Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm trao đổi về vấn đề nóng: tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng

25/08/2017 16:19

(Pháp lý) - Vài năm trở lại đây, tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng mạnh mẽ với nhiều hình thức vi phạm và phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp.

“Tìm ra các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng là một nhiệm vụ không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của lực lượng công an nhân dân…”. Xung quanh vấn đề nóng này và với mong muốn các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả hơn với các loại tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm – Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Bài 1: Nhận diện hàng loạt hành vi và thủ đoạn tinh vi của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng

Ngân hàng là kênh huy động vốn lớn nhất, là trung tâm thanh toán và thực thi chính sách tiền tệ, nơi tập trung khối lượng lớn tiền tệ, các giấy tờ có giá trị và các tài sản quý vàng, bạc... Do đó, các loại tội phạm luôn xác định đây là mục tiêu để thực hiện các hoạt động phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vài năm trở lại đây, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng mạnh mẽ với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp.

Nhóm tội phạm về tham nhũng diễn ra khá phổ biến

Trong lĩnh vực ngân hàng, các hành vi phạm tội đã và có thể xảy ra chủ yếu ở nhóm các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính và các tội phạm về chức vụ (gồm các tội phạm về tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ) quy định trong BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009). Tuy nhiên, ở mỗi nhóm tội lại bao gồm nhiều tội cụ thể với các hình thức thể hiện rất đa dạng và tinh vi, phức tạp.

 Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện cảnh sát nhân dân trao đổi với PV Pháp lý
Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện cảnh sát nhân dân trao đổi với PV Pháp lý)

Theo Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, trong lĩnh vực ngân hàng thì các tội phạm về tham nhũng diễn ra phổ biến, gây tác hại nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng.

BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định 07 tội phạm tham nhũng gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283); Tội giả mạo trong công tác (Điều 284).

“Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã xảy ra với hầu hết các loại hành vi cấu thành các tội phạm trên”, Trung tướng, GS. TS Nguyễn Xuân Yêm cho biết.

Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là hai tội cũng thường xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên hành vi khách quan cấu thành hai tội này sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của chính sách pháp luật của ngành ngân hàng qua từng thời kỳ. Chẳng hạn như trước khi có Thông tư 39/2016 của NHNN quy định về nguyên tắc thỏa thuận lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng thì hành vi chi lãi suất vượt trần bị coi là có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và do đó, tội danh này xuất hiện khá nhiều trong các đại án kinh tế ngân hàng xảy ra trước khi Thông tư 39 có hiệu lực.

Nhận diện hàng loạt hành vi và thủ đoạn của tội phạm ngân hàng

Sở hữu chéo luôn là vấn đề nhức nhối trong nền kinh tế nước ta nói chung và trong hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng nói riêng, đó là việc một ngân hàng này sở hữu một (lượng cổ phần) ngân hàng khác, một doanh nghiệp này sở hữu một (lượng cổ phần) ngân hàng khác, hoặc một doanh nghiệp này sở hữu một (lượng cổ phần) doanh nghiệp khác. Trong lĩnh vực ngân hàng, thủ đoạn của các đối tượng ngân hàng thường là dùng tiền của ngân hàng mình gửi tiền, mua cổ phiếu ở ngân hàng khác rồi lại dùng chính khoản tiền, cổ phiếu đó đem thế chấp để vay ngân hàng khác… Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm và thủ đoạn thực hiện mà hành vi này có thể phạm vào tội cố ý làm trái…; tội kinh doanh trái phép (như vụ án “bầu” Kiên: Nguyễn Đức Kiên đã vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của Ngân hàng ACB; sau đó sử dụng tiền vay mua cổ phần, cổ phiếu của một số ngân hàng, rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó để thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại Ngân hàng ACB, tạo ra vốn ảo, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước).

Với chủ trương “giải ngân trước bổ sung chứng từ sau”, Trầm Bê đã “giúp” Phạm Công Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB.
Với chủ trương “giải ngân trước bổ sung chứng từ sau”, Trầm Bê đã “giúp” Phạm Công Danh gây thất thoát 1.800 tỷ đồng của VNCB.)

Trong các đại án kinh tế xảy ra tại các ngân hàng thời gian vừa qua có thể thấy nổi cộm nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội của những người đứng đầu ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng khác là cán bộ ngân hàng cũng có thể thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm thậm chí tự mình thực hiện tội phạm.

Nhìn chung, nhóm đối tượng là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng thường thực hiện tội phạm với các hành vi phổ biến là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Thủ đoạn phạm tội của những người làm trong ngành ngân hàng rất đa dạng như: Lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo cấp dưới phải cho vay, giải ngân dù chưa đủ điều kiện cho vay, cho vay không có tài sản thế chấp (như trong vụ Hà Văn Thắm ở Oceanbank và vụ Trầm Bê ở Sacombank); lập chứng từ khống, sửa chữa chứng từ hóa đơn kế toán rút tiền của ngân hàng (như vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng xây dựng); thông đồng với nhau lấy tiền của ngân hàng cho cán bộ công nhân viên cho vay lấy lãi (như vụ “bầu” Kiên ở ngân hàng ACB).

Cán bộ, nhân viên ngân hàng có thể có các hành vi vi phạm như tiếp nhận tài sản không được phép cầm cố, thế chấp như: đã đem đi thế chấp, cầm cố ở đơn vị tín dụng khác, đã bị cơ quan pháp luật tạm giữ, đang còn tranh chấp hoặc tài sản phát sinh bởi các món vay ngân hàng…; định giá tài sản thế chấp tùy tiện, có lợi cho khách hàng, không tính đến những yếu tố biến đổi giá cả của thị trường và khả năng phải thu hồi cả gốc, lãi và phạt về sau; khi cưỡng chế tài sản cầm cố, thế chấp bán hóa giá để thu hồi vốn vay cũng tìm cách xà xẻo, bớt xén hoặc bán đổ, bán tháo, bán phá giá, chi phí bừa bãi… gây thất thoát lớn và mất khả năng thanh toán…; cán bộ ngân hàng thu nợ lãi về không nộp quỹ mà đem sử dụng mục đích cá nhân không có khả năng trả lại như đánh đề, đánh bạc, chơi hụi…; biển thủ tiền, vàng trước khi đưa vào kho, két, trên đường vận chuyển; đánh tráo tiền, rút ruột để tham ô; vi phạm nghiêm trọng hoạt động tín dụng, làm trái các nguyên tắc quản lý kinh tế tài chính trong quá trình thẩm định, bảo lãnh cho vay như không thực hiện đúng các quy định lưu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp hoặc chỉ giữ giấy photocopy để đối tượng vay tiếp tục đem giấy tờ, tài sản đó để thế chấp vay vốn các ngân hàng khác nhưng làm ăn thua lỗ không trả nợ được dẫn đến tài sản Nhà nước bị thất thoát; giám sát, quản lý tài sản thế chấp cầm cố không chặt chẽ, thiếu kiểm tra thường xuyên dẫn đến tình trạng tài sản thế chấp là hàng dởm như vàng dởm hoặc tài sản thế chấp bị đánh tráo vẫn không phát hiện được hoặc tài sản thế chấp bị đối tượng vay đem bán hết mà ngân hàng vẫn chưa phát hiện ra…

Trong một số vụ việc được phát hiện, điều tra cho thấy thậm chí cán bộ tín dụng của các ngân hàng còn hợp lý hóa các hồ sơ vay vốn bằng thủ đoạn phối hợp với đối tượng vay xây dựng phương án kinh doanh giả, thông đồng với đối tượng vay xác nhận tài sản thế chấp giả để vay vốn ngân hàng (điển hình như vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng).

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm còn cho rằng: Cán bộ ngân hàng bị lôi kéo, mua chuộc, tiếp tay cho tội phạm xảy ra không ít bởi những người ngoài ngành ngân hàng chỉ thực hiện được tội phạm khi lôi kéo, mua chuộc được cán bộ ngân hàng, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp, hoặc lãnh đạo của các chi nhánh ngân hàng, bằng cách cho hưởng phần trăm hoặc “hoa hồng” trên tổng số tiền vay, thực chất những hành vi đó là đưa, nhận hối lộ để có được sự thông đồng tiếp tay của cán bộ ngân hàng dưới nhiều hình thức.

Ngoài ra, cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí công tác, uy tín của tổ chức ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân cũng là hành vi đang xuất hiện nhiều trong ngành ngân hàng. Hành vi phạm tội này có thể được thực hiện thông qua các biện pháp nghiệp vụ như: huy động vốn cho ngân hàng (thỏa thuận trả lãi suất cao hơn quy định Nhà nước cho phép), sau đó không đưa vào ngân hàng mà chiếm đoạt luôn tiền, tài sản của các cá nhân, tổ chức; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm sửa chữa, tẩy xóa nâng giá trị tiền lên nhiều lần trong các chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng phát hành, rồi đem thế chấp tại chính ngân hàng mình đang công tác (có thể liên hệ đến vụ Huỳnh Thị Huyền Như).

Lừa đảo thông qua thế chấp, cầm cố và mua chuộc cán bộ ngân hàng – hai hành vi phổ biến của nhóm đối tượng phạm tội ngoài ngành ngân hàng

Nhận thế chấp, cầm cố tài sản để cho vay vốn của các tổ chức tín dụng là một trong những hoạt động kinh doanh tiền tệ cơ bản của ngân hàng để đảm bảo an toàn vốn. Theo Trung tướng GS. TS Nguyễn Xuân Yêm, nhiều đối tượng phạm tội thường lợi dụng hoạt động cầm cố, thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để lừa đảo chiếm đọat vốn vay, chẳng hạn như:

Tạo ra dự án đầu tư và phương án kinh doanh giả để vay tiền: Các đối tượng phạm tội đăng ký thành lập doanh nghiệp để lấy tư cách pháp nhân, sau đó xây dựng các bộ hồ sơ dự án giả mạo để thế chấp vay ngân hàng; làm giả con dấu của doanh nghiệp khác, tạo ra các hợp đồng mua bán hàng hóa; hoặc lập ra nhiều doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng kinh tế giả mạo dùng thế chấp vay vốn ngân hàng.

Giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở; hoặc lừa đảo sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân; hoặc cùng một tài sản (nhà, đất) lập ra nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở đem thế chấp tại nhiều ngân hàng để vay vốn.

Tạo ra các kho hàng rỗng như bột mỳ, đường, xi măng, phân bón, sắt thép… chất đầy cửa kho, phía sau không có hàng để cầm cố. Cầm cố kho hàng thực sự nhưng sau đó rút ruột bán hết hàng.
Thế chấp bằng hồ sơ bất động sản và động sản (ô tô, xưởng máy…) thuộc sở hữu của mình nhưng sau đó bán lén.

Vay ngân hàng sau đó kinh doanh bất động sản rồi khai khống giá trị bất động sản lên nhiều lần để tiếp tục thế chấp và vay nhiều hơn; Khai khống giá trị tài sản, khai khống quyết toán từ lỗ thành lãi để được vay nhiều…

Huỳnh Thị Huyền Như là điển hình cho trường hợp cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí công tác, uy tín của tổ chức ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân khác.
Huỳnh Thị Huyền Như là điển hình cho trường hợp cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí công tác, uy tín của tổ chức ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân khác.)

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm cũng cho hay, tổng kết những vụ án lừa đảo ngân hàng thông qua hoạt động cầm cố, thế chấp để vay vốn, dù ít hay nhiều, bao giờ cũng có móc nối giữa cán bộ tín dụng, đại diện cho bên nhận thế chấp cầm cố đối với bên vay tiền. Ít nhất là thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ trước hành vi vi phạm của khách hàng. Sau nữa là cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế của ngân hàng, nghiêm trọng hơn là thông đồng, bày vẽ cho khách hàng hợp thức hóa tài liệu, luồn lách qua những kẽ hở của pháp luật để vay được vốn và sau đó lừa đảo. Vi phạm của cán bộ tín dụng, đại đa số không phải ngay từ đầu đã móc nối với bên thế chấp để chiếm dụng vốn ngân hàng, mà là vì nhiều lý do khác nhau như vị nể cấp trên giới thiệu, quen biết khách hàng dài lâu và có một phần nhỏ vụ lợi như tiền, quà cáp…nên đã vô tình tiếp tay cho bọn lừa đảo. Dường như đã quá phổ biến nhận thức tiền ngân hàng được xem như “tiền chùa” và việc xem duyệt cho vay chính là sự ban phát nguồn lợi. Vì vậy mỗi lần vay được tiền là một lần phải “biết điều” với cả êkip ngân hàng từ cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định, thủ quỹ giải ngân đến thủ trưởng phê duyệt mức vay. Đơn giản là quà cáp, phong bì; nhiều là tỷ lệ phần trăm hoặc món tiền theo thỏa thuận.. Mức độ “biết điều” phụ thuộc vào các yếu tố như: tổng số tiền được vay, tốc độ giải ngân, tính hợp pháp của hồ sơ… hồ sơ càng nhiều sai sót càng phải chi phí lớn.

Bên cạnh đó, tội phạm Rửa tiền qua hệ thống ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng nhưng khó phát hiện để xử lý bởi đây là loại tội phạm có độ ẩn cao. Chủ thể thực hiện tội phạm này chủ yếu là các đối tượng người nước ngoài sử dụng tiền, tài sản có được thông qua hoạt động phạm tội để mua bán bất động sản, chứng khoán… nhằm hợp pháp hóa tiền, sau đó thông qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam chuyển tiền về các tài khoản của chúng tại nước ngoài.

Ngoài ra, theo Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, trong lĩnh vực ngân hàng, các tội phạm xâm phạm sở hữu đã xảy ra và có thể xảy ra ở các hành vi phạm tội như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản mà tài sản bị xâm phạm thuộc sở hữu của ngân hàng. Điển hình của nhóm hành vi này trong thời gian gần đây là trộm cắp tài sản ở các cây ATM. Sử dụng (lợi dụng) công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua hệ thống ngân hàng với thủ đoạn dùng khoa học công nghệ, thông qua mạng Internet xâm nhập vào các tài khoản trong ngân hàng… để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Tội phạm còn làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền qua hệ thống ngân hàng. Đối tượng phạm tội thường mua thẻ nhựa trắng và máy ghi thẻ thông qua mạng, sau đó dùng nhiều thủ đoạn đánh cắp thông tin thẻ và mật mã giao dịch (MMGD) của chủ thẻ, làm thẻ giả và rút tiền.

Kết mở

“Rõ ràng, trong lĩnh vực ngân hàng đã có rất nhiều quy định chặt chẽ nhất là quy định về vay vốn, mặc dù hành vi và thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo ngân hàng rất tinh vi, nhưng nếu không có sự tiếp tay của cán bộ Nhà nước, đặc biệt là cán bộ trong ngành ngân hàng, thì khó xảy ra các hành vi lừa đảo chiếm đoạt được tài sản của ngân hàng”, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm nhận định.

Tuệ Lâm (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm trao đổi về vấn đề nóng: tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin