Các bộ, ngành đang thực thi nhiều giải pháp để kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bộ Tài chính: nghiêm cấm đánh tráo khái niệm trái phiếu doanh nghiệp như sản phẩm tiết kiệm
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023 bộ đã tiếp nhận xử lý 32 đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 12 vụ việc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Các đơn thư tố cáo được Bộ Tài chính tiếp nhận, xử lý liên quan đến vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nổi cộm như vi phạm trong phát hành trái phiếu DN của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số công ty khác.
Ngoài ra còn một số đơn thư về việc công dân đến gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng nhưng cán bộ ngân hàng tư vấn mập mờ để chuyển thành mua trái phiếu doanh nghiệp. Đến nay một số gói trái phiếu có liên quan đến các ngân hàng này vẫn chưa thanh toán được gốc, lãi trái phiếu dù đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua bán trái phiếu.
Từ thực tế đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường quản lý, giám sát việc tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiêp, xem xét không cấp phép đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng gửi tới Bộ Công an danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu để xem xét hạn chế xuất cảnh đối với cá nhân liên quan tới doanh nghiệp chậm thanh toán.
Liên quan đến công tác thanh, kiểm tra, giám sát các công ty kiểm toán, kiểm toán viên cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong năm 2023 bộ đã chủ trì thực kiện kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán tại 5 doanh nghiệp kiểm toán: Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATC, Công ty TNHH Kế toán và kiểm toán Phương Nam, Công ty TNHH Kiểm toán CPA, Công ty TNHH Kiểm toán I.T.O và Công ty TNHH tư vấn kiểm toán Hoàng Gia Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tăng cường giám sát kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của 4 doanh nghiệp: Công ty CP thẩm định giá Thành Đô, Công ty TNHH kiểm toán và định giá VAA, Công ty TNHH thẩm định giá Ecomax, Công ty TNHH kiểm toán và kế toán Hà Nội.
Sản phẩm tiết kiệm tại ngân hàng khác Trái phiếu doanh nghiệp thế nào ?
Hiện nay có nhiều hình thức đầu tư tài chính cá nhân giúp sinh lời hiệu quả. Với các ngân hàng và tổ chức tín dụng, gửi tiết kiệm và đầu tư trái phiếu là hai hình thức phổ biến nhất. Hai hình thức đầu tư này có sự khác nhau, tuy nhiên trên thực tế một số cá nhân trong một số ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đánh tráo khái niệm trái phiếu doanh nghiệp như sản phẩm tiết kiệm tại ngân hàng, gây hiểu lầm, đầu tư nhầm, dẫn đến hệ luỵ thiệt hại cho người dân, đặc biệt người dân không tìm hiểu kĩ, ham lãi suất cao.
Để giúp người dân hiểu và phân biệt rõ hai loại hình đầu tư tài chính cá nhân này, sau đây chúng tôi thông tin cụ thể về sự khác nhau cơ bản của sản phẩm tiết kiệm tại ngân hàng khác Trái phiếu doanh nghiệp.
Về Trái phiếu ngân hàng
Là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành với người sở hữu trái phiếu. Người mua trái phiếu cho người phát hành trái phiếu vay một khoản tiền gốc bằng với giá trị của trái phiếu. Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lãi cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.
Những trái phiếu phổ biến nhất, được phân loại theo chủ thể phát hành là trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu của các tổ chức tài chính và trái phiếu ngân hàng.
Trái phiếu ngân hàng là loại trái phiếu mà đơn vị phát hành là ngân hàng. Giống như các chủ thể khác, mục đích phát hành của ngân hàng là huy động vốn lớn trong thời gian ngắn. Trái phiếu ngân hàng giúp khách hàng/ nhà đầu tư có cơ hội đầu tư an toàn với mức lãi suất cao bởi các ngân hàng phát hành trái phiếu thường có tài sản và thu nhập ổn định và được sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Lãi trái phiếu được tổ chức phát hành trả đều đặn cho khách hàng và không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian và mức lãi suất đều được ghi rõ trên hợp đồng và hai bên bắt buộc phải tuân thủ. Dù làm ăn thua lỗ, tổ chức phát hành trái phiếu vẫn có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền lãi đúng hạn cho các trái chủ.
Bên cạnh đó, có thể linh hoạt chuyển nhượng trái phiếu thông qua sàn giao dịch hoặc bán lại cho tổ chức phát hành và các trái chủ mới mà không cần giữ đến đáo hạn. Trong trường hợp tổ chức phát hành ngừng hoạt động và thanh lý tài sản thì các trái chủ luôn được quyền ưu tiên nhận lại vốn trước các cổ đông sở hữu cổ phiếu.
Về gửi tiết kiệm tại ngân hàng
Là hình thức gửi khoản tiền nhàn rỗi vào ngân hàng nhằm mục đích hưởng lãi định kỳ theo mức lãi suất được ngân hàng ấn định với đa dạng các kỳ hạn: ngắn hạn/ dài hạn, không kỳ hạn phù hợp với kế hoạch tài chính trong tương lai.
Về cơ bản khi gửi tiết kiệm bản chất là khách hàng/ nhà đầu tư đang cho ngân hàng, tổ chức tín dụng vay tiền và ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó.
Điều này giống với trái phiếu, nếu khách hàng/ nhà đầu tư mua trái phiếu tức là họ cũng đang cho đơn vị này vay tiền để thu lại lợi nhuận. Việc nhà đầu tư nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự với việc rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi tiền ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Quy định liên quan đến trái phiếu ngân hàng và tiền gửi tiết kiệm
Về tiền gửi tiết kiệm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm, nhằm đảm bảo sự an toàn tiền gửi của người gửi tiền. Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tiền gửi tiết kiệm còn được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012. Người gửi tiền tiết kiệm không phải trả bất cứ khoản tiền nào thêm để được hưởng chính sách bảo hiểm tiền gửi. Các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng của mình. Theo quy định hiện hành, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng.
Về trái phiếu ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 quy định về phát hành kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và ban hành hướng dẫn và chỉ đạo để đảm bảo sự hiểu biết rõ ràng của khách hàng về các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Điều này bao gồm cả việc giới thiệu sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không bắt buộc với việc cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng cần đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư, đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp phát hành; quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng, nhà đầu tư; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… Các tổ chức tín dụng được khuyến khích không gây áp lực lên nhân viên hoặc đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc.
Điểm khác biệt cơ bản giữa trái phiếu ngân hàng và tiền gửi tiết kiệm
Về lãi suất: Lãi suất trái phiếu ngân hàng thường cố định trong vài năm đầu, những năm tiếp theo lãi suất vay dựa trên lãi suất tiết kiệm ngân hàng cộng với một biên độ nhất định. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi là mức cố định được qui định trong từng kì hạn
Về lợi nhuận: Đối với trái phiếu NH, được trả định kì thông thường từ 3 đến 6 tháng hoặc hàng năm tuỳ theo loại trái phiếu và theo thảo thuận của hai bên. Còn đối với tiền gửi tiết kiệm, lãi được trả theo thời hạn qui định của người gửi tiền với tổ chức tín dụng
Về khả năng bảo toàn vốn : ở mức trung bình đối với trái phiếu NH, còn với tiền gửi, khả năng bảo toàn vốn là cao
Về rủi ro: đối với tiền gửi – rủi ro rất thấp, người gửi tiền có thể yêu cầu rút tiền và nhận tiền trước khi đáo hạn. Trong khi đó, đối với trái phiếu NH – rủi ro thị trường, nếu lãi suất tăng, giá trái phiếu thường sẽ giảm xuống. Lưu ý đối với trái phiếu, rủi ro thanh khoản lớn, nhà đầu tư có thể không tìm được người mua để bán trái phiếu.
Hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, tuy có lợi nhuận thấp hơn nhưng mức độ an toàn khá cao, đối với những người không rành về đầu tư thì đây là lựa chọn phù hợp. Với thủ tục mở sổ tiết kiệm đơn giản, nhanh gọn, tính thanh khoản cao, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn kỳ hạn gửi với lãi suất phù hợp nhu cầu.
Đối với hình thức đầu tư trái phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần phải có nền tảng kiến thức, am hiểu nhất định để có thể lựa chọn những ngân hàng tốt, tiềm năng tăng trưởng mạnh, đảm bảo cho khoản tiền đầu tư của mình. Lãi suất của trái phiếu cao đồng nghĩa với rủi ro lớn, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định.