(Pháp lý) - Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công an đánh giá phương thức, thủ đoạn tội phạm kinh tế, tham nhũng rất đa dạng và tinh vi. Đáng lưu ý là tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các cán bộ, công chức với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty “sân sau”, “công ty gia đình” dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án; thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước... Sự móc nối giữa hai khu vực trong và ngoài nhà nước tạo thành chu trình khép kín, lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách để hoạt động phạm tội, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn. Thực tế này đặt ra những nhiệm vụ nặng nề mới cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng trước hết, cần có “liều thuốc” pháp luật đủ mạnh để đặc trị cán bộ.
Nhức nhối “sân sau” và những “cú bắt tay ngầm”
Thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, khi tranh luận về tình hình tham nhũng và giải pháp chống tham nhũng, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra thực tiễn đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng đã cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến. Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như đưa hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, gửi quà, quà biếu, bồi dưỡng, cảm ơn, chiêu đãi, sử dụng phương tiện tài sản của tập thể vào mục đích cá nhân.
Về vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thực tế công tác điều tra, phá án thời gian qua cho thấy các đối tượng tham nhũng là những người có chức vụ trong bộ máy đều có lợi ích đan xen với khu vực tư nhân. Đó là thực tế mà dư luận hay gọi nôm na là “nhóm lợi ích” hay là “sân sau - sân trước” rất phức tạp. Xu thế phát triển là các hình thức đầu tư có hợp tác giữa khu vực công với khối tư nhân ngày càng nhiều. Đồng tình với những thông tin của vị Thứ trưởng Bộ Công an, nhiều đại biểu cũng cho rằng, tham nhũng ở khu vực tư chi phối, lũng đoạn cả chính sách. Nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, nhiều vụ tham nhũng không diễn ra trong bộ máy công quyền mà đều có “trung gian” là các doanh nghiệp tư nhân, như tham gia các dự án đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trở thành “doanh nghiệp trong nhà”. Theo ông Thanh, chống tiêu cực trong khối doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều quy định, chế tài nghiêm túc, rõ ràng.
Nhưng làm gì để chặn được những cú bắt tay ngầm rút ruột ngân sách nhà nước từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư là khó khăn. Khi doanh nghiệp tư nhân chủ động hối lộ quan chức thì cũng có nghĩa là họ đã tính toán đến món lợi lớn hơn nhiều, sau khi tha hóa được vị cán bộ cụ thể nào đó. Với doanh nghiệp tư nhân, cùng với việc phát triển kinh tế đất nước, những công tác an sinh xã hội..., thì lợi nhuận luôn là bài toán rất chi li, theo kiểu “thả con săn sắt, bắt con cá rô”.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP. HCM) đã dẫn dụ một ví dụ điển hình, đó là việc hàng loạt quan chức ở TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh giúp Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) thâu tóm hàng loạt nhà, đất công sản. Theo Luật sư Hùng, sự việc Vũ “nhôm”, cùng hàng loạt quan chức hai thành phố trên bị truy tố hình sự đã đem lại bài học xương máu cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, cũng như các lãnh đạo các tỉnh, thành, quận, huyện khác trên cả nước. Đặc biệt đối với các thành phố lớn, nơi mà giá trị đất đai cao, tội phạm kinh tế không trừ một thủ đoạn để có được các dự án là nhà, đất công sản nhằm trục lợi. Để thực hiện được những hành vi thâu tóm tài sản của nhà nước, Vũ “nhôm” cùng nhiều quan chức ở các tỉnh, thành đã lợi dụng những kẽ hở của hệ thống luật pháp, thực hiện những hành vi sai trái nhằm mục đích trục lợi riêng cho cá nhân.
Luật sư Hùng đặt ra câu hỏi: “Tại sao Vũ “nhôm” mua, bán (mua rẻ bán đắt) được nhiều đất công sản như vậy?. Rất khó để trả lời chính xác tại sao Vũ “nhôm” lại mua được nhiều đất công sản đến như vậy”. Theo Luật sư Hùng: “Rõ ràng một mình Vũ “nhôm” không thể thực hiện trót lọt được các ‘phi vụ béo bở’, làm thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng một mình được. Có thể trong quá trình phạm tội của mình, Vũ “nhôm” đã dùng tiền, mối quan hệ ‘móc ngoặc’ để mua, bán tài sản công với hình thức mua rẻ bán đắt để trục lợi”.
Những “lỗ hổng” lớn cần “bịt” sớm
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc quản lý các tài sản công như thời bao cấp hiện nay là kẽ hở lớn nhất để tư nhân móc ngoặc với một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất có chức năng, thẩm quyền quản lý hoặc quyết định với các tài sản đó để có thể chuyển hóa các tài sản công thành các tài sản của các doanh nghiệp hoặc cá nhân với giá rất rẻ.
Từ những vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm”, Luật sư Hùng chỉ ra có rất nhiều lỗ hổng pháp lý trong định giá trị tài sản công. Trong đó, tài sản không được xác định theo giá thị trường tại thời điểm cổ phần hóa, tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa được định giá rất thấp, không tính giá trị lợi ích kinh tế mang lại liên quan đến địa điểm và diện tích đất mà doanh nghiệp được giao, cho thuê. Đây là lỗ hổng khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ.
Đồng quan điểm với Luật sư Hùng, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc trước đây có cơ chế giao đất không thông qua các cuộc đấu thầu đấu giá, là lỗ hổng pháp luật lớn nhất đã tạo ra việc một số quỹ đất của nhà nước vào tay tư nhân một cách dễ dàng, làm thất thóat nguồn ngân sách của nhà nước. Về bản chất, pháp luật đã điều chỉnh trong Luật Đất đai mới thì những sự vụ như kiểu của Vũ ‘nhôm’ xảy ra trước giai đoạn năm 2014 đã có điều chỉnh lại. Việc đấu thầu, đấu giá cũng được tốt hơn nhưng tất nhiên bây giờ các cơ quan quản lý phải thực thi một cách triệt để những quy định mới, đặc biệt là giao đất, giao tài nguyên cho các đơn vị bên ngoài thì phải thực hiện nghiêm việc đấu thầu đấu giá, như vậy mới tránh được những thất thoát cho nhà nước”.
Bài học nào cho công tác cán bộ và giám sát quyền lực?
Từ câu chuyện của Vũ “nhôm” cùng hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra ở một số tỉnh, thành, cho chúng ta thấy rằng, quyền lực nếu không được giám sát chặt chẽ thì rất dễ bị tha hóa, không chỉ làm hư hỏng cán bộ mà còn gây ra những hậu quả khôn lường. Bày tỏ quan điểm về những vấn đề trên, trên Viettimes.vn, ông Nguyễn Quang Nga, người từng trải qua 3 nhiệm kỳ đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch Hội Nông Dân TP Đà Nẵng cho rằng, chuyện xảy ra ở Đà Nẵng cũng có một phần do cấp trên không gương mẫu. Chuyện làm đúng là khó, mà làm sai lại có lợi ích, lại dễ làm hơn nên cán bộ cứ vậy làm sai. Chính vì vậy cần có kỷ luật mạnh, rõ ràng, công khai, cần xử lý hình sự để răn đe các quan tham khác. Cần nhất là giám sát, kiểm tra, trách nhiệm của địa phương cũng có mà trách nhiệm của Trung ương cũng có trong công tác quản lý cán bộ, buông lỏng quản lý từ đó mới có chuyện cán bộ lãnh đạo tự tung tự tác và sai phạm đến như vậy.
Đối với những sai phạm về công tác cán bộ và quản lý đất đai ở Đà Nẵng, TP.HCM, chính các cơ quan Ban Đảng Trung ương tại khu vực biết, nhưng lại không chỉ ra sai phạm, không báo cáo cấp trên, không có ý kiến mà dung túng, cho đến khi sai phạm ngày càng trở nên trầm trọng và hậu quả là một Bí thư Thành ủy và hai cựu Chủ tịch UBND TP, một Phó Chủ tịch Ủy ban TP bị kỷ luật, khởi tố. Đó là chưa tính đến những đồng chí chưa bị lộ, chưa bị “sờ” đến.
Lý do nằm ở chỗ những người lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật. Các quyết định chủ yếu là lợi ích nhóm, làm lợi, làm giàu cho cá nhân mình. Và điều này đã làm các cán bộ lãnh đạo mất phẩm chất, tư tưởng ăn chia. Khi những cán bộ này sa vào "quỹ đạo" này thì không thoát ra được do không bị đấu tranh, phê bình kịp thời. Cứ như vậy, những cán bộ này ngày càng lâm vào vòng xoáy đó, để rồi ngày càng lún sâu vào vi phạm nghiêm trọng hơn và kết cục là như chúng ta đã thấy. Tuy nhiên cũng phải nói, để làm được điều này, đã có sự dung túng, nên mới có chuyện lộng hành, ngạo mạn… Và với những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy chính Vũ “nhôm” đã thao túng chính quyền. Và kết cục là ông Minh, ông Chiến, ông Xuân Anh, ông Tín (TP.HCM) lâm vào sai phạm và kết cục là không chỉ những vị này mà kéo theo nhiều cán bộ cấp Sở, tham mưu cũng dính theo.
Giải pháp pháp luật căn cơ nào?
Đưa ra những giải pháp về mặt pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, chúng ta cần thực hiện bán đấu giá đất công một cách công khai, minh bạch, sử dụng đất đúng mục đích, đây là giải pháp căn cơ nhất hiện nay.
Về giải pháp quản lý tài sản công, ông Hùng cho biết, thực tế cho thấy, những lô đất vàng sau khi rơi vào các doanh nghiệp “bạch tuộc” không đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chỉ sang nhượng dự án, hoặc phân lô bán nền, kiếm lợi, gây lãng phí tài sản công và thất thoát cho ngân sách nhà nước. Do đó, để ngăn ngừa tiêu cực, cần định giá doanh nghiệp một cách độc lập. Cần có cơ chế giám sát chéo quá trình định giá để nếu phát hiện nghi vấn, vi phạm quy định của pháp luật thì kịp thời ngăn chặn các biểu hiện trục lợi về tài sản công. Đồng thời, việc công khai, minh bạch trong xử lý vấn đề đất đai (thuê và giao) của doanh nghiệp nhà nước trước nhân dân, mọi việc chuyển nhượng liên quan đều phải công khai để được giám sát, khi cần thiết thì phải đấu giá để bảo đảm khách quan cũng là giải pháp loại bỏ tình trạng chiếm đoạt tài sản công.
“Mặt khác, cần sắp xếp lại quỹ đất đai, đơn vị nào thừa đất, sử dụng đất không đúng mục đích thì sẽ thu hồi, chuyển cho doanh nghiệp khác. Khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần thì đất đai cũng phải được sử dụng đúng mục đích đã xác định trước đó và trả tiền thuế đất hàng năm. Trong trường hợp đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định lẫn chức năng kinh doanh của doanh nghiệp như xây cao ốc, chung cư…, khi đó Nhà nước cần xác định lại giá trị đất để nộp thuế theo quy định của Luật Đất đai”, Luật sư Hùng kiến nghị.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, chúng ta đang buông lỏng quản lý và có quá nhiều những kẽ hở. Vì thế, phải có cơ chế công khai minh bạch đầy đủ rõ ràng và phải có một chế tài đủ nghiêm để quản lý và xử lý những trường hợp có sai phạm. Lúc đó, người quản lý làm sai cũng phải sợ, phải bị xử lý nghiêm.
Bàn về giải pháp quản lý cán bộ, Luật sư Hùng cho rằng khi có dấu hiệu cán bộ sai phạm phải làm rõ, phải xử lý nghiêm, thanh lọc ra khỏi bộ máy công chức, áp dụng biện pháp hình sự cứng rắn.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quang Nga cho rằng, nguyên nhân của cán bộ hư hỏng là do việc bố trí cán bộ sai, dẫn đến sai phạm của cán bộ là sai phạm không chỉ của cấp địa phương mà của cả cấp trung ương.
Bây giờ chúng ta phải rà soát công tác quản lý cán bộ, bịt tất các lỗ hổng trong việc quản lý cán bộ, để “con voi không thể chui lọt qua lỗ kim” như thời gian vừa qua, sắp xếp lại công tác cán bộ, đẩy mạnh quy chế phát huy dân chủ, tập trung dân chủ, giám sát, đánh giá Đảng viên. Mọi Nghị quyết của cấp ủy phải được thống nhất, công khai, lấy ý kiến đồng thuận trên cơ sở dân chủ từ cấp Thành ủy, UBND,.. có như vậy mới giám sát được.
Nguyễn Giang