Tôi được tiếp xúc và trò chuyện với Trung tướng Khuất Duy Tiến không nhiều nhưng từng được nhiều người thuộc mọi thế hệ kể về ông. Đặc biệt qua cuốn Hồi ký Ký ức đời binh nghiệp chân thực, sinh động, giàu cảm xúc đã cho tôi hình dung khá trọn vẹn về ông - một vị tướng trưởng thành trong khói lửa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
[caption id="attachment_146979" align="aligncenter" width="410"] Trung tướng Khuất Duy Tiến.[/caption]
Luôn đồng nhất ở ông, từ khi là cậu thiếu niên tham gia cách mạng năm 13 tuổi, từng bị địch bắt đưa vào nhà tù Hỏa Lò, tiếp đến vượt tù ngục có mặt trong đội hình Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng tài danh Văn Tiến Dũng. Khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông cùng Sư đoàn 320 hành quân vào đánh Mỹ ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng Sài Gòn.
Những tháng năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt cũng là những năm tháng rèn đúc lên ý chí và bản lĩnh thép của một Khuất Duy Tiến kiên cường, cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sát, hiểu biết rõ đến từng người chiến sĩ.
Sau khi đất nước thống nhất, hai đầu biên giới lại rộ lên tiếng súng, Khuất Duy Tiến trên cương vị mới Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (1976 - 1979); Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (1980 - 1984); Tư lệnh Quân đoàn 3 (1984 - 1989) đã ngày càng trưởng thành trong sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của quân đội ta.
Khuất Duy Tiến cùng bộ đội tham gia đánh Pôn Pốt cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1989, ông được điều giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 1 và nghỉ hưu năm 1997 khi tròn 66 tuổi.
Tiếp xúc với ông, tôi càng cảm phục sự mẫn tiệp và đức tính giản dị của người con quê hương Đại Đồng - Thạch Thất. Nhìn vẻ mặt tươi nhuần, nụ cười rạng rỡ của lão tướng quân năm nay đã bước sang tuổi 86, tôi càng thấy rõ một điều, những vị tướng sinh ra từ nhân dân, chiến đấu máu thịt trong lòng nhân dân chắc chắn sẽ đi đến ngày toàn thắng.
Từ trong sâu thẳm, bằng những trực cảm của mình, tôi đã thấy được vị lão tướng trong hành trình trưởng thành của mình đã như những suối nguồn đi ra sông dài biển lớn. Vị tướng trận rung rung mái đầu bạc trắng, nheo cặp mắt hồn hậu nhìn ra khoảng trời phía trước đang mở ra an bình, thơ thới. Phía trước, lá cờ đỏ sao vàng tung bay cuồn cuộn trên nóc cột cờ Hà Nội.
Xa kia, dòng sông Hồng đang mùa phù sa dâng đẫm mật cho đôi bờ ngô lúa tốt tươi. Và nơi xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, ngôi làng cổ từng có tên “Kẻ Đòng”, “Cự Đồng”, “Ấp Đồng” từ thời vua Lê Thế Tông, Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông đến nay vẫn còn đó ngôi đình cổ với những phiến đá xanh vuông đế tròn thấm đẫm nước thời gian. Đó cũng là nơi sinh ra người con, người chiến sĩ, vị tướng Khuất Duy Tiến.
Trong hành trình của vị Trung tướng quê hương Đại Đồng khởi từ những ngày thiếu đói, cơ cực, nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm chỉ mơ ước bữa ăn no, manh áo vải nâu, giấc ngủ không chập chờn ốm đau, bệnh tật, giặc giã. Nhưng cũng chính tuổi thơ lầm than đã cho Khuất Duy Tiến sớm có ý chí, sớm có bản lĩnh kiên cường, dứt khoát
Tháng 10 năm 1949, Khuất Duy Tiến bắt liên lạc được với Đại đội 354 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 để đón đồng chí Ngữ về diệt tên lý trưởng xã Đại Đồng. Sau hai lần bố trí tiêu diệu chưa thành công, để trả thù Cách mạng, tên lý trưởng huy động lực lượng và bắt được Khuất Duy Tiến cùng các anh Kiều Bá Trung, Kiều Văn Chỉ, Vũ Văn Hữu, Khuất Bá Lạo, Khuất Duy Luyện, Khuất Văn Học, Khuất Văn Bồi, Khuất Văn Hiều xuống huyện giam. Khuất Duy Tiến bị tra tấn dã man.
Tiếp đó, Khuất Duy Tiến cùng những người tù bị chuyển giam ở thị xã Sơn Tây và sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò để biệt giam. Tại Hỏa Lò, thật không ngờ đây chính là trường học của Khuất Duy Tiến. Chàng thanh niên thông minh nhanh nhẹn rất tích cực hoạt động trong tù.
Nhiều tài liệu về chủ nghĩa cộng sản được tuyên truyền ở nơi đây. Ngày 19 tháng 5 năm 1950, quân Pháp tiến công Hà Nam, giặc huy động tù binh đi phục vụ chiến đấu vận tải đạn cho binh lính Pháp. Tối hôm đó, lợi dụng lúc quân Pháp ngủ, Khuất Duy Tiến cùng một số đồng chí bí mật trốn thoát được.
Sau nhiều đêm ngày được nhân dân giúp đỡ, Khuất Duy Tiến và các đồng chí trở về được xã Đại Đồng mong muốn tiếp tục được hoạt động. Khuất Duy Tiến gặp lại người cha và nói rõ ý định của mình muốn đi bộ đội vào quân chủ lực để trực tiếp đánh giặc.
Khuất Duy Tiến nhập ngũ vào Trung đoàn 48. Người con xã Đại Đồng trở thành người lính của Trung đoàn 48 từ ngày 4 tháng 9 năm 1950.
Năm đó Khuất Duy Tiến tròn 19 tuổi.
[caption id="attachment_146980" align="aligncenter" width="410"]
Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng phu nhân.[/caption]
Theo bước trưởng thành của đơn vị, qua thực tiễn chiến đấu, Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 19 xung kích đầu năm 1954, khi trên toàn chiến trường, ta đang chuẩn bị mọi mặt để đánh Điện Biên Phủ.
Đại đoàn 320 khẩn trương hoạt động đánh địch trên khắp đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các khu vực Thái Bình, Phủ Lý, Ninh Bình, Phát Diệm, các trục đường quốc lộ, đường sông để phân tán, xé nhỏ tiềm lực của địch.
Các Trung đoàn 48, 52, 64 liên tiếp nổ súng đánh địch khắp nơi và lập được nhiều chiến công. Trong trận chiến đấu tiêu diệt cứ điểm Chùa Ông, Khuất Duy Tiến bị thương vào cổ tay phải vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu rất dũng cảm.
Năm tháng thời gian trôi qua, những trận đánh ác liệt trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ đặc biệt là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã đi vào sử sách vẫn luôn hằn rõ trong tâm trí vị tướng trận.
Không một ai sinh ra để mong muốn được làm anh hùng, ai cũng chỉ muốn sẵn sàng hi sinh máu xương của mình vì nhân dân, vì Tổ quốc. Chiến tranh càng lùi xa, những vị tướng như Khuất Duy Tiến càng day dứt nhớ tiếc đồng đội đã khuất mà trong đó nhiều người còn chưa tìm thấy mộ.
Tháng 10 năm 2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong sâu thẳm trái tim ông, danh hiệu đó là danh hiệu chung của toàn thể đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hi sinh.
Ông chia sẻ những suy nghĩ chân thành đến thắt lòng: Ngày tôi được phong Anh hùng, hơn 800 anh em Sư đoàn 320 từ 26 tỉnh miền Bắc đã về để chúc mừng. Tôi nói với anh em, khi đeo chiếc Huân chương này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy nặng nề.
14.000 người lính của Sư đoàn 320 đã hi sinh trong chiến tranh. Trong đó có hơn 3.000 người lính hi sinh ở chiến trường Campuchia. Huân chương này không phải của riêng tôi, mà của tất cả anh em ngồi đây và những anh em đã nằm xuống".
Tôi đã lặng đi rất lâu trước suy nghĩ của ông.
Cũng trong dịp đó, Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh đã đến nhà riêng tặng hoa chúc mừng ông - vị tướng trận đồng thời là thủ trưởng cũ của Bộ trưởng, người Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trực tiếp chỉ huy các trận đánh vô cùng ác liệt trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mà bản thân Phùng Quang Thanh khi ấy là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9. Đơn vị của Phùng Quang Thanh đã chiến đấu vô cùng dũng cảm.
Phùng Quang Thanh khi bị thương vẫn chỉ huy bộ đội chiến đấu rất anh dũng. Ông được phong Anh hùng năm 1971 do có thành tích xuất sắc trong chiến đấu.
Người Trung đoàn trưởng của ông sau 42 năm vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng. Trong thâm tâm của Đại tướng Bộ trưởng cũng như biết bao cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 64 anh hùng, ông luôn coi Trung đoàn trưởng của mình thực sự xứng đáng là anh hùng ngay từ những ngày còn trong lửa đạn.
Nắm bàn tay dày dặn, ấm áp của người Trung đoàn trưởng từng vào sinh ra tử, vị Bộ trưởng như thấy cay cay ở mắt mình. Ông như thấy những đồng đội đã khuất cũng đã mỉm cười khi thấy máu xương của họ không uổng phí, đã góp phần làm tươi xanh hơn, bền vững hơn vị thế của đất nước Việt Nam hôm nay.
[caption id="attachment_146981" align="aligncenter" width="410"]
Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng vợ và các con, cháu.[/caption]
Tôi đã quá xúc động trước mẩu đối thoại ngắn của ông với Tổng Tham mưu trưởng Đoàn Khuê khi ông đã là vị tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 về nhận chức Cục trưởng Cục Quân lực:
- Đồng chí về nhận công tác mới đã về qua nhà chưa? Con cái, mức sống gia đình ra sao?
Vị tướng sau bao nhiêu năm trận mạc trả lời:
- Thưa anh, tôi được 4 con, 2 trai, 2 gái, còn phải nuôi hai cháu: một cháu đại học năm thứ 2, một cháu học lớp 10. Tiền lương eo hẹp, vợ tôi phải nuôi thêm lợn, phải nấu xôi bán thêm buổi sáng, các cháu phải tranh thủ vào cơ quan xin nước vo gạo, cơm thừa, lấy cây chuối và rau nuôi lợn. Vất vả nhưng vui, các cháu ngoan, học hành tốt, gia đình êm ấm.
Gia đình người lính bao gồm cả gia đình những vị tướng lừng danh trên chiến trường của chúng ta luôn giản dị đến thắt lòng.
Tôi vẫn luôn thấy ở vị tướng trận Khuất Duy Tiến một phong thái giản dị, khiêm nhường ấy. Cấp trên của ông, đồng đội của ông cũng đều như vậy. Chính điều này đã giải thích tại sao những người lính của nhân dân Việt Nam anh hùng luôn chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược.
Họ luôn biết thu xếp thật bình dị, nhẹ nhàng, đơn sơ nhất gia đình mình, cá nhân mình, để dành toàn bộ trí tuệ, kể cả máu xương của mình cho nghĩa lớn, cho Tổ quốc non sông.
Theo Đại Đoàn Kết