Sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực Luật giám định tư pháp

Ngày 14-3, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành về tình hình nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp.

Với tinh thần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác giám định tư pháp, nhất là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, việc sửa đổi bổ sung lần này tập trung tháo gỡ những khó khăn trong công tác giám định tư pháp, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

 Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp)

Dự kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp tập trung vào 5 vấn đề cơ bản như: Bổ sung Quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định; quy định mang tính phân cấp, phối hợp trong tiếp nhận trưng cầu ở các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn ở cấp Trung ương và cấp tỉnh; quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định của các Bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng. Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành cơ quan chuyên môn ở cấp Trung ương và Ủy ban nhân dân trong việc củng cố, phát triển, bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện giám định để đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định trong giải quyết án tham nhũng kinh tế; quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập theo hướng những Bộ, ngành chủ quản không có tổ chức giám định công lập, chuyên trách thì phải chỉ định đơn vị đầu mối hoặc giao thêm nhiệm vụ cho đơn vị chức năng ở một số Bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định hoặc cơ quan chuyên môn ở cấp Trung ương để tiếp nhận, phân công thực hiện giám định, giám sát hoạt động giám định tại Bộ, ngành, cơ quan mình khi được trưng cầu.

Ý kiến phát biểu tại cuộc họp cơ bản nhất trí với các vấn đề nêu trong báo cáo tại cuộc họp, chia sẻ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện thời hạn trưng cầu giám định, thực trạng trong việc lập và bổ nhiệm giám định viên... Trên cơ sở đó, đã đưa ra các đề xuất như: Cần quy định rõ quyền và trách nhiệm của bên trưng cầu giám định và bên được trưng cầu giám định; quy định về trách nhiệm của giám định viên, đồng thời nghiên cứu quy định về trách nhiệm của giám định viên trong các trường hợp từ chối thực hiện nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng.

Có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi luật lần này nên đặt trong bối cảnh chung của công cuộc cải cách tư pháp để sửa đổi một cách toàn diện nhằm gỡ vướng nhiều vấn đề của giám định tư pháp mà các Bộ, ngành đang mắc phải chứ không chỉ tập trung trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/201903/sua-doi-bo-sung-nham-nang-cao-hieu-luc-luat-giam-dinh-tu-phap-305267/

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin