Ban Nội chính Trung ương sẽ theo dõi kết quả xử lý cán bộ, đảng viên cấp tỉnh có dấu hiệu vi phạm hoặc bị tố cáo, phản ánh liên quan đến lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng...
Ban Bí thư vừa ban hành Quy định 194 về phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các tỉnh, thành ủy trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và cải cách tư pháp (CCTP).
Theo đó, củng cố hệ thống các cơ quan nội chính của Đảng theo chiều dọc, tăng cường vai trò của Ban Nội chính trung ương trong cả trong công tác cán bộ và vấn đề nội chính lớn của địa phương.
Cụ thể, về công tác cán bộ, đối với trưởng, phó ban nội chính thì địa phương phải trao đổi với Ban Nội chính Trung ương trước khi bổ nhiệm, điều động, luân chuyển.
Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và cán bộ thộc diện tỉnh, thành ủy quản lý mà có dấu hiệu vi phạm hoặc có khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến lĩnh vực nội chính, PCTN, CCTP thì các tỉnh, thành ủy có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin cho Ban Nội chính Trung ương.
Với vụ việc, vụ án và vấn đề đột xuất, nổi cộm, nghiêm trọng, phức tạp tại địa phương liên quan đến án ninh, trật tư, đối ngoại thì tỉnh, thành ủy phải phối hợp với Ban Nội chính Trung ương về chủ trương, định hướng xử lý.
Các tỉnh, thành ủy cũng cần tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo để cán bộ, chuyên viên của Ban Nội chính Trung ương hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có việc dự các hội nghị của địa phương có nội dung liên quan đến các lĩnh vực mà Ban Nội chính Trung ương được phân công theo dõi.
Theo ngành dọc, Ban Nội chính ở các tỉnh, thành trong nhiệm kỳ này được giao khá nhiều nhiệm vụ. Ngoài tham mưu công tác nội chính nói chung, theo Quy định 04 của Ban Bí thư ban hành tháng 7-2018, Ban Nội chính còn là đầu mối tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến tỉnh ủy.
Cơ quan này có quyền kiến nghị với thường trực, ban thường vụ tỉnh ủy xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng, và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư mà thường trực tỉnh ủy giao.
Đáng chú ý, theo Quy định số 11 của Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm nay về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp công dân, thì người đứng đầu cấp ủy, trong đó có bí thư tỉnh, thành ủy phải định kỳ tiếp dân ít nhất mỗi tháng một ngày.
Ban Nội chính Trung ương được giao đôn đốc, kiểm tra công tác này, và nhiều tỉnh, thành đã giao cho Ban Nội chính địa phương làm đầu mối tổ chức.
Công việc nhiều, Ban Nội chính Trung ương tuần trước đã có văn bản gửi các tỉnh, thành ủy quan tâm tổ chức bộ máy, con người, theo hướng tổ chức ba phòng chuyên môn, chứ không là hai như nhiều nơi đang cắt giảm.
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/them-kenh-giam-sat-can-bo-tu-phap-noi-chinh-844124.html