Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết

20/04/2022 08:49

Sáng ngày hôm nay (19/4), Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ đề: “Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết”.

51-1650419197.jpg

Toàn cảnh Hội nghị.

Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về Tuyên truyền quảng bá  ASEAN, nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động tuyên truyền quảng bá ASEAN, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN với chủ  đề: “Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết”.

52-1650419197.jpg
Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu.

Mở đầu Hội nghị, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: "Hội nghị ngày hôm nay nhằm tập huấn, cung cấp thông tin sâu, có chọn lọc cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn báo chí, tăng cường tuyên truyền về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các chính sách mới nhất  của Việt Nam để thực hiện RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong quá trình tham gia hội nhập và mở cửa".

Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 01 năm 2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo một số tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam và hướng dẫn doanh nghiệp cần làm gì để hưởng các ưu đãi từ RCEP. 

533-1650419197.jpg
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Ông Dương nhấn mạnh các yêu cầu đối với doanh nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, không nên tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu (đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật)

Thứ ba, trong quá trình chuyển đổi, có thể tận dụng cơ hội và tích lũy từ các FTA “tiêu chuẩn thấp” khác (như ASEAN+ FTA, v.v.)

Thứ tư, tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn; tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thứ năm, thay đổi tư duy trong bối cảnh mới: lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Thứ sáu, chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa.

Thứ bảy, chủ động  tìm hiểu thông tin (cam kết, triển vọng và yêu cầu của các thị trường RCEP; dự thảo chính sách/quy định mới, v.v.); tham gia vào quá trình tham vấn để xây dựng chính sách mới + rà soát chính sách cũ (VD: Nghị quyết 02 năm 2022, kiểm tra chuyên ngành, v.v.); kiến nghị hỗ trợ nâng cao năng lực từ các FTA mới (CPTPP, EVFTA, RCEP; UKVFTA)

Trong khi thực thi hiệp định RCEP, ông Dương cũng đưa ra vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp. Theo ông, các hiệp hội nên phát huy vai trò là đầu mối cung cấp thông tin, kết nối doanh nghiệp; làm đầu mối tham vấn doanh nghiệp, giải quyết thắc mắc cho doanh nghiệp để qua đó triển khai có chất lượng hoạt động phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhằm thích ứng, chuyển đổi và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

54-1650419197.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI chia sẻ tại Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI nhận định: "Hiệp định RCEP là lớn nhất nếu xét về quy mô, mới nhất vì chỉ đi vào hiệu lực đầu năm nay và có những đối tác đặc biệt".

Bà đánh giá rằng, Hiệp định RCEP sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, chuẩn hóa thống nhất.

Bàn về những kiến nghị trong thời gian tới, bà Trang mong muốn sẽ có những biện pháp hỗ trợ trực tiếp. Thứ nhất là hỗ trợ về quy tắc xuất xứ; thứ hai là hỗ trợ tận dụng ưu đãi thuế quan bằng cách sớm ban hành Nghị định biểu thuế ưu đãi, các Thông tư về quy tắc xuất xứ và cơ chế liên quan, ban hành cơ chế thường trực hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tận dụng ưu đãi thuế quan RCEP khi xuất khẩu, nhập khẩu. 

Các diễn giả ngày hôm nay đều đánh giá chung rằng, Việt Nam là một điểm đến an toàn và hấp dẫn, cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Ngoài ra, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Tại Hội nghị ngày hôm nay cũng bàn về một số nội dung xung quanh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP. 

55-1650419197.jpg
Phiên thảo luận trả lời câu hỏi từ báo chí.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Hội nghị xung quanh tác động của Hiệp định RCEP đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bà Trang cho rằng: "Hiệp định mang lại cơ hội tương đối đặc biệt cho các DNNVV, vì có những đối tác đa dạng với nhu cầu khác nhau và mức độ hưởng ưu đãi thuế quan tương đối dễ so với các FTA khác nên các DNNVV có thể dễ tận dụng hơn. RCEP được cho là Hiệp định vừa tầm với nhiều DNVV Việt Nam. 

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/tac-dong-cua-hiep-dinh-rcep-doi-voi-nen-kinh-te-viet-nam-va-nhung-dieu-doanh-nghiep-can-biet.html

Bạn đang đọc bài viết "Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin