Pháp luật về khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

29/06/2021 10:00

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc cải tiến, đổi mới cũng như khai thác thương mại đối với sáng chế cần phải được hoạt động hiệu quả hơn. Thông qua bài viết này, trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về khai thác thương mại đối với sáng chế và thực tiễn áp dụng, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

1. Quy định của pháp luật về khai thác thương mại đối với sáng chế

Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế là sản phẩm hay quy trình do con người tạo ra chứ không phải là những gì đã tồn tại trong tự nhiên được con người phát hiện ra.

Theo Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì sử dụng sáng chế là việc thực hiện các hành vi như: Sản xuất sản phẩm được bảo hộ; áp dụng quy trình được bảo hộ; khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm và nhập khẩu sản phẩm. Còn theo Luật Thương mại năm 2005 thì hoạt động thương mại là hoạt động sinh lợi, bao gồm mua bán, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Để khai thác thương mại đối với sáng chế thì trước tiên sáng chế phải được bảo hộ. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế thì phải đáp ứng các điều kiện như có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp (khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)).

Khoản 11 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 quy định: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là hoạt động khai thác, hoàn thiện, ứng dụng, chuyển giao, hoạt động khác có liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Như vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ chưa có quy định cụ thể khái niệm khai thác thương mại đối với sáng chế. Tuy nhiên, căn cứ các quy định của pháp luật liên quan đã nêu ở trên, có thể hiểu khai thác thương mại đối với sáng chế là hoạt động khai thác các khía cạnh thương mại của sáng chế sau khi được bảo hộ thông qua các hình thức như chủ sở hữu tự mình khai thác sáng chế, chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, chủ sở hữu thế chấp, góp vốn để kinh doanh, thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nhằm mục đích thu lợi nhuận.

8-1624935460.jpeg

2. Thực trạng khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm. Tức là, cần phải đầu tư nhiều công nghệ kỹ thuật hiện đại qua việc nghiên cứu và sáng tạo để có nhiều sáng chế nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, nếu chỉ có sáng chế mà không thực hiện việc đăng ký bảo hộ thì tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ việc “lấy cắp” công nghệ là rất lớn. Vì vậy, để khuyến khích cũng như thúc đẩy hoạt động sáng tạo và giúp các doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sáng chế thì cơ chế bảo hộ sáng chế cần được hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc khai thác thương mại đối với sáng chế nhằm mang lại lợi nhuận.

Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, khẳng định chính sách sở hữu trí tuệ là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực. Chiến lược đã đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, xác định rõ hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó, viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2019, Việt Nam có 1.128 đơn sáng chế được đăng ký, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy được vai trò của việc bảo hộ và khai thác thương mại đối với sáng chế. Nhiều sáng chế được khai thác hiệu quả và đạt được một số kết quả. Chẳng hạn như, giải pháp công nghệ thiết bị xử lý khí thải, thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp, máy xử lý rác đa năng và công nghệ xử lý rác thải HKM… là các sáng chế điển hình liên quan đến công nghệ xử lý khí thải, chất thải công nghiệp độc hại và rác thải đã được áp dụng trên thực tiễn[1].

Sáng chế của tác giả Đỗ Chí Lệ (Giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài đất Việt năm 2019) nhằm biến rác thải sinh hoạt thành nguồn tài nguyên có lợi, đã thành công với ý tưởng dùng nước và tác động lực cơ học để phân loại, chế tạo ra hệ thống góp phần xử lý triệt để, biến rác thải sinh hoạt thành hàng hóa, đồng thời tận dụng tối đa nguồn tài nguyên rác thải để chế biến thành phân vi sinh, sản xuất hạt nhựa, làm gạch block thân thiện với môi trường. Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ TTD-01 tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, do tác giả nỗ lực xây dựng đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2016, góp phần xử lý toàn bộ rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi và 25 xã, thị trấn khác trong tỉnh. Đến nay, sau hơn 03 năm vận hành, Nhà máy đã đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi, cả 04 quy trình xử lý, phân loại, sản xuất thành phẩm và xử lý nước thải đều vận hành tốt, cho kết quả cao. Ngoài ra, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phụ thuộc vào linh kiện từ nước ngoài[2].

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế hoạt động khai thác thương mại đối với sáng chế của các doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến năm 2019, số lượng hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế còn rất khiêm tốn, tốc độ tăng chậm qua các năm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò quan trọng của việc đăng ký xác lập cũng như khai thác thương mại quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền đối với sáng chế nói riêng. Doanh nghiệp chưa khai thác sáng chế hiệu quả hoặc không khai thác sáng chế. Cụ thể như: Cách đây vài năm, một nhóm nhà khoa học của Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công máy sản xuất bánh tráng. Đề tài này được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước. Chiếc máy này có giá 470 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá máy nhập ngoại. Tuy nhiên, khi mua về sử dụng, một đơn vị chế biến thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh mới chạy thử nghiệm một thời gian ngắn đã bất ổn, bánh đạt thì ít mà hư thì nhiều, máy đành bỏ phế. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã nghiệm thu đề tài chế tạo máy thu hoạch mía không róc lá do một công ty thực hiện trong thời gian khoảng hai năm với kinh phí của sở cấp, khoảng 01 tỷ đồng. Đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá thành công, giá bán 200 triệu đồng, chưa kể máy kéo trị giá 250 triệu đồng. Tuy nhiên, chiếc máy này chỉ hoạt động được ở địa hình bằng phẳng liên tục, còn với khoảng 100.000 ha mía trồng theo dạng liếp phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long thì bất lực. Không chỉ vậy, theo một thành viên trong hội đồng là một nhà khoa học làm việc lâu năm trong ngành máy nông nghiệp, chiếc máy này làm việc còn chập chờn, hay hỏng vặt... Chính vì vậy, mà Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh lại tiếp tục cấp 120 triệu đồng để nhóm tác giả trên nghiên cứu chế tạo thêm một cái máy róc lá mía chuyên biệt. Trong khi đó, cách đây hai năm, Trung Quốc đã sử dụng đại trà (và sẵn sàng bán cho Việt Nam) máy thu hoạch mía hoàn chỉnh, vừa chặt cây, ngọn vừa róc sạch luôn lá nhưng giá chỉ khoảng 50 triệu đồng và rất cơ động ở nhiều loại địa hình. Trên mặt bằng chung, dù chưa có một thống kê chính thức nào nhưng theo nhận định của một số nhà khoa học đầu ngành, riêng lĩnh vực sáng chế kỹ thuật thì số có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn chỉ từ 10% - 20% tổng số sáng chế, tỷ lệ này càng thấp ứng với đề tài cấp càng cao, đó là chưa kể các nghiên cứu khoa học xã hội, thường rất chung chung và rất khó áp dụng thực tế[3].

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là: Thứ nhất, một số quy định của pháp luật về khai thác thương mại đối với sáng chế còn chung chung, chưa cụ thể. Hoạt động khoa học và công nghệ trong sản xuất có vai trò quan trọng trong quá trình khai thác thương mại đối với sáng chế nhưng chưa được đề cập cụ thể trong luật. Điều 4 Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 quy định: Tiếp thu thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới để tạo ra, ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới; tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao; phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, tiếp cận với trình độ thế giới, làm cơ sở vững chắc cho việc phát triển các ngành công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh việc phổ biến và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Các quy định pháp lý về sáng chế trong các văn bản pháp luật Việt Nam chủ yếu đề cập đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội (khoản 1 Điều 3 Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017). Pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ đã có quy định khuyến khích phát triển mạnh thị trường công nghệ, thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu sáng chế thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Tuy nhiên, việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng đòi hỏi các bên phải có sự thỏa thuận, chặt chẽ rõ ràng. Trong khi đó, sáng chế thuộc loại tài sản khó định giá chính xác dẫn đến không đảm bảo quyền lợi của các bên và khó khăn trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam về định giá tài sản trí tuệ vẫn còn khá sơ sài. Các văn bản pháp luật hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá tài sản trí tuệ mà chỉ đề cập tới các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức tính toán dựa trên sổ sách của tài sản vô hình trong đó bao gồm các tài sản trí tuệ.

Thứ hai, sự liên kết còn lỏng lẻo giữa nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp nhằm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc quản lý, phát triển tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng. Ngoài ra, chưa đầu tư khai thác những lợi ích từ sáng chế mang lại, chưa chủ động trong hoạt động chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam

Để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần quy định rút ngắn thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Đối với sáng chế là mười hai tháng kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn[4]. Thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế như vậy là khá dài. Vì vậy, cần rút ngắn thời gian thẩm định tùy thuộc vào từng loại sáng chế. Qua đó, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký bảo hộ sáng chế và khai thác thương mại đối với sáng chế nhiều hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.

Thứ hai, cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển (như Hoa Kỳ, Nhật Bản…) trong việc đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đại học về khai thác thương mại đối với sáng chế. Cụ thể, các quốc gia châu Âu thường tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tập đoàn thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu mang tính cạnh tranh. Hiện nay, họ hướng ngày càng nhiều hơn vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoa Kỳ với năng lực nghiên cứu cơ bản vượt trội và nguồn lực tài sản trí tuệ dồi dào, đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa các công nghệ áp dụng vào sản xuất[5]. Tại Nhật Bản, các công ty và trường sẽ cùng tham gia dự án nghiên cứu. Công ty sẽ giao dự án nghiên cứu cụ thể cho trường. Trường sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu của họ cho công ty hoặc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng với công ty đó[6]. Chính vì vậy, cần có sự liên kết chắc chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư - trường đại học - doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ có hiệu quả hơn nhằm đưa có công nghệ hiện đại áp dụng trong sản xuất kinh doanh.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thì việc không ngừng đổi mới, phát triển khoa học công nghệ là việc làm quan trọng và cần thiết. Một trong những tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của một quốc gia đó chính là sự phát triển số lượng các bằng độc quyền sáng chế. Vì vậy, các hoạt động khuyến khích tạo ra sáng chế cũng như khai thác thương mại đối với sáng chế cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Theo phapluatbanquyen.phaply.vn

Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/phap-luat-ve-khai-thac-thuong-mai-doi-voi-sang-che-cua-doanh-nghiep-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-bv376/

Bạn đang đọc bài viết "Pháp luật về khai thác thương mại đối với sáng chế của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin