Thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ nguồn nước, ứng phó sự cố về nước: Vừa yếu, vừa thiếu trách nhiệm

(Pháp lý) - Nghiên cứu các quy định pháp luật về tài nguyên nước có thể thấy pháp luật quy định đầy đủ và rõ ràng về quy trình, trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên nước nhất là tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, qua sự cố nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm bẩn do hành vi đổ trộm dầu thải, các chuyên gia pháp luật đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ, ứng phó sự cố về nước…

Nhiều ý kiến nghi ngại khi có nguồn nước ô nhiễm chưa được kiểm soát đổ vào hồ lấy nước để xử lý thành nước sạch sinh hoạt cho người dân thủ đô.
Nhiều ý kiến nghi ngại khi có nguồn nước ô nhiễm chưa được kiểm soát đổ vào hồ lấy nước để xử lý thành nước sạch sinh hoạt cho người dân thủ đô.)

Bảo vệ nguồn nước: rất lỏng lẻo…

Sự cố nghiêm trọng nguồn nước sông Đà nhiễm dầu thải, đến nay phần nào đã được kiểm soát, người dân bắt đầu được sử dụng nước sạch trở lại. Những kẻ vì mục tiêu, lợi ích nào đó mà cố ý đổ trộm dầu thải gây nhiễm bẩn nguồn nước cũng đã và sẽ bị khởi tố bắt giam và rồi chúng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Song, qua sự vụ, không chỉ người dân Hà Nội bị ảnh hưởng bởi nước sinh hoạt nhiễm dầu thải mà người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, chưa hết lo lắng về nguồn nước ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe của mình những ngày tiếp theo. Câu hỏi lớn về an ninh nguồn nước cần có lời giải đáp.

Việc bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể là nước dùng cho sinh hoạt, đã được quy định khá đầy đủ trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Thông tư số 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.

Theo đó pháp luật quy định nghiêm ngặt về khu vực lấy nước sinh hoạt, xác định riêng khu vực lấy nước để sản xuất nước sinh hoạt là “vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt” - là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Các hành vi nghiêm cấm để bảo vệ nước sinh hoạt là: xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước;

Tổ chức, cá nhân không được xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thực hiện các biện pháp sau đây: Thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác; Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác; Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

Tuy nhiên, qua sự cố lần này cho thấy việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước đặc biệt đối với nguồn nước sử dụng cho mục đích sản xuất nước sinh hoạt còn nhiều vấn đề. Một trong những vấn đề đó là việc bảo vệ, giám sát an ninh, an toàn nguồn nước còn rất lỏng lẻo. Thực tế, cũng qua sự cố này người dân mới có dịp hiểu rõ hơn nguồn cung nước cho nhà máy này là từ những dòng suối và kênh dẫn từ hồ Đồng Bài được bơm trực tiếp vào bể lọc của nhà máy trong thời gian dài không chỉ bị xả thải dầu bẩn, mà còn có nước thải của các trại gia súc, nước rửa trôi thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả nước thải từ chính Nhà máy nước Sông Đà… Tất cả hầu như đều là các kênh nhỏ, hình thành tự nhiên, chỉ được che chắn thô sơ, dưới sự giám sát hời hợt.

 Bảo vệ nguồn nước khi khai thác làm nước sinh hoạt còn hạn chế (trong ảnh là váng dầu còn lại của vụ việc trên).
Bảo vệ nguồn nước khi khai thác làm nước sinh hoạt còn hạn chế (trong ảnh là váng dầu còn lại của vụ việc trên).)

Thiếu trách nhiệm khi có sự cố

Các quy định pháp luật về tài nguyên nước, cũng nêu rõ trách nhiệm ứng phó khi có sự cố. Theo đó, ứng phó khi có sự cố (điểm b, c, d khoản 1 Điều 27, Luật Tài nguyên nước) quy định: Trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương có trách nhiệm xác định rõ nguyên nhân, tổ chức, cá nhân gây ra sự cố; phối hợp giảm thiểu tác hại do sự cố gây ra; giám sát, đánh giá mức độ suy giảm chất lượng nước, thiệt hại do sự cố gây ra để yêu cầu đối tượng gây ra sự cố bồi thường thiệt hại; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm nguồn nước có trách nhiệm chủ động tiến hành các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan trong quá trình ngăn chặn, xử lý sự cố và báo cáo kịp thời với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, ngoài việc bị xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước trước mắt, cải thiện, phục hồi chất lượng nước về lâu dài và bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Nhìn lại diễn biến sự việc, có thể thấy rõ: Ngay từ ngày 08/10/2019, một số người dân và cán bộ của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã phát hiện ra việc dầu thải bị đổ trộm, chảy vào hồ Đầm Bài - nguồn nước sạch cung cấp cho nhà máy. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chỉ thuê dân địa phương đi vớt váng dầu thải mà không thông báo cho các cơ quan hữu quan ở Hòa Bình và Hà Nội. Nguồn nước bị nhiễm bẩn đã đi qua hệ thống xử lý của nhà máy và được cấp cho hàng triệu người dân ở nhiều quận, huyện tại Hà Nội.

 Bảo vệ nguồn nước khi khai thác làm nước sinh hoạt còn hạn chế (trong ảnh là váng dầu còn lại của vụ việc trên).
Bảo vệ nguồn nước khi khai thác làm nước sinh hoạt còn hạn chế (trong ảnh là váng dầu còn lại của vụ việc trên).)

Đến ngày 10/10, khi nhiều người dân phát hiện nước sinh hoạt có mùi lạ, thành phố Hà Nội mới thành lập tổ công tác - gồm đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan - để tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc. Ngày 14/10, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà quả quyết, kết quả tự kiểm tra của Công ty là nước đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mùi khét trong nước mà người dân cảm nhận được thực chất đó là mùi clo chứ không hề có độc tố. Tuy nhiên, đến ngày 15/10, tức một tuần sau sự cố, một cuộc họp báo mới được tổ chức, đã công bố nguồn nước máy sông Đà bị ô nhiễm styren. Và cũng đến lúc đó, khuyến cáo đầu tiên đến người dân mới được chính quyền thành phố Hà Nội đưa ra, đó là chỉ sử dụng nước máy sông Đà để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Tất cả những diễn biến trên đã cho thấy, đối chiếu với các quy định pháp luật có thể thấy phản ứng của các cơ quan chức năng bao gồm Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quá chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc đưa ra các cảnh báo, chậm khắc phục, làm sai quy định ứng phó với sự cố…
Chưa quan tâm đầy đủ đến an ninh nguồn nước

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc chi nhánh Hoàn Kiếm - Công ty TNHH MTV Môi Trường Đô thị Hà Nội, cho rằng qua vụ nguồn nước sạch sông Đà bị đổ dầu thải vừa qua, có thể thấy trong vụ việc này, hành lang bảo vệ nguồn nước sạch chưa được chú tâm.

Việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đã quy định chặt chẽ tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Ngoài ra, các vùng bảo vệ nước đầu nguồn như hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước này thì Công ty nước sạch sẽ lập rồi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường rồi trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cấp cho các nhà máy nước ở Việt Nam chưa được bảo vệ một cách đúng mực với tầm quan trọng đối với sức khỏe người dân.

Ông Bình cho biết, các quốc gia trên thế giới luôn coi bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia. Mất an toàn nguồn nước có thể dẫn đến những thảm họa tàn khốc, như việc cả một thành phố bị đầu độc, hay xa hơn là cả một quốc gia chết dần vì bệnh tật, thiếu nước. Họ có những phương án bảo vệ hết sức nghiêm ngặt như: Khu vực đầu nguồn nước quan trọng luôn phải có lực lượng bảo vệ, có hàng rào cách ly nhiều lớp để bảo vệ khỏi các hoạt động của con người. Còn tại các nguồn cấp nước có hệ thống cảnh báo tự động, ngay khi chất lượng có vấn đề bất thường phải dừng cấp nước lập tức....“Thiếu kiểm soát an toàn nguồn nước, khai thác bừa bãi tài nguyên nước, làm ô nhiễm nước, lãng phí nước…phải được coi là những hiểm hoạ đe doạ an ninh quốc gia” - ông Bình nói

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: Tài nguyên nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia. Bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một trong những nguồn nước ảnh hưởng chính đến sức khỏe, đời sống của nhân dân là nguồn nước sinh hoạt.

Mặc dù đã có các quy định pháp luật điều chỉnh khá chi tiết (như Điều 32 Luật Tài nguyên nước, Thông tư số 24…), tuy nhiên qua sự việc nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu được người dân phát hiện vừa qua cho thấy việc bảo vệ quản lý nguồn nước vẫn còn nhiều bất cập...

Nhà máy cùng các ngành chức năng địa phương còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện các quy định pháp luật, quản lý quá lỏng lẻo. Các đối tượng quá dễ dàng trong việc đổ dầu thải xuống nguồn nước, trong khi đó việc phát hiện và xử lý của doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng lại rất chậm. Đây là một lỗ hổng rất lớn trong quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước, đặc biệt nguồn nước sinh hoạt.

Kết mở

Nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia. Mất an toàn nguồn nước có thể dẫn đến những thảm họa tàn khốc như việc cả một thành phố bị đầu độc, hay xa hơn là cả một quốc gia chết dần vì bệnh tật, thiếu nước. Bảo vệ tài nguyên nước đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để an ninh, an toàn nguồn nước được đảm bảo theo các chuyên gia chúng ta cần phải thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Đặc biệt cần xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật tài nguyên nước, BLHS và các quy định pháp luật khác. Đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định lỗi thời hoặc khuyết thiếu. Trong đó, cần đặt ra các điều kiện đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch.

Văn Chiến – Phan Phan

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin