Tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội và tỉnh Đồng Nai là 3 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2017.
Sáng 5/2, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) và chỉ số hài lòng về sự phục sự hành chính năm 2017 của các bộ ngành, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Hội nghị có sự tham dự của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương.
Về kết quả chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ ngành, 12 bộ đạt kết quả từ 80% trở lên. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước có điểm chỉ số cao nhất với 92,36%. Theo sau là các đơn vị như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó, 19 bộ ngành đạt được chỉ số cải cách hành chính 79,92%. Không có đơn vị nào dưới 70%.
So với năm 2016, kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của tỉnh, thành phố được đánh giá là có nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy lãnh đạo của các địa phương dành sự quan tâm tới CCHC.
Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng, với 89,45/100 điểm, tiếp theo là TP Hà Nội và tỉnh Đồng Nai. Đà Nẵng xếp thứ 4 và Hải Phòng xếp thứ 5.
Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất, đứng cuối bảng với 59,69 điểm.
Cũng nhân dịp này, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2017. Nhìn chung, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cả nước là 80,90%.
Sáu tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của tỉnh ở mức trên 90%, cao nhất là 95,97%. 12 tỉnh trong khoảng 85-90%, 13 tỉnh trong khoảng 80-85%, 19 tỉnh trong khoảng 75-80% và 13 tỉnh dưới 75%. Tỉnh có chỉ số thấp nhất là 67,7%.
Người dân thể hiện niềm mong mỏi trong việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng các hình thức thông tin và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ chỉ số cải cách hành chính đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng việc triển khai CCHC hàng năm của 19 bộ ngành trung ương và 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chỉ số này phản ánh rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện CCHC của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước nân cao trách nhiêm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC.
Với các cơ quan thuộc trung ương, khảo sát này điều tra 4 nhóm đối tượng là: Lãnh đạo cấp vụ, lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, công chức phụ trách CCHC của cấp bộ thuộc đối tượng xác định chỉ số CCHC.
Với cấp tỉnh, điều tra 4 nhóm đối tượng là đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng thuộc sở và lãnh đạo huyện.
Sau khi thẩm định bảng xếp hạng, Bộ Nội vụ sẽ xem xét điểm tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, sau đó công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết trên cơ sở thực tế và tài liệu kiểm chứng.
Theo Zing