Top 6 sự kiện quốc tế nổi bật của năm 2018: “Mùa xuân” trên bán đảo Triều Tiên – Cuộc giải cứu thần kỳ ở Thái Lan

31/12/2018 09:16

Từ cuộc giải cứu đầy cảm động ở Thái Lan cho đến cuộc chiến thương mại gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc - thế giới đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong năm 2018 vừa qua.

Ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ông Donald Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên.)

1. Cuộc gặp Trump-Kim và kỳ vọng lịch sử

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có với nhau những cuộc khẩu chiến gay gắt và những lời cảnh báo chiến tranh kéo dài suốt nhiều tháng. Trong một diễn biến bất ngờ sau đó, họ đã quyết định gặp nhau và cái kết viên mãn nhất là một màn bắt tay lịch sử ở Singapore hồi tháng 6, nơi hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ cùng nhau thảo luận về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đã có những kỳ vọng rằng bước khởi đầu tích cực này sẽ tạo tiền đề để Bình Nhưỡng theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn và Mỹ sẽ giảm bớt sự hiện diện quân sự nhiều rủi ro trên bán đảo Triều Tiên.

2. Cuộc giải cứu thần kỳ ở hang động Thái Lan

12 cầu thủ nhí được ca ngợi vì sự bình tĩnh và dũng cảm trong tình thế hiểm nghèo.
12 cầu thủ nhí được ca ngợi vì sự bình tĩnh và dũng cảm trong tình thế hiểm nghèo.)

Cả thế giới đã nín thở theo dõi quá trình giải cứu 12 cậu bé từ đội bóng đá Lợn hoang (Wild Boars) thoát khỏi một hang động ngập lụt ở miền Bắc Thái Lan sau khi bị mắc kẹt tại đây suốt 18 ngày. Đây được coi là một cuộc chạy đua gay cấn với thời gian: nước ngày càng dâng cao và cha mẹ của những cậu bé chỉ biết bất lực đứng nhìn.

Giờ đây, hang động nơi cuộc giải cứu thần kỳ diễn ra đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Có tới 16.000 du khách đến thăm làng Ban Chong mỗi ngày, nơi họ có thể một lần nữa được cảm nhận câu chuyện kỳ diệu về tình người đã đi vào lịch sử.

3. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc bế tắc vì Huawei

 Huawei trở thành "quân bài" để Mỹ kìm hãm Trung Quốc.
Huawei trở thành "quân bài" để Mỹ kìm hãm Trung Quốc.)

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khởi đầu vào ngày vào ngày 22/3 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ USD cho hàng hóa Trung Quốc, để ngăn chặn những gì nước này cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Sau cuộc gặp "đình chiến" ngày 1/12, hai nước cam kết hướng tới một bản thỏa thuận cuối cùng để chấm dứt tranh cãi kéo dài gần một năm qua. Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, Canada đã bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei, dấy lên những căng thẳng mới.

4. Căng thẳng Nga – Ukraine bùng nổ khó lường

 Cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết.
Cuộc tranh cãi giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết.)

Sau 4 năm cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, căng thẳng một lần nữa bùng phát giữa Nga và Ukraine, lần này là trên biển. Vào ngày 25/11, hải quân Nga đã bắt giữ 3 tàu Ukraine ở bán đảo Crimea đang trên hành trình vượt qua eo biển Kerch để tiến vào biển Azov.

Phía Nga gọi hành vi của tàu hải quân Ukraine là “xâm nhập lãnh hải” bất hợp pháp và lực lượng nước này đã buộc phải nổ súng bắt giữ khi đối phương không tuân thủ yêu cầu dừng lại.

Tuy nhiên, phía Kiev đã phản bác tuyên bố trên, đồng thời ban bố tình trạng thiết quân luật ở 10 vùng sát biên giới với Nga, đẩy tình hình rơi vào nguy cơ rủi ro xung đột.

5. Nhà báo Ả Rập bị sát hại gây chấn động

 Nhà báo Jamal Khashoggi được biết đến là người thường xuyên chỉ trích chính sách của quốc gia Ả Rập.
Nhà báo Jamal Khashoggi được biết đến là người thường xuyên chỉ trích chính sách của quốc gia Ả Rập.)

Nhà báo Jamal Khashoggi đã mất tích một cách bí ẩn vào ngày 2/10, khi đi vào tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau hơn hai tuần bác bỏ các cáo buộc sát hại, chính quyền Saudi cuối cùng đã thừa nhận vào ngày 19/10 rằng, Khashoggi đã bị giết trong một cuộc ẩu đả trong tòa nhà lãnh sự.

Trước áp lực từ quốc tế, chính quyền Saudi Arabia tuyên bố họ đã bắt giữ 18 người liên quan trong vụ việc để tiến hành điều tra. Vụ việc khiến cho quốc gia Ả Rập trở thành tâm điểm chỉ trích với những cáo buộc nhằm thẳng vào Thái tử Mohammed bin Salman.

6. Biểu tình chưa từng có ở Pháp

 Những cuộc bạo động đã biến thủ đô Paris tráng lệ thành nơi hoang tàn.
Những cuộc bạo động đã biến thủ đô Paris tráng lệ thành nơi hoang tàn.)

Ngày 8/12, gần 10.000 người tự gọi là “áo khoác vàng”, đã tràn xuống đường phố Paris đập phá, đốt xe cộ và cướp bóc các cửa hàng, gây nên tình cảnh hỗn loạn. Tình trạng bạo lực và cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình được ghi nhận ở nhiều nơi.

Sau cuộc bạo loạn ở Paris, Thủ tướng Edouard Philippe đã đưa ra nhượng bộ bằng tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, nhưng động thái này được cho là không thỏa mãn những người biểu tình.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/top-6-su-kien-quoc-te-noi-bat-cua-nam-2018-mua-xuan-tren-ban-dao-trieu-tien-cuoc-giai-cuu-than-ky-o-thai-lan-a416700.html

Bạn đang đọc bài viết "Top 6 sự kiện quốc tế nổi bật của năm 2018: “Mùa xuân” trên bán đảo Triều Tiên – Cuộc giải cứu thần kỳ ở Thái Lan" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin