Việc lô 80 con heo thịt dù đạt chứng nhận VietGAP nhưng vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện có chất cấm Salbutamol gấp 5 lần mức cho phép và phải tiêu hủy khiến dư luận nghi ngờ tiêu chuẩn VietGAP đang bị lợi dụng?.
Trước đó, vào ngày 27/4, lô hàng 80 con heo thịt của doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trà (Long An) chuẩn bị nhập vào Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) để giết mổ, chế biến bị phát hiện có chất tạo nạc Salbutamol và phải tiêu hủy. Đáng nói lô hàng này được doanh nghiệp này thu mua của hai hộ dân thuộc Tổ VietGAP (thuộc dự án Lifsap Đồng Nai) tại ấp 3, xã lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
[caption id="attachment_139977" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa: Tiêu chuẩn VietGAP vẫn đang có sơ hở.[/caption]
Theo Cục Chăn nuôi, VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Trước đây, Cục này xây dựng ban hành 5 VietGAP, nhưng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT mới đây, Cục chăn nuôi đã xây dựng thêm 8 VietGap mới với mục đích là để hòa nhịp với trình độ sản xuất ở khu vực Asean.
Trong bối cảnh mà ngành nông nghiệp đang ra sức tuyên chiến với vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và kêu gọi nông dân, doanh nghiệp thực hiện chăn nuôi theo chuỗi, theo tiêu chuẩn VietGAP thì sự việc heo chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn phát hiện sử dụng chất cấm gấp 5 lần cho phép khiến dư luận hết sức hoang mang và hoài nghi: Chứng nhận sạch rồi thì thịt được giết mổ và đưa tới bàn ăn từng gia đình có thực sự sạch và an toàn không?.
Lợi dụng VietGAP để dễ tiêu thụ?
Lơ là không kiểm soát thực phẩm vẫn sẽ bẩn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: “Việc cơ quan giết mổ TP. HCM phát hiện lô heo có chứa chất cấm, đây là khâu cuối cùng trước khi đưa thịt bán cho người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng việc hậu kiểm như vậy là tốt. Không chỉ tin cơ sở sản xuất đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP mà chúng ta phải có hậu kiểm ở các khâu. Khâu chăn nuôi, khâu thu gom làm tốt rồi mà khâu giết mổ không kiểm tra, không kiểm soát thường xuyên thì vẫn xảy ra tình trạng thực phẩm không an toàn. Không từ bỏ kiểm tra ở khâu nào thì chúng ta mới đảm bảo thực phẩm an toàn được”.
Hện ở Việt Nam có khoảng 100 trang trại được chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, Dự án cạnh tranh ngành nông nghiệp Lifsap (Dự án của Bộ NN&PTNT) xây dựng thí điểm tại 12 tỉnh còn chứng nhận thêm cho 9.037 hộ đủ tiêu chuẩn VietGAP nông hộ.
Giải thích về vụ 80 con heo nuôi theo quy trình VietGAP nhưng vẫn nhiễm Sabutamol, đại diện Cục Chăn nuôi không cho rằng tiêu chuẩn VietGap bị lợi dụng nhưng cho rằng công tác hậu kiểm VietGAP ở địa phương có vấn đề.
“80 con heo bị tiêu hủy đúng là chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng là nằm trong số 9.037 VietGAP nông hộ. Chứng nhận VietGAP nông hộ này là do địa phương chứng nhận và có thể do công tác hậu kiểm VietGAP chưa được chặt chẽ nên mới xảy ra hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, đối với 100 trang trại được chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP của Bộ cho đến giờ phút này chưa có trang trại nào để xảy ra hiện tượng chăn nuôi không an toàn sinh học”, Đại diện Cục này nói.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về sự việc này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám lại không cho rằng lỗi ở khâu hậu kiểm. Tuy ông Tám không khẳng định tiêu chuẩn VietGAP đang bị lợi dung nhưng ông cho hay, sau khi ban hành VietGAP, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ rà soát lại để có điều chỉnh bổ sung phù hợp. Hiện này việc chứng nhận VietGap không giao cho cơ quan nhà nước đứng ra chứng nhận nữa mà giao cho do bên thứ 3, tức là các tổ chức chứng nhận độc lập.
Theo thứ trưởng Tám, để xảy ra tình trạng như vậy, trước hết phải xem xét lại toàn bộ quá trình từ chăn nuôi đến khâu vận chuyển, thu mua, chế biến và giết mổ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nghi ngờ có thể cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng tiêu chuẩn VietGAP nhưng cơ sở thu gom về, sau lại nuôi một thời gian lại thực hiện việc vỗ béo, đưa một số chất cấm vào…
"Chúng ta phải xem rất cặn kẽ các quy trình này để xem nó vi phạm ở khâu nào", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói.
Theo Bao phapluat