Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc và lo lắng trong xã hội.
Tín dụng đen để lại nhiều hệ luỵ
Sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019 trước Quốc hội.
Theo đó, tại báo cáo thẩm tra này, ông Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ đã tích cực triển khai cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, đề án cụ thể, nhờ đó 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát...Thu NSNN đạt kết quả tích cực, chi ngân sách nhà nước (NSNN) cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Về chỉ số giá tiêu dùng, giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh và giá thực phẩm có khả năng tăng. Đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội.
Về vốn đầu tư toàn xã hội, cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục dịch chuyển với đóng góp lớn của khu vực kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước đã và đang đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cảng hành khách quốc tế, hàng không, sân bay, bệnh viện, sản phẩm công nghệ cao... Tuy vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp; việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc; các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP, nhất là dự án BOT, BT ngành giao thông đang gặp nhiều khó khăn.
Về lĩnh vực ngân hàng, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn còn khó khăn; việc đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn một số vướng mắc trong thi hành án dân sự, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm...
Hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tác quản lý hoạt động này còn bất cập.
Về hoạt động doanh nghiệp, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu chậm lại, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra các Bộ, ngành để bảo đảm tính thực chất của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện và chưa đạt kết quả như yêu cầu; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới hoạt động, công tác phối hợp và phân công trách nhiệm với các Bộ, ngành chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục có một số cải thiện, tuy nhiên các công trình trọng điểm chưa tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế trong ngắn hạn và gia tăng năng lực sản xuất trong dài hạn, đặc biệt một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai thực địa; hệ thống giao thông kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận chậm được cải thiện, gây tắc nghẽn giao thông, giảm tác động lan tỏa trong phát triển; tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí, thay đổi phương thức quản lý trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, việc thu phí tự động không dừng… triển khai còn chậm.
Về giáo dục, có nhiều vấn đề mà người dân hết sức quan tâm, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình hình bạo lực học đường...
Về công tác xây dựng luật và triển khai thực hiện, còn xảy ra tình trạng một số dự án luật phải rút khỏi Chương trình, lùi thời hạn trình; việc ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện một số luật còn chậm. Đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về việc triển khai thi hành các luật.
Về các lĩnh vực khác, hoạt động đối ngoại tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực; tuy vậy cần quan tâm đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Tình hình bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ còn nhiều bất cập, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc không bảo đảm hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng, các khu chợ, nhà xưởng...
Tình hình an ninh, trật tự còn diễn biến phức tạp, trong đó có một số vụ án giết người nghiêm trọng, lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội để lừa đảo, trục lợi, một số vụ việc quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em, tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng... gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Một số vấn đề xã hội bức xúc như tội phạm tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn, quy mô rộng; vệ sinh an toàn thực phẩm; ô nhiễm môi trường (đặc biệt là rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt); hoạt động khai thác cát, sỏi, bến bãi trái phép... cũng cần được làm rõ.
Tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng
Ủy ban Kinh tế cũng nêu một số vấn đề đề nghị Chính Phủ làm rõ: Thứ nhất, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 tương đối toàn diện, đề nghị cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả đạt được năm 2018, những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành năm 2019 và các năm tiếp theo. Đề nghị đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch đối với tăng trưởng kinh tế. Cần tiếp tục đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu nêu trong Báo cáo của Chính phủ, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công,cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thị trường yếu tố sản xuất.
Tiếp đó, tình hình thu-chi ngân sách Nhà nước có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn; chất lượng công tác phân tích dự báo về ngân sách nhà nước còn chậm được cải thiện, số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn. Công tác thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có thể gây khó khăn, bị động trong quá trình tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình. Đề nghị làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Số lượng và quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp thành lập mới đều tăng, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn; việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thực sự hiệu quả; tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại; cần đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI từ đó hoàn thiện chính sách về FDI.
Các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý,cải cách môi trường kinh doanh nhưng còn chậm, chưa thực chất. Việc thực hiện chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong đợi. Còn nhiều quan ngại của doanh nghiệp như: Chi phí không chính thức giảm nhưng còn ở mức cao; việc gia nhập thị trường còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính về đất đai, thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải… còn phiền hà; các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ vẫn đang gặp khó khăn. Đầu tư tư nhân khó có sự bứt phá bởi năng lực hoạt động, việc tiếp cận các nguồn tài chính còn hạn chế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển.
Các cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ tiếp tục được hoàn thiện, tuy nhiên chưa được đồng bộ hóa; chưa có nhiều đột phá, nhất là chính sách về tài chính, thủ tục hành chính đểthúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; việc tăng cường, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi số, hình thành hạ tầng dữ liệu để tạo thuận lợi phát triển bền vững của nền kinh tế số vẫn chưa được triển khai cụ thể.
Ngoài ra, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, đặc biệt là công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; nhiều trường hợp trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất.
Chất lượng, chi phí và thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ; một số dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao; tình trạng mất cân bằng giới tính chậm được cải thiện.
"Chỉ tiêu về lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội và tỷ lệ tăng còn thấp; việc thực hiện các giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa được chú trọng và chưa hiệu quả; tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, nhiều vụ án thương tâm, gây bức xúc và lo lắng trong xã hội. Nhiều vụ trọng án về ma túy đã được triệt phá, tuy nhiên còn nhiều lo ngại về tình hình, diễn biến phức tạp của các vụ án tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn.
Số người chết vì tai nạn giao thông còn cao, chỉ giảm 0,4% so với năm 2017; đề nghị tiếp tục làm rõ cách tính, số liệu thống kê để phản ánh đúng thực trạng tai nạn giao thông;công tác quản lý, xử phạt đối với lái xe sử dụng rượu, bia quá mức cho phép, dương tính với ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông còn chưa hiệu quả", ông Vũ Hồng Thanh nêu trong báo cáo.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tinh-trang-toi-pham-xam-hai-tre-em-dien-ra-nghiem-trong-a434611.html