Thời gian gần đây, thông tin Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nợ hơn 3.100 tỷ đồng thuế và bị Cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại Ngân hàng đang thu hút được sự chú ý của công luận.
Vấn đề được không ít doanh nghiệp quan tâm từ sự việc này là biện pháp cưỡng chế nợ thuế được pháp luật quy định như thế nào, trình tự, thủ tục thực hiện ra sao? Xa lộ Pháp luật đã trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Bình – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc (Hà Nội) về một số nội dung pháp lý xung quanh vấn đề này.
Thưa Luật sư, theo luật thì những cơ quan nào có quyền cưỡng chế đối với khoản nợ thuế? Thủ tục, trình tự cưỡng chế nợ thuế được pháp luật quy định như thế nào?
- Luật sư Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Văn bản hợp nhất số 03/ VBHN-VPQH ngày 28 tháng 04 năm 2016 về Luật quản lý thuế thì “Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế là việc áp dụng các biện pháp quy định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan buộc người nộp thuế phải nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vào ngân sách nhà nước.”
Bên cạnh đó, Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định việc “Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm” là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt…”
Về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy địnhnhững người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế- tùy từng trường hợp cụ thể- gồm: Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh;
Điều 11 Thông tư số 215 nói trên còn quy định về đối tượng áp dụng, căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; mẫu quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản; phong tỏa tài khoản, thời điểm ban hành, thời hạn gửi cho đối tượng bị cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế…; trách nhiệm của kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị cưỡng chế mở tài khoản cũng như việc thu nộp tiền bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản…
Việc một doanh nghiệp nợ thuế số tiền “khủng” lên tới 3100 tỷ đồng như vậy có bị coi là vi phạm pháp luật không? Hành vi nợ thuế có thể bị áp dụng chế tài xử lý như thế nào, thưa Luật sư?
- Luật sư Phạm Thanh Bình: Điều 103 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định hành vi vi phạm các thủ tục thuế; chậm nộp tiền thuế; khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn và hành vi trốn thuế, gian lận thuế đều là những hành vi vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế.
Về xử lý đối với việc chậm nộp thuế: Theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế thì: Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Pháp luật hiện nay chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính (Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017) đối với hành vi trốn thuế (bao gồm các hành vi như không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán…) chứ không có quy định chế tài xử lý đối với hành vi chậm nộp thuế). Do vậy, nếu Sabeco chậm nộp hơn 3.100 tỷ đồng thì cũng chỉ áp dụng mức phạt bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Trường hợp doanh nghiệp không còn tiền trong tài khoản để phong tỏa tài khoản và khấu trừ thì khoản nợ được xử lý như thế nào? Hoặc giả sử doanh nghiệp không cung cấp số tài khoản thì việc xử lý nợ thuế sẽ thực hiện ra sao?
- Luật sư Phạm Thanh Bình: Việc xử lý đối với doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế “khấu trừ tiền từ tài khoản” nhưng doanh nghiệp không còn tiền trong tài khoản để khấu trừ được quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 11 Thông tư 215/2015/TT-BTC.
Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chứng minh rằng không thực hiện được biện pháp cưỡng chế này do tài khoản đối tượng bị cưỡng chế không có số dư, không có giao dịch qua tài khoản trong vòng 03 (ba) tháng gần nhất kể từ thời điểm nhận được văn bản trở về trước… thì cơ quan có thẩm quyền chuyển sang cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; riêng trường hợp khi xác minh thông tin, cơ quan thuế xác định số dư tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế nhỏ hơn số tiền cưỡng chế thì vẫn ban hành quyết định cưỡng chế.
Căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng được dựa trên “Thông tin về tài khoản của người nộp thuế tại cơ sở dữ liệu quản lý thuế hoặc dữ liệu của tổ chức, cá nhân có liên quan;Thông tin về số tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế do kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng cung cấp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế trong trường hợp cơ sở dữ liệu tại cơ quan thuế không đầy đủ” (Khoản 2 Điều 11 Thông tư 215/2015/TT-BTC được sửa đổi tại mục 4 Thông tư 87/2018/TT-BTC ngày 27/9/2018).
Do vậy, việc doanh nghiệp không hợp tác, không cung cấp số tài khoản cũng không ảnh hưởng gì đến việc ra cơ quan quản lý thuế quyết định cưỡng chế.
Trường hợp còn có những tranh cãi pháp lý, doanh nghiệp và Cơ quan quản lý thuế có thể đàm phán được không? Hay doanh nghiệp buộc phải thi hành cưỡng chế, sau đó có thể kiện ra Tòa án?
- Luật sư Phạm Thanh Bình: Trường hợp còn có những tranh cãi pháp lý, doanh nghiệp và Cơ quan quản lý thuế có thể tiến hành đàm phán để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc. Ví dụ như trong vụ việc này, nếu phía Sabeco cho rằng "Cục Thuế TP HCM thực hiện việc cưỡng chế là sai vì chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực" thì phía Cục Thuế TP HCM cần đưa ra những tài liệu làm căn cứ để chứng minh việc đưa ra quyết định cưỡng chế là đúng. Trong trường hợp việc đàm phán giữa các bên không có kết quả, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền khởi kiện cơ quan quản lý thuế ra Tòa án.
Về căn cứ pháp lý: Điều 116 Luật Quản lý thuế quy định về việc doanh nghiệp có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu xem xét lại quyết định của cơ quan quản lý thuế, hành vi hành chính của công chức quản lý thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 117 Luật Quản lý thuế cũng quy định doanh nghiệp có thể khởi kiện quyết định cưỡng chế của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế; việc khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Trong thời gian khiếu nại, người khiếu nại vẫn có nghĩa vụ “Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này” (điểm c, khoản 2 Điều 12 Luật khiếu nại 2011).
Xin cám ơn Luật sư về cuộc trao đổi này.
Chưa cưỡng chế Sabeco liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hoả tốc gửi Bộ Tài chính và UBND TP.HCM về việc xử lý kiến nghị của Tổng Công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về việc cưỡng chế nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính đối với thuế tiêu thụ đặc biệt giai đoạn 2007 - 2015.
Trong thời gian Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ liên quan đến vấn đề này thì Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.
Trước đó, ngày 28/12/2018, Sabeco đã có công văn phản ánh bị Cục Thuế TP.HCM cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco do liên quan đến vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp của Sabeco, với số tiền lên đến hơn 3.100 tỉ đồng.
Sabeco cho biết doanh nghiệp không có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc kê khai, tính và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, Sabeco cũng nhấn mạnh "đã thực hiện đúng hướng dẫn bằng văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM trong những năm qua về vấn đề này".
Đồng thời, doanh nghiệp này cho rằng, việc Cục Thuế TP.HCM thực hiện việc cưỡng chế nói trên "đã vi phạm pháp luật" vì cưỡng chế thi hành khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/hoi-dap-365/sabeco-no-thue-hon-3000-ty-ai-co-quyen-cuong-che-435531.html