Sai phạm gì khiến bà Phan Thị Mỹ Thanh tiếp tục bị xem xét kỷ luật?

Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tiếp tục bị xem xét kỷ luật vì có những sai phạm "nghiêm trọng".

Vi phạm quy định trong việc đi nước ngoài

Trước khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận một số vi phạm ở Đồng Nai, ngoài việc kiểm tra các dấu hiệu vi phạm tại một số dự án, đoàn công tác còn làm rõ thêm quy trình đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ.

Qua đó, đoàn đã phát hiện nhiều trường hợp được điều động, luân chuyển bất thường. Thậm chí có trường hợp bổ nhiệm lãnh đạo nhưng thiếu bằng cao cấp chính trị. Có trường hợp "thần tốc" hơn là từ nhân viên hợp đồng được bổ nhiệm chức vụ tương đương phó giám đốc sở... Đây cũng là một trong nhiều lý do Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 - 2020, các ông Nguyễn Phú Cường và Trần Văn Tư nghiêm túc kiểm điểm, kịp thời khắc phục những thiếu sót...

Với trường hợp Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh, qua kiểm tra lần này cho thấy, bà Thanh còn có vi phạm, khuyết điểm.

Theo đó, bà Phan Thị Mỹ Thanh cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020. Trong thời gian là Giám đốc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương), bà Thanh đã thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án Khu nhà tập thể Sở Công nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với đó, trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6.2011 - 9.2014), bà Thanh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho doanh nghiệp của gia đình đồng chí.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh còn vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, Nhà nước trong việc bà đi nước ngoài.

“UBKT Trung ương xét thấy, những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Phan Thị Mỹ Thanh là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí, đến mức phải tiếp tục xem xét, xử lý kỷ luật” - UBKT Trung ương kết luận.

 

 Bà Phan Thị Mỹ Thanh đã từng bị cảnh cáo vì những vi phạm của mình. (Ảnh VNE)
Bà Phan Thị Mỹ Thanh đã từng bị cảnh cáo vì những vi phạm của mình. (Ảnh VNE))

Vi phạm Luật phòng chống tham nhũng

Trước đó, từ ngày 27 đến ngày 30.6.2017, tại Hà Nội, UBKT Trung ương đã họp kỳ thứ 15. Tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật bà Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai với các vi phạm, khuyết điểm:

Trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐTV là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.

Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã có các vi phạm, khuyết điểm:

Ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm;

Ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực bà phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của UBND tỉnh;

Ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát, nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư;

Kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

UBKT Trung ương nhận thấy những vi phạm nêu trên của bà Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo.

Khiếu nại vì muốn làm rõ thêm

Trước diễn biến này, sáng 24.10.2017, bà Phan Thị Mỹ đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh việc tại kỳ họp thứ 15 (từ 27 đến 30.6.2017), UBKT Trung ương đã quyết định kỷ luật bà bằng hình thức cảnh cáo.

Phó bí thư Đồng Nai xác nhận việc bà đã có đơn khiếu nại liên quan đến kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và việc này đang được tổ chức xem xét.

"Với trách nhiệm của người đảng viên, khi tôi thấy có những vấn đề cần làm rõ hơn thì làm đơn khiếu nại", bà Thanh nói.

Khi được hỏi có phải bà làm đơn khiếu nại vì "không phục kết luận của cơ quan chức năng", bà Thanh nhấn mạnh: "Không phải vậy, tôi chỉ muốn làm rõ thêm, đơn giản như vậy thôi. Tôi là người của tổ chức nên mọi việc đều do tổ chức quyết định, cả về công việc và mọi thứ".

Phó bí thư Đồng Nai thông tin thêm, nội dung khiếu nại của bà mang tính tổng quát, và do bà làm công tác dân vận, liên hệ với nhiều đoàn thể chính trị xã hội, đi tiếp xúc với người dân, là người đại diện cho cử tri nên phải thể hiện trách nhiệm với người dân.

"Trong công việc đa phần mình vì cái chung, đã làm là có sai, đã sai thì thẳng thắn nhận và sửa để cầu thị", bà Thanh nói.

 

 Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai là 1 trong 2 dự án có liên quan tới bà Phan Thị Mỹ Thanh. (Ảnh: Zing.vn)
Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai là 1 trong 2 dự án có liên quan tới bà Phan Thị Mỹ Thanh. (Ảnh: Zing.vn))

Cũng trong thời gian này, có ý kiến cử tri Đồng Nai thẳng thắn đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của Phó bí thư Đồng Nai, bà Thanh cho hay Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có văn bản báo cáo tình hình tiếp xúc cử tri. Theo đó, trước kỳ họp lần này, Đoàn tổ chức tiếp xúc ở 11 huyện, thị và chỉ có 4 ý kiến của cử tri phát biểu liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh.

"Tôi nghĩ các cử tri đó cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc chung và phát biểu như vậy là quyền của người dân", bà Thanh nói.

Nữ cán bộ này cũng cho rằng, trong quá trình làm việc "dù có thận trọng đến mấy thì vẫn có sai sót". Nhưng không thể vì sợ sai mà không dám làm gì, vấn đề là mạnh dạn để thực hiện công việc và phải có bộ phận tham mưu, xem xét vấn đề và trên cơ sở lấy ý kiến tập thể.

Khi được hỏi có "xin lỗi cử tri vì các sai sót của mình hay không?", bà Thanh nói "câu này khó trả lời lắm".

Cuối tháng 11.2017, đoàn công tác của Ban Bí thư trung ương Đảng vừa đến tỉnh Đồng Nai thông báo kết luận cho Ban thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giải quyết khiếu nại của bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Theo đó, Ban Bí thư thông báo sau khi kiểm tra, giải quyết khiếu nại đã phát hiện thêm một số nội dung vi phạm của bà Thanh. Ban Bí thư thông báo việc Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định hình thức kỷ luật cảnh cáo bà Thanh là đúng nên giữ nguyên mức kỷ luật này.

Ban Bí thư còn thông báo với Tỉnh ủy Đồng Nai việc Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục kiểm tra các sai phạm của bà Thanh và những tổ chức có liên quan để báo cáo cụ thể các vụ việc sai phạm cho Ban Bí thư.

Nhiều sai phạm liên quan đến bà Thanh

Tháng 9.2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa công bố Kết luận thanh tra dự án (DA) Khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất (phường Tân Biên, TP Biên Hòa) với nhiều sai phạm liên quan đến 9 cá nhân thuộc Sở Công thương.

Trong đó, có trách nhiệm cá nhân của bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp, nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy). Dự án này sau khi khởi công đến thời điểm công bố kết luận, gần 22 năm vẫn dang dở.

Năm 1996, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương cho Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) lập DA Khu nhà tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất thuộc phường Tân Biên, TP Biên Hòa trên diện tích gần 1,6ha, được phân thành 121 lô đất nền cấp cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) của nhà máy và Sở Công nghiệp chưa có nhà ở ổn định để tự xây nhà. Mỗi người được cấp đất đã đóng bình quân 11 triệu đồng cho sở để làm hạ tầng.

Đến năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở cho 115 hộ CBCNV với mục đích sử dụng lâu dài.

Thế nhưng sau khi đóng tiền, các hạng mục như xây dựng đường sá, nước, điện cho người dân vẫn không được thi công nên “cực chẳng đã” người dân lại tự bỏ tiền túi để kéo điện, nước về phục cuộc sống hàng ngày.

Đến nay, sau gần 22 năm, DA vẫn dang dở, người dân phải đi lại trên con đường lầy lội đầy ổ gà mỗi khi trời mưa, chỉ vì một phần nguồn tiền đã bị sử dụng sai mục đích là đem gửi ngân hàng, góp vốn trái phép, chi bồi dưỡng, thưởng tết cho cán bộ…

mà không được sử dụng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Không những thế, sở còn quản lý lỏng lẻo, để nhiều hộ dân lấn chiếm, xà xẻo đất công vốn được quy hoạch để làm đường, bồn nước.

Từ đơn kêu cứu các hộ dân, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc và phát hiện ra hàng loạt sai phạm của Sở Công nghiệp về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ như:

Ban hành quyết định cấp nhà, đất cho một số đối tượng trước khi được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện DA;

không có văn bản quy định tiêu chuẩn xét duyệt, biên bản xét duyệt đối với những trường hợp được giao đất của DA;

một số hạng mục đường giao thông nội bộ thi công chưa hoàn thành và cũng không tổ chức thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng…

Nhưng sai phạm nổi cộm nhất chính là việc quản lý thu chi của DA. Cụ thể, tổng số tiền thu từ DA là hơn 1,42 tỷ đồng, trong đó tiền của các hộ dân đóng góp là 1,26 tỷ đồng, còn lại là tiền thanh lý tài sản của Nhà máy dệt Thống Nhất.

Tổng số tiền đã chi đến thời điểm thanh tra là hơn 742 triệu đồng, trong đó có hơn 80 triệu đồng không đầy đủ phiếu chi và chứng từ gốc;

tổng số tiền tồn của DA là 670 triệu đồng, được gửi tiết kiệm tại Công ty CP tổng hợp gỗ Tân Mai từ tháng 6-2003 đến tháng 10-2006, gộp cả lãi là hơn 874 triệu đồng; sau đó số tiền này được rút về, quản lý tại quỹ cơ quan.

Từ tháng 2.2011 đến nay, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Tính chung, tổng số tiền tồn của DA tính từ tháng 6-2003 đến ngày 6.2.2017 là hơn 1,36 tỷ đồng, gồm 1,233 tỷ đồng đang gửi tại Ngân hàng TMCP Bản Việt chi nhánh Đồng Nai và hơn 127 triệu đồng, chênh lệch lãi tiền gửi tại Công ty CP tổng hợp gỗ Tân Mai.

Toàn bộ các khoản thu, chi kinh phí của DA từ năm 2006 - 2016 đều không được ghi chép, hạch toán trong hệ thống sổ sách kế toán, biểu mẫu và báo cáo tài chính của Sở Công thương theo quy định. Tiền của DA gửi ngân hàng đứng tên bà Tô Thị Hồng Trang, kế toán trưởng của Sở Công thương!

Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chỉ rõ, để xảy ra sai phạm về tài chính như trên, trách nhiệm trực tiếp là của các kế toán trưởng Sở Công nghiệp, gồm bà Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Diệu và Tô Thị Hồng Trang.

Còn trách nhiệm liên quan đến các thủ tục xây dựng, quản lý sử dụng đất thuộc về 3 cán bộ, gồm ông Võ Văn Tỉnh (Chánh Thanh tra Sở Công nghiệp thời kỳ 2004 - 2007), ông Phạm Văn Dũng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp Đồng Nai) và ông Trần Cao Anh Tú (Tổ trưởng Tổ Giám sát của Trung tâm Tư vấn công nghiệp thời kỳ 2004 - 2007).

Nhưng trên hết là trách nhiệm của các cán bộ nguyên là lãnh đạo Sở Công nghiệp, gồm ông Phạm Văn Sáng (Giám đốc sở thời kỳ từ 1998 - 2003), bà Phan Thị Mỹ Thanh (Giám đốc sở thời kỳ 2003 - 2007) và ông Phạm Văn Quan (Phó Giám đốc sở thời kỳ 2005 - 2007).

Trong đó, đáng chú ý là khi nhận bàn giao từ ông Sáng, bà Thanh khi đó đang là Phó Giám đốc Sở Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ DA, nhưng khi lên giám đốc, bà Thanh vẫn tiếp tục chỉ đạo triển khai DA, đồng thời tại các biên bản bàn giao giữa lãnh đạo các thời kỳ đều không thể hiện nội dung bàn giao hồ sơ và kinh phí DA.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh cùng kế toán trưởng Tô Thị Hồng Trang bị buộc trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 127 triệu đồng (là khoản tiền chênh lệch giữa lãi tiền gửi Công ty CP tổng hợp gỗ Tân Mai với số tiền lãi theo báo cáo của Sở Công thương).

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin