Con người, sinh vật ưu việt trong vũ trụ, dường như lại trở nên nhỏ bé và hạn hữu trong câu chuyện kể về cuộc tồn sinh vĩ đại và diệu kỳ của những bông hoa.
Hãy khoan nói về Trí tuệ của hoa, tập sách mỏng manh của Maurice Maeterlinck với hình thái một khảo luận triết học nghe có vẻ đồ sộ và có phần quá kinh viện mà nó mang vác trên mình để rồi chúng ta phải gồng mình lên trong việc cố gắng nắm bắt những gì mà vị triết gia đáng kính người Bỉ này muốn truyền tải.
Hãy bước vào trong tác phẩm này như bước vào câu chuyện kể về một công trình tuyệt diệu của tạo hóa, hay như bước vào một cuộc du hành trong địa hạt của một dạng hình mang đầy vẻ thuần phác nhưng cũng không kém phần diễm lệ: những bông hoa.
Bởi bản thân Maurice Maeterlinck trước khi trở thành một con người của triết học thì ông đã là một nhà thơ, một kịch tác gia trứ danh khi đã gây nên một cơn sửng sốt trên văn đàn Âu châu với vở kịch mang tên L'Oiseau Bleu (Con chim xanh) kể về một cuộc phiêu lưu kiếm tìm hạnh phúc.
Và sau đó nữa, ông còn trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn chương vào năm 1911 bởi những tác phẩm kịch đầy thi vị của mình. Có lẽ chính vì thế, khi bàn về những vấn đề triết học, những trang viết của ông cũng thấm đượm sự duy mỹ và tràn đầy tính thơ.
Và cũng cần nói thêm về thời điểm ra đời của khảo luận triết học này, đó là khi sự chói lọi mà hào quang của cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi diện mạo của Âu châu đã thôi làm con người choáng ngợp và say sưa cũng là lúc con người bình tâm nhìn nhận lại và quay ngược về những giá trị của tự nhiên. Người ta để tâm nhìn lại nhiều hơn về tự nhiên để rồi khám phá ra sức mạnh và vẻ đẹp của nó. Những suy tưởng và hứng khởi ngợi ca tự nhiên cũng từ đây mà nở rộ.
Maurice Maeterlinck trong hành trình khám phá và tìm cách hiểu về đời sống của những bông hoa đã nhìn nhận chúng như những thực thể sống động nhất, biểu hiện một cách cụ thể nhất những phản ứng diệu kỳ nhằm vượt thoát khỏi quy luật khắc nghiệt mà tự nhiên đã áp lên đời sống của những loài thực vật. Quy luật đó là gì?
“Nếu trong số các quy luật lớn đè nén chúng ta khó có thể chỉ ra được quy luật nào trong số chúng đè nặng lên đôi vai của chúng ta hơn cả, thì đối với các loài thực vật không còn nghi ngờ gì nữa: nặng nề nhất là quy luật bắt cây cỏ phải chịu số phận bất động từ khi nảy mầm sống cho đến lúc chết.”
Nhưng cũng từ quy luật trói buộc đã tạo nên một bộ mặt hiền lành và tĩnh mịch cho tự nhiên giới này mà các loài thực vật đã thúc đẩy nỗ lực mãnh liệt để đạt được sự tự do. Theo Maurice Maeterlinck, những nỗ lực ấy được biểu hiện trong cấu trúc và sự biến đổi vi tế của những bông hoa tùy theo tự nhiên hay đặc điểm của giống loài, và từ đó đã làm nảy sinh ra khuôn mẫu trí tuệ của chúng.
Cấu trúc chi li đến từng mi li mét để đảm bảo sự nảy bung của phấn hoa nơi cây xô thơm, chiếc cánh với độ cân bằng toàn hảo khiến những bông hoa bồ công anh bay được đi xa, chiếc lò xo trên cánh hoa tạo sức sống mạnh mẽ cho loài đậu chổi,… Những biểu hiện tuyệt vời biểu trưng cho trí tuệ tuyệt vời của các loài hoa, trong liên tưởng và đối sánh của tác giả dường như lại chính là gợi mở, là khuôn thước hoàn hảo và vượt trội cho những sáng tạo của con người.
Đối với ông, sự tiến hóa và khả năng tự hoàn thiện của thiên nhiên dường như đã bỏ rất xa bao nhiêu phát kiến của con người. Và trong khi con người tự phụ với những sáng chế của mình thì cùng lúc đó, thiên nhiên đã đạt được nó từ rất lâu rồi và để rồi khi con người “phát hiện được vạn vật đã luôn tồn tại như vốn dĩ phải thế” thì trớ trêu thay chúng ta lại vỡ ra rằng mình đang “bước trên con đường mòn mà sự sống đã trải qua từ trước”.
Ở trong thế tương quan với tự nhiên, con người dường như trở nên quá bé nhỏ và chậm chạp với sức sống mãnh liệt và sự phát triển trong tự thân đến đáng kinh ngạc của các loài cây cỏ, thực vật. Niềm tự phụ về tính siêu việt của trí tuệ con người phút chốc bỗng trở nên vô cùng yếu ớt. Và trong nỗi hoang mang bủa vây, chúng ta bỗng bật lên một mối nghi ngờ như Maurice Maeterlinck gợi ra: liệu con người đã sáng tạo ra được cái gì phi thường?
Tác giả của Trí tuệ của hoa không ngại ngần khẳng định một cách chắc nịch rằng mọi thứ mà chúng ta kiến tạo nên, mọi thứ đã đem đến cho chúng ta niềm tự hào vô tận đều “là vay mượn thẳng từ tự nhiên”.
Tuy nhiên, chúng ta có thể không đến mức lấy làm quá bi quan bởi nếu nhìn lại, ngay từ đầu tác phẩm này, chính tác giả cũng đã đề cập đến việc trói buộc khắc nghiệt của quy luật tự nhiên đã khiến cho cây cỏ, hoa lá có những phản ứng, thay đổi mạnh mẽ để sinh tồn, phát triển, và trong một mức độ nào đó là để đạt được tự do, điều mà con người có được dù đôi lúc có phần hữu hạn.
Suy cho cùng, Trí tuệ của hoa cũng chỉ là một suy tưởng trong muôn vàn suy tưởng về thế giới, tự nhiên, con người với những mối tương thông chặt chẽ giữa chúng. Những suy tưởng đầy tính duy mỹ và khá nên thơ đó có thể là một gợi nhắc cho con người trong thái độ và hành động của mình trong đời sống chung của nhân loại hay đối với những gì đang có mặt và diễn ra xung quanh mình, trong đó có giới tự nhiên.
Và có lẽ trong sự đồng thanh đồng khí giữa trí tuệ của người và của hoa, con người vẫn đang miệt mài để vươn tới những giá trị mà các loài hoa đã đạt được. Về cả trí tuệ lẫn sắc hương.
Theo Zing