(Pháp lý) - Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nhận xét về qui định mới trong Nghị định , Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nghị định 153 đã siết chặt hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với nhiều quy định mới như: phải trả đủ nợ đến hạn 3 năm liên tiếp; hạn chế đối tượng mua trái phiếu… điều này sẽ ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư cũng như an toàn cho thị trường.
Siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ
Theo quy định mới, đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng) bên cạnh các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 163. Theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu; trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
Như vậy so với quy định cũ, thì để được phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp buộc phải chứng minh được đã thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu. Điều này nhằm đảm bảo rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu là những doanh nghiệp làm ăn uy tín, có sức khoẻ tài chính ổn định và không rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật; Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện; Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.…
Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền: Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần; Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các điều kiện chào bán như: Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn; Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định…; Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất; Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định điều kiện chào bán trái phiếu thành nhiều đợt. Cụ thể, doanh nghiệp chào bán trái phiếu thành nhiều đợt phải đáp ứng các điều kiện sau: Các điều kiện chào bán quy định nêu trên; có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt; có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.
Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.
Đặc biệt, so với quy định cũ, Nghị định 153 đã bỏ điều kiện đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiệmn về phát hành trái phiếu theo quy định có thể chủ động quyết định số lượng trái phiếu sẽ phát hành đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp
Theo quy định tại cũ, đối tượng được quyền mua trái phiếu bao gồm: các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy nhiên, theo Điều 8 Nghị định 153 thì chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, đối tượng mua trái phiếu sẽ bao gồm: Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán; Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
Theo quy định này, các nhà đầu tư các nhân riêng lẻ, không chuyên muốn tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì buộc phải ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Điều này giúp hạn chế hạn rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu và hạn chế doanh nghiệp lạm dụng phương thức này huy động vốn.
Bên cạnh đó, Nghị định 153 cũng quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu: Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu; Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu…
Siết chặt điều kiện phát hành sẽ ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng là cần thiết
Đánh giá về những quy định mới về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng, so với quy định cũ, Nghị định 153 đã siết chặt hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với nhiều quy định mới như: 3 năm liên tiếp không bị nợ xấu; hạn chế đối tượng mua trái phiếu…
Theo TS. Hiếu, trong những năm vừa qua, đặc biệt trong khoản 8 tháng đầu 2020, rất nhiều công ty ồ ạ phát hành một lượng lớn trái phiếu đặc biệt là các công ty bất động sản phát hành trái phiếu với lãi xuất rất cao. Cùng với đó, một lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân không quan tâm đến vấn đề rủi ro, ham lãi cao mà đổ xô vào đầu tư trái phiếu. Điều đó tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp khi mà các nhà phát hành trái phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, không có dòng tiền vào để có thể trả nợ.
Do đó, từ đầu tháng 8/2020, Chính phủ đã ban hành nghị định 81 với nhiều quy định siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Và đến đầu năm nay, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn được siết chặt hơn nữa. Đặc biệt, các nhà đầu tư cá nhân sẽ không được quyền mua trái phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, một số những quy định về không có nợ xấu cũng như một số chỉ tiêu khác liên quan đến tổ chức phát hành… những quy định này sẽ góp phần đảm bảo an toàn nhà đầu tư cũng như an toàn cho thị trường. TS Hiếu đánh giá.
Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với những quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 153 chắc chắn sẽ gây ra không ít khó khăn đối với doanh nghiệp. Nhưng đó là điều cần thiết, doanh nghiệp muốn phát hành phải chứng tỏ là những doanh nghiệp sòng phẳng, có sức khoẻ tài chính ổn định, không nợ xấu trong 3 năm liền trước đó… Nếu một doanh nghiệp từng có vấn đề trong quá khứ, có thể sẽ lặp lại trong tương lai.
Với những doanh nghiệp không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nhưng thực sự cần vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, TS Hiếu cho rằng các doanh nghiệp có thể sẽ quay trở lại với kênh tín dụng của các ngân hang hoặc phát hành cổ phiếu…
Một kênh huy động vốn mới hiện nay mà doanh nghiệp có thể sử dụng là thông qua kênh vay ngang hàng (P2P lending). Tuy nhiên, thường thông qua kênh này thì chỉ đáp ứng được nhu cầu vốn nhỏ, nếu doanh nghiệp cần huy động lượng vốn lớn buộc hải quy trở lại các kênh huy động truyền thống là tín dụng ngân hàng, phát hành cổ phiếu… TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Đinh Chiến