TS Vũ Thành Tự Anh: Chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên ưu tiên tốc độ và hiệu suất chứ không phải các ưu đãi, thì mới kịp ‘trợ thở’ cho doanh nghiệp

Dù tổng gói cứu trợ của Chính phủ lên tới 25 tỷ USD, nhưng theo ông Vũ Thành Tự Anh, khả năng tiếp cận nguồn tín dụng này của DN không cao. Nên ông chỉ mong DN có thể kịp thời vay được tiền dù với lãi suất cao, còn hơn ngồi chờ đợi vay vốn với lãi suất thấp song không bao giờ sờ được tiền.

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright

Nền kinh tế Việt Nam sẽ chạm đáy tác động xấu của dịch Covid-19 trong quý II/2019

Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục thống kê, trong quý I/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) của chúng ta chỉ tăng trưởng 5,8% so với 9,2%, bán lẻ và dịch vụ tăng trưởng 4,7% so với 12% cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu tăng trưởng 0,5% so với 5,3% và nhập khẩu giảm gần 2% so với tăng trưởng 8% cùng kỳ năm trước.

Kéo theo đó, vốn FDI đăng ký giảm 20,9% so với tăng 86,3% và vốn FDI thực hiện giảm 6,6% so với tăng 6,2% cùng kỳ năm trước. Chưa hết, tăng trưởng tín dụng chỉ 0,82% (thống kê đến 24/3) so với 3,13% và tỷ giá VND/USD giảm 1,95% so với giảm 0,06% cùng kỳ năm trước.

Cụ thể hơn, trong quý I/2019, đã có 476/571 doanh nghiệp có báo cáo tài chính ở trên thị trường chứng khoán và sàn UPCOM báo lãi, chiếm 83,4% (lúc đó có 787 doanh nghiệp đang hoạt động trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM); trong quý I/2020, số công ty báo lãi giảm xuống còn 452, chiếm tỷ lệ 79,2%. Trong đó, khai khoáng và dầu khí là 2 mảng chịu ảnh hưởng nặng nhất, quý I/2019 doanh nghiệp mảng này thu được 3.797 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng quý I/2020 họ chỉ thu lại được 218 tỷ đồng, giảm 94,3%.

Tiếp theo là những ngành như xây dựng, nông lâm thủy sản, bất động sản, vận tải kho bãi đều có lợi nhuận sau thuế giảm từ 37% đến 50%. Ngành tài chính ngân hàng giảm không đáng kể, chỉ 1,3%. Ngành y tế tươi sáng nhất, khi lợi nhuận sau thuế trong quý II/2018 tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về lượng DN đăng ký kinh doanh, theo Cổng thông tin về Đăng ký kinh doanh, quý I/2020, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là 26%, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 1,6%, số lao động của doanh nghiệp mới giảm 23,5%, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,4%; so với quý I/2019, con số lần lượt là 20,8%, tăng 78,1%, tăng 40,9% và 6,2%.

Và nếu chỉ nhìn vào chỉ số của tháng 3/2020, chúng ta sẽ thấy rõ tác động của dịch Covid với doanh nghiệp: khi số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 95%, số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 29,8%, số lao động đăng ký của doanh nghiệp mới giảm 43,9%, số doanh nghiệp mới thành lập giảm 1,6% so với tháng 3/2019.

Tác động của dịch Covid-19 lên đầu tư FDI.

Còn theo dự đoán của TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nền kinh tế Việt Nam sẽ chạm đáy tác động xấu trong quý II/2020, 70% doanh nghiệp sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, ½ doanh nghiệp sản xuất bị ngừng trệ, đóng góp vào ngân sách sẽ giảm từ 20% - 30%…

Mặc dù năng lực điều hành của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tốt, lượng tiền tiết của kiệm của người dân Việt Nam tương đương khoảng 28% GDP – hơn rất nhiều nước khác, chúng ta cũng cố đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong nước, rồi ngành lương thực thực phẩm sẽ tăng sau đại dịch; nhưng công nghiệp và tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm, FDI thực hiện giảm sẽ tác động xấu trong tương lai, dù tỷ giá của chúng ta đã giảm từ 5% đến 10%, nhưng vẫn không bằng cách nước chung quanh như Thái Lan, sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tổng các gói cứu trợ của nhà nước khoảng 25 tỷ USD, tương đương 10% GDP

"Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu. Mức độ tác động và khả năng điều chỉnh của các ngành khác nhau. Thế nên, nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp sẽ đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiệm trong về tăng trưởng và việc làm. Thêm nữa, khủng hoảng y tế có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tài chính", ông Vũ Thành Tự Anh kết luận trong một hội thảo trực tuyến do HAWEE tổ chức.

Hiện tại, Chính phủ đang có 5 gói hỗ trợ về tín dụng, tài khóa, an sinh xã hội, trợ giá viễn thông và hỗ trợ giá điện khoảng 25 tỷ USD, xấp xỉ 10% GDP Việt Nam. Tuy nhiên, chắc chắn là 10% GDP đó sẽ đổ hết vào nền kinh tế, bởi muốn được nhận các gói cứu trợ của Chính phủ, các DN cần phải chứng minh mình chịu thiệt hại nặng nề và có khả năng trả nợ. Do đó, ông cũng không thể đoán được các gói tín dụng đó sẽ được giải ngân bao nhiêu.

Mục tiêu của các gói cứu trợ đó, chính là hạ thấp đường cong nhiễm dịch, bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp, củng cố niềm tin xã hội, bồi đắp nền tảng phục hồi, hạn chế thiệt hại trong tương lai.

"Muốn thế, Chính phủ không nên can thiệp đại trà, mà nên xác lập ưu tiên, can thiệp chọn lọc. Tính kịp thời cực kỳ quan trọng, vì trong khủng hoảng 2008, không ít người nói với tôi là dù khủng hoảng qua đã lâu, mà họ vẫn chưa cầm trong tay bất cứ đồng hỗ trợ nào.

Chúng ta có thể đánh đổi giữa tốc độ với hiệu quả và công bằng. Trong rất nhiều năm gần đây, không ít lần chúng ta nói đến chuyện giảm lãi suất song chưa làm được. Như vậy chẳng thà để doanh nghiệp có thể kịp thời vay được tiền với lãi suất cao, còn hơn ngồi chờ được vay với lãi suất thấp nhưng không bao giờ sờ được tới tiền! Có như vậy, Chính phủ mới có thể kịp thời ‘trợ thở’ cho DN", ông Vũ Thành Tự Anh đề nghị.

Ông Vũ Thành Tự Anh (đứng giữa vòng tay) với các cán bộ giảng viên trường Fulbright.

Ngoài ra, Chính phủ cần dựa vào và thuận theo quy luật thị trường bất kỳ khi nào có thể, đừng đi ngược chiều như bắt DN phải giảm giá sản phẩm của mình. Case study khẩu trang cách đây chưa lâu chính là một bài học kinh điển. Hạn chế trục lợi chính sách ở mức chấp nhận được, đừng để xảy ra các vụ như CDC Hà Nội; cũng như duy trì một mức độ cân bằng chấp nhận được. Cuối cùng, phải có tính thời hiệu - tức sẽ ‘cấp cứu’ đến bao giờ. Vì bao cấp quá đà không tốt, khủng hoảng 2 quý thì chỉ nên trợ cấp 2 quý.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam mới chỉ kịp thời ban hành chứ vẫn chưa dẫn nhận kịp thời, vì theo quan sát của ông, thì rất hiếm doanh nghiệp nhận được tiền từ các gói cứu trợ mà Chính phủ đã ban hành.

Nên ưu tiên ‘cấp cứu’ cho SMEs trong các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề nhất, chứ không phải các doanh nghiệp lớn của Nhà nước

"Tôi cho rằng, các doanh nghiệp Việt sẽ rất khó tiếp cận các gói tín dụng từ Ngân hàng, vì dù sao các Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và họ cần kinh doanh có lời. Trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp đã rất khó vay ngân hàng, giờ nhiều công ty còn giảm 50% doanh thu, thì lấy đâu ra tài sản thế chấp hoặc điều kiện để chứng minh khả năng trả nợ.

Thêm nữa, rất nhiều Ngân hàng tại Việt Nam đã thực hiện Basel II hoặc đang làm, theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, nên các Ngân hàng phải thận trọng hơn trước đây trong việc kiểm soát dư nợ - kiểm soát rủi ro để có thể tuân thủ các quy định ngặt nghèo của Basel II", Giám đốc trường Fulbright nêu vấn đề.

Ông nhấn mạnh lần nữa, ông không mong các DN có thể vay được tiền từ Ngân hàng với lãi suất thấp, mà chỉ cần doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng là ổn, lãi suất cao một chút cũng không sao!

Về mức độ ưu tiên, theo ông cần ưu tiên hỗ trợ cho các SMEs ở những lĩnh vực chịu tác động nặng nề hơn là các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, không ít doanh nghiệp lớn của Nhà nước lên truyền thông than thở kêu ca, nhưng nếu ưu tiên cho chính họ thay vì SMEs, thì tình cảnh của nền kinh tế chúng ta chẳng khác nào quay trở lại trước đợt khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chính phủ cần ưu tiên 'cấp cứu' những doanh nghiệm SMEs, hơn là các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh minh họa

"Chúng ta cần nằm lòng câu ‘việc nhân nghĩa cốt ở yên dân’, trong khi SMEs chính là lực lượng tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cho những người yếu thế trong xã hội, cung cấp tới 70% việc làm cho các lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng nên được ưu tiên hỗ trợ, do tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp đã giảm 15% trong năm qua và họ cũng là bên bị tổn thương nhiều nhất trong quá trình đô thị hóa – công nghiệp hóa.

Chính phủ cần cố gắng hỗ trợ nhanh nhất có thể những bên được ưu tiên, vì trong quá khứ thường các chính sách được dẫn nhập rất chậm. Trong một đợt khảo sát của VCCI khi dịch Covid-19 mới bắt đầu, thì có 60% doanh nghiệp tiết lộ họ chỉ có thể cầm cự được 3 tháng, nếu dịch kéo dài hơn 3 tháng sẽ có 1/3 doanh nghiệp tuyên bố phá sản, kéo dài 6 tháng sẽ là 2/3 phá sản. Mà nay sắp tới tháng 4/2020", ông Vũ Thành Tự Anh lo lắng.

Động lực tăng trưởng của nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 kết thúc ở Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ chính sách. Chính phủ cần phải triển khai các gói gỗ trợ nhanh nhất có thể để đảm bảo được số lượng doanh nghiệp cũng như niềm tin của người dân. Nếu quá chậm khiến lượng lớn doanh nghiệp biến mất, chúng ta phải cần vài chục năm để hồi phục.

Cuối cùng, nền kinh tế Việt Nam không thể hồi phục theo hình chữ V như khi đại dịch SARS năm 2003, đại dịch Covid-19 đang và sẽ tác động khủng khiếp lên các doanh nghiệp, mà SARS không thể so sánh. Mức độ hồi phục của nền kinh tế Việt có thể theo hình chữ U hoặc L. Chắc chắn ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài hết 2 quý đầu tiên trong năm 2020 tại Việt Nam; còn tình hình xấu hơn có thể là virus Corona sẽ bùng phát lại trong quý III, chưa kể quý IV khi nhiều quốc gia vào mùa lạnh khiến người dân dễ cúm – viêm phổi.

Vì thế, các doanh nghiệp Việt nên có phương án đối phó với những khó khăn cả ở mặt cung cầu cho quý II lẫn hết năm 2020. Chúng ta không bi quan nhưng phải thực tế!

Theo cafebiz.vn

Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/ts-vu-thanh-tu-anh-chinh-sach-ho-tro-cua-chinh-phu-nen-uu-tien-toc-do-va-hieu-suat-chu-khong-phai-cac-uu-dai-moi-kip-tro-tho-cho-doanh-nghiep-20200424173816109.chn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin