Sau loạt vụ việc lộ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ khung pháp lý bảo vệ

Sau nhiều vụ việc lộ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định tạo khung pháp lý bảo vệ và sẽ sớm trình Chính phủ.

[caption id="attachment_215857" align="aligncenter" width="410"]Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.[/caption]

Cụ thể, Bộ Công an đang tổ chức xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2020.

Dự thảo tờ trình của Bộ Công an vừa công bố cho biết, số lượng các vụ việc lộ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam ngày một nhiều, với mức độ ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng, việc có quy định cụ thể về bảo vệ dữ liệu cá nhân đang trở nên cần thiết.

Bộ cho biết, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet cao nhất thế giới. Số lượng người dùng Internet đã chiếm khoảng 2/3 dân số với 64 triệu người. Trong đó số lượng người dùng mạng xã hội Facebook là 58 triệu tài khoản và có 62 triệu tài khoản Google.

Đi kèm với số lượng người dùng lớn, số lượng dữ liệu phát sinh từ hàng chục triệu người dùng cũng tăng lên.

Dữ liệu cá nhân được đánh giá là yếu tố đầu vào của nền kinh tế số. Các ngành, các lĩnh vực như thuế, quản lý quốc tịch, chứng thực, thương mại điện tử… đều dùng dữ liệu cá nhân để chứng thực, xác định người dùng.

Do đó, Bộ Công an nhấn mạnh yêu cầu cần đảm bảo thông tin cá nhân được sử dụng đúng mục đích, hạn chế bị lạm dụng và sử dụng cho các hành vi xấu. Nhưng thực tế, dữ liệu cá nhân của người dùng lại rất dễ bị lộ.

Thực tế thời gian qua, như trong năm 2019, một ngân hàng tại Việt Nam đã bị lộ dữ liệu cá nhân của hơn 2 triệu khách hàng. Trong các năm trước đó, dữ liệu khách hàng của hàng loạt các công ty lớn trong ngành bán lẻ, hàng không cũng rơi vào tay tin tặc. Việt Nam cũng là nước có số lượng cá nhân bị lộ nhiều nhất trong bê bối Cambridge Analytica của Facebook...

Trong dự thảo tờ trình, Bộ Công an cũng đề cập đến thực tế đang phát triển và thách thức: "Thách thức trước những dịch vụ mới, sử dụng thông tin cá nhân trên không gian mạng, như: thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, kinh doanh đa cấp qua mạng... đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng".

Cùng đó, Bộ Công an điểm lại một số vụ việc điển hình như: việc Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng; tin tặc đã tấn công vào hệ thống máy chủ của Vietnam Airlines, đăng tải lên Internet 411.000 tài khoản khách hàng thành viên của chương trình Bông Sen Vàng; tình trạng để lộ thông tin khách hàng để các công ty môi giới dịch vụ taxi của Việt Nam sử dụng để mời chào khách hàng qua tin nhắn SMS; dữ liệu khách hàng của Công ty FPT bị đăng tải công khai trên mạng.

Theo Bộ Công an, vấn đề này đã đặt ra bài toán về việc quản lý dữ liệu sao cho hiệu quả, cần đảm bảo ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời cũng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cũng theo Bộ, tình trạng lọt, lộ, đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến trên mạng. Nhiều tổ chức, cá nhân đang thực hiện thu thập, phân tích dữ liệu cá nhân mà không thông báo cho chủ thể của dữ liệu hoặc thu thập cho các mục đích vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, nhận thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần được nâng cao.

Theo dự thảo tờ trình, trên thế giới hiện có hơn 80 quốc gia đã ban hành văn bản về quy định bảo vệ thông tin cá nhân. Việt Nam, với những thực tế và yêu cầu trên, cũng nằm trong lộ trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ. Sau khi hoàn thiện, dự kiến Bộ Công an sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm nay.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/noi-dung-so/sau-loat-vu-viec-lo-du-lieu-ca-nhan-bo-cong-an-se-trinh-chinh-phu-khung-phap-ly-bao-ve-3532040.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin