khung hình phạt mới này, các cơ quan chức năng có chế tài xử lý hình sự các đối tượng sản xuất buôn bán phụ gia thực phẩm giả, ngăn chặn những nguy cơ hiểm họa đến sức khỏe cho người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp những nhà sản xuất kinh doanh chân chính bảo vệ được thượng hiệu của mình", Luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay.
Phạt tù tới 20 năm những kẻ đang bán thực phẩm bẩn đầu độc người Việt
Theo Trí Thức Trẻ