(Pháp lý) - Tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến ngày một phức tạp kéo theo không ít những trở ngại cho các hoạt động kinh tế thông thường. Trong các mối quan hệ kinh tế, lao động được thiết lập bằng hợp đồng, thì việc vận dụng những quy định của pháp luật để thỏa thuận nhằm chia sẻ khó khăn, sửa đổi những điều khoản của hợp đồng, hưởng miễn trừ trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng sẽ là những kinh nghiệm pháp lý cần thiết cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay…
Quan hệ lao động: 3 cách doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận để cùng chia sẻ khó khăn…
Khi dịch bệnh xảy ra, có hàng loạt công ty lớn thông báo cắt, giảm tiền lương của người lao động do sản xuất bị thu hẹp hoặc không đảm bảo việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bàn về vấn đề này, ông Phạm Anh Thắng – đại diện của Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho rằng: Có thể nói đây là tình huống bất khả kháng, là sự việc phát sinh không ai mong muốn. Pháp luật lao động cũng đã có quy định khá đầy đủ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể tham gia quan hệ lao động.
Ông Thắng nhấn mạnh: Quan hệ giao dịch dân sự nói chung và quan hệ lao động nói riêng đều tôn trọng nguyên tắc tự thỏa thuận của các bên trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp người lao động có thiện chí chia sẻ, tự nguyện giảm lương để san sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động trong lúc khó khăn là việc làm thể hiện tính nhân văn, đồng thời là cơ hội để duy trì việc làm khi dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi…
Dựa trên các quy định của pháp luật thì có ít nhất 3 cách để giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp gặp khó trong quan hệ lao động.
Cách thứ nhất, giữa người lao động và người sử dụng lao động có thể có những thỏa thuận cụ thể trong phụ lục hợp đồng lao động, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng bảo hiểm thất nghiệp giải quyết những vấn đề trước mắt cho người lao động tiếp sức cho doanh nghiệp tồn tại sau dịch bệnh.
Cách thứ 2, căn cứ Điều 31 Bộ Luật lao động năm 2012 quy định, khi gặp khó khăn đột xuất do hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh… người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động. Và phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Về tiền lương, nếu tiền lương của công việc mới mà thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Cách thứ 3, theo quy định tại Điều 98 của Bộ Luật lao động năm 2012, nếu sự cố xảy ra vì các nguyên nhân khách quan, trong đó có dịch bệnh mà người lao động phải ngừng việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Quan hệ đối tác: Thương lượng lại các điều khoản của hợp đồng
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất dựa vào nguồn cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu như doanh nghiệp dệt may, da giày bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu hụt nguyên liệu.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết, Công ty chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh. Với khoảng 600 lao động, chủ yếu là lao động địa phương.
Tuy sản phẩm của công ty có tỉ lệ nội địa hóa cao như đế giày 100% nguyên liệu trong nước, vật tư mũ 100% trong nước, các chi tiết trang trí cũng đạt 100% từ trong nước, thế nhưng một số vải đặc chủng như vải dệt kẻ, vải in hoa… thì vẫn cần nhập khẩu. Bởi vậy, công ty bị ảnh hưởng vì vật tư, nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc.
Để đối phó với tình trạng trên, các công ty đã lên kế hoạch tìm nguồn hàng từ doanh nghiệp trong nước thay thế, đồng thời, chủ động liên hệ với các đối tác để xem xét nguyên liệu tương đương có thể thay thế.
Trong trường hợp các công ty đã thực hiện mọi biện pháp mà không thể khắc phục được những hạn chế trên thì các công ty trong lĩnh vực sản xuất da giày, dệt may có thể viện dẫn các nếu do hoàn cảnh là có sự kiện bất khả kháng xảy ra, các bên có thể thương lượng lại các điều khoản trong hợp đồng về cam kết liên quan đến chất lượng của nguyên liệu, xuất xứ của nguyên liệu, thời gian giao hàng… để tìm sự thông cảm từ các doanh nghiệp liên quan. Nếu không nhận được sự đồng thuận, sẻ chia khó khăn thì từ các căn cứ đó có thể xin miễn trừ trách nhiệm về những vi phạm hợp đồng (nếu có).
Nhà nước chứng nhận sự kiện bất khả kháng để hỗ trợ doanh nghiệp
Hệ quả lớn nhất của dịch bệnh, có khả năng làm đổ vỡ nhiều dây chuyền cung ứng toàn cầu. Đây là một vấn đề rất lớn của nền kinh tế quốc tế hiện nay.
Chuỗi cung ứng toàn cầu, thường dựa vào nguyên lý vận hành “just in time” (giao hàng đúng lúc). Trong những chuỗi cung ứng toàn cầu, thì một phần quan trọng trong chuổi là các nhà cung ứng của Trung Quốc. Khi nguồn cung ứng từ Trung Quốc bị gián đoạn, hàng xuất đi và nhập khẩu vào Trung Quốc bị ảnh hưởng, hàng loạt nhà xuất khẩu/nhập khẩu Trung Quốc đòi hủy hợp đồng thì nhiều hợp đồng hay chuỗi liên hệ giữa các doanh nghiệp sẽ đổ vỡ theo.
Khi hợp đồng bị vỡ do tình trạng bất khả kháng, doanh nghiệp đứng trước ba chọn lựa: Chấp nhận hủy hợp đồng, kiện ra tòa hay thương lượng một phương cách thỏa hiệp. Đa số đều đồng ý kiện ra tòa không phải là điều hay vì kiện ở Trung Quốc ắt bị xử thua, kiện ở bên ngoài Trung Quốc thì dù thắng cũng cần tòa Trung Quốc công nhận phán quyết nên khó lòng thắng kiện. Hơn nữa, một khi có một khâu trong dây chuyền cung ứng viện dẫn “bất khả kháng” thì các khâu khác dù ở nước khác cũng sẽ áp dụng điều khoản này để tránh thiệt hại. Lời khuyên pháp lý cho giai đoạn hiện nay là các chủ doanh nghiệp ở các nước có thể phải ngồi thương thảo lại điều khoản hợp đồng với đối tác Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc còn bảo vệ doanh nghiệp bằng cách phát hành hơn 1.600 giấy chứng nhận “bất khả kháng” cho các doanh nghiệp thuộc 30 lĩnh vực liên quan đến các hợp đồng có tổng trị giá lên đến 15 tỉ đô la Mỹ để tránh trách nhiệm trong kiện tụng.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp Trung Quốc có hợp đồng cung ứng linh kiện ô tô cho một nhà máy của Peugeot ở châu Phi, nay vì dịch Covid-19 nên không thể giao hàng. Nhờ giấy chứng nhận của CCPIT mà họ tránh bị đòi bồi thường thiệt hại lên đến 30 triệu nhân dân tệ (gần 100 tỉ đồng).
Mặt khác, dù có nhiều quan điểm cho rằng, sẽ có không ít doanh nghiệp viện cớ “bất khả kháng” để lơ là nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp dịch bệnh, nhất là nguyên nhân dịch bệnh hay sự lây lan mạnh có thể do con người gây ra nhưng tiền lệ thực tế và luật pháp quốc tế lại cho phép điều này.
Tại Việt Nam, các quyết định tạm ngưng xuất khẩu, đóng cửa cửa khẩu (nếu có) vì dịch bệnh có thể được coi là quyết định của cơ quan Nhà nước ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp cũng có thể vận dụng để giảm trừ trách nhiệm khi thực hiện hợp đồng.
Để được giảm trừ trách nhiệm khi có sự kiện bất khả kháng…
Từ khi dịch bệnh xảy ra, ta có thể thấy nhiều bên đã vận dụng quy định của pháp luật trong trường hợp bất khả kháng để giải quyết những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ của mình trong các quan hệ của doanh nghiệp.
Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Sự kiện bất khả kháng là một vấn đề pháp lý cơ bản được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Theo quy định của khoản 1 Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng phải hội đủ các yếu tố sau đây: 1, sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được; 2, không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Luật sư Dũng lưu ý: Không phải sự kiện nào xảy ra khách quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng, thực hiện không đúng, vi phạm hợp đồng thì đều là sự kiện bất khả kháng mà phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định như nêu trên.
Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ý nghĩa của việc chứng minh sự kiện bất khả kháng là làm cho doanh nghiệp, bên vi phạm hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm, chẳng hạn như không phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.
Điểm b khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Nhưng muốn được miễn trừ trách nhiệm thì bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra; khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại (khoản 1, khoản 2 Điều 295 Luật Thương mại).
Điều đó được hiểu là sự kiện bất khả kháng không phải là sự kiện đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm khi nó xảy ra mà còn gắn với thủ tục thông báo và chứng minh của bên vi phạm.
Như vậy, dịch bệnh bùng phát và nhanh chóng lan rộng là một sự kiện khách quan, không thể lường trước được là điều kiện cần. Tuy vậy, nếu chứng minh sự kiện này là sự kiện bất khả kháng thì còn phải chứng minh các yếu tố còn lại theo luật định như “không thể khắc phục được”, “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” là điều kiện đủ.
Trong trường hợp vì Covid-19 mà dẫn đến cơ quan có thẩm quyền có quyết định hạn chế, cấm đoán (cấm lưu thông, phong tỏa, hạn chế lưu thông, bốc hàng, dỡ hàng…) thì quyết định này cũng được xem là một sự kiện miễn trừ trách nhiệm theo điểm d khoản 1 Điều 294, Luật Thương mại 2005 (hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, Trung Quốc đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng các Quyết định này – PV).
Luật sư Nguyễn Tiến Dũng hiến kế: Các doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng kinh doanh cần nắm các quy định về miễn trừ trách nhiệm theo luật định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong thực tiễn hợp đồng kinh doanh – thương mại, các bên cần đưa điều khoản này vào hợp đồng, xác định rõ các yếu tố của sự kiện, mức độ của sự kiện được xác định là “bất khả kháng” cùng với đó là các trường hợp cụ thể được miễn trừ trách nhiệm.
Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng rằng dịch bệnh đến một mức độ cụ thể, hay sự kiện có quyết định của cơ quan nhà nước (cấp tỉnh, cấp trung ương) cụ thể… là sự kiện được miễn trừ trách nhiệm.
Thư Nguyễn