Rà soát dự án cao tốc Móng Cái-Vân Đồn giảm 5000 tỷ

24/02/2018 09:28

Dự án sau khi được rà soát, tổng mức đầu tư giảm từ 16.000 tỷ còn 11.000 tỷ đồng.

Thông tin trên được ông Vũ Văn Khánh - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh cho biết.

 Phối cảnh một đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh Lao động
Phối cảnh một đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh Lao động)

Giảm từ 16.000 tỷ xuống 11.000 tỷ đồng

Trao đổi với Đất Việt chiều ngày 22/2, ông Khánh cho biết ở thời điểm này ông đang cùng đoàn giám sát của các bộ, ngành đi kiểm tra một số dự án tại Quảng Ninh.

Nói về yêu cầu rà soát lại suất đầu tư dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KHĐT), ông Khánh cho rằng dự án đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định, giám sát, kiểm tra của các cơ quan bộ, ngành trung ương.

Tuy vậy, Giám đốc Sở GTVT cũng thừa nhận, sau khi thực hiện các quy trình rà soát lại, tổng mức đầu tư của dự án đã giảm được gần 1/3 tổng mức khái toán ban đầu.

"Sở GTVT đã cùng với các cơ quan của Bộ GTVT thực hiện các bước rà soát dự án, tỉ mỉ, cẩn thận và đang được tổng hợp báo cáo. Theo đó, tổng khái toán của dự án ban đầu tạm tính là 16.000 tỷ đồng nay giảm xuống còn hơn 11.000 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng, tổng mức dự án tạm tính vào khoảng gần 13.000 tỷ", ông Khánh nói.

Giải thích thêm, ông Nguyễn Văn Minh - nguyên Giám đốc Sở KHĐT Quảng Ninh cho biết, đây là dự án thuộc nhóm 3, nhóm các dự án đặc biệt do chính Bộ GTVT chịu trách nhiệm giám sát, thẩm định. Trong đó, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế kỹ thuật chính. Còn toàn bộ quy trình thẩm định dự án là do Viện kinh tế xây dựng của Bộ Xây dựng thực hiện, UBND Quảng Ninh không thực hiện quy trình này.

"UBND Quảng Ninh không phải đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng tổng mức khái toán của dự án. Văn bản của Bộ KHĐT cũng chỉ là đề xuất. Hiện dự án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt để kêu gọi đầu tư", ông Minh cho biết.

Có hay không lợi ích nhóm?

Bình luận thêm về dự án này, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ hai vấn đề.

Thứ nhất là về phía Bộ KHĐT. TS Liêm cho biết, Bộ KHĐT là đơn vị tổng hợp, thống kê toàn bộ giữ liệu, số liệu về tổng mức đầu tư của từng dự án thuộc hệ thống hạ tầng quốc gia. Do đó, đơn vị này có cơ sở để đánh giá, so sánh tổng mức đầu tư của dự án này với những dự án khác.

Dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn được thiết kế chiều dài đường cao tốc dự kiến khoảng 91 km, với quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Dự án có tổng mức khái toán là 16.000 tỷ đồng, suất đầu tư dự án tạm tính là 146,69 tỷ đồng một km đường cao tốc. Với những số liệu trên, Bộ KHĐT cho rằng, suất đầu tư của dự án là quá cao, cao hơn khoảng 20 tỷ đồng so với quyết định 706 của Bộ Xây dựng (khoảng 122,49 tỷ đồng/km và định mức chi phí xây dựng là 100,32 tỷ đồng/km).

Theo ông Liêm, dù chưa thể khẳng định tổng mức đầu tư như vậy là đúng hay sai nhưng rõ ràng nếu số tiền chênh nhau quá lớn thì bắt buộc Bộ KHĐT phải đặt ra câu hỏi và yêu cầu rà soát lại. Trong trường hợp này, ông Liêm khẳng định, Bộ KHĐT đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, về quy trình thẩm tra kỹ thuật, kinh tế của dự án. Vị chuyên gia cho hay, nếu theo Quảng Ninh thì dự án đã được thẩm định, thẩm tra bởi hai cơ quan kỹ thuật và kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Do đó, nếu tìm được sai sót từ dự án thì phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, quá trình đánh giá, thẩm định, thẩm tra dự án nói trên mới chỉ mang tính chất thể hiện mối quan hệ về giá cả. Trong khi đó, tính thị trường lại được thể hiện bởi nhiều yếu tố, trong đó cơ chế cạnh tranh có vai trò rất quan trọng trong việc xác định đơn giá của dự án. Chính từ cơ chế cạnh tranh mới làm nổi bật được giá cả của thị trường. Nếu nền kinh tế không có cơ chế thị trường, mọi số liệu chỉ được phản ánh một cách chung chung, không cụ thể, do đó, khi tính toán chi phí, giá cả cũng mang tính chung chung, thiếu chi tiết, thiếu chính xác.

Theo ông Liêm, ở dự án cao tốc Móng Cái - Vân Đồn, ông chưa nhìn thấy được cơ chế cạnh tranh, vì thế, nếu xảy ra việc tổng mức dự án có bị đội cao, hoặc chênh nhau nhiều lần so với giá thực tế cũng là dễ hiểu.

Quyết làm cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Quảng Ninh quá kỳ vọng?

Theo đó, ông Liêm cho rằng, với dự án này Bộ GTVT và Quảng Ninh nên tổ chức đấu thầu, khi được đấu thầu, các đơn vị tham gia sẽ xây dựng đơn giá dựa trên điều kiện, chi phí cụ thể hơn, phù hợp hơn.

Về việc tổng đầu tư giảm tới 5.000 tỷ (từ 16.000 tỷ xuống còn 11.000 tỷ) so với mức khái toán ban đầu, vị chuyên gia cho biết đó cũng là bình thường.

Tuy nhiên, vị TS cũng bày tỏ quan ngại về mối lo tham nhũng tại dự án này cũng như những dự án xây dựng khác.

Ông Liêm nói: "Trong bối cảnh hiện nay, tham nhũng được xem như là một dấu "phết phẩy" trong mỗi dự án đầu tư. Nếu dự án đầu tư càng lớn, dấu "phết phẩy" đó càng cao. Dấu "phết phẩy" càng cao thì càng cho thấy lợi ích nhóm tại các dự án lại càng lớn. Vì thế, ngay ở khâu hình thành dự án, cho tới khâu hoàn thiện dự án đều có thể có những dấu "phết phẩy" của tham nhũng".

Vị chuyên gia cho biết thêm: "Tôi không khẳng định, dự án này có bị chi phối bởi các yếu tố lợi ích, tham nhũng hay không? Song, tất cả ai cũng hiểu mỗi dự án đều có thể mang lại những lợi ích rất lớn cho những người liên quan".

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Rà soát dự án cao tốc Móng Cái-Vân Đồn giảm 5000 tỷ" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin