'Sân bãi' của cơ quan thanh tra và kiểm toán thế nào?

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó có nội dung vốn gây nhiều tranh cãi giữa Bộ trưởng Tài chính và Tổng kiểm toán nhà nước (KTNN).

Người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện
Người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện)

Nội dung gây tranh cãi đó là tại Điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế. Nếu cơ quan thuế truy thu thuế của doanh nghiệp (DN) theo kiến nghị của KTNN, mà DN kiện thì cơ quan nào sẽ phải hầu kiện?

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã sửa Điều 21 và nêu rõ hơn về vấn đề này. Theo đó, trường hợp cơ quan KTNN trực tiếp kiểm toán người nộp thuế thì KTNN phải gửi biên bản hoặc kết luận cho người nộp thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo KT của KTNN.

Còn trường hợp không trực tiếp KT đối với người nộp thuế mà thực hiện KT tại cơ quan thuế thì KTNN phải có trách nhiệm gửi trích lục cho người nộp thuế để thực hiện. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của KTNN (trong cả 2 trường hợp trên) thì Bộ Tài chính nêu trong dự thảo rằng: Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện kiến nghị của KTNN.

Ban đầu, Điều 21 dự thảo Luật Quản lý thuế có khoản quy định: "Nếu kiến nghị của cơ quan KTNN có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế”.

Sau đó, một số điều khoản khác quy định, nếu sau khi thanh tra, “quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Quy định này khác hẳn với hiện hành, khi mà kết luận, kiến nghị của KTNN là độc lập và yêu cầu bắt buộc thực hiện, cơ quan thuế không cần tiến hành kiểm tra, thanh tra lại. Có nghĩa, khi KTNN kiến nghị truy thu thuế một đơn vị nào đó thì sẽ gửi thông báo đến cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định truy thu thuế với đơn vị đó.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng quy định như vậy khiến có trường hợp DN không đồng tình thì cơ quan thuế/Bộ Tài chính bị người nộp thuế kiện và thường thua kiện. Cho nên, Bộ trưởng Tài chính đề nghị KTNN phải chịu trách nhiệm với các kiến nghị đó. Trong khi đó, KTNN lại cho rằng quy định cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra lại kết luận của KTNN “không phù hợp với vai trò Hiến định độc lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của KTNN, trái với quy định về giá trị pháp lý của báo cáo KTNN”.

Vấn đề ở đây không phải là “ai to hơn ai” mà “sân bãi” của các cơ quan thanh tra và KT như thế nào?. Có chồng lấn trong hoạt động hay không? Bởi dù là cơ quan thuế/Bộ Tài chính (thuộc Chính phủ) và KTNN (thuộc Quốc hội) nhưng đều nằm trong “hệ thống chính trị”. Có những việc là của hành pháp, không phải của KT. Đây là nhận thức về “hệ thống”, phải mạch lạc.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/san-bai-cua-co-quan-thanh-tra-va-kiem-toan-the-nao-444665.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin