Pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử: Từ thực tiễn của Việt Nam đến kinh nghiệm một số nước

(Pháp lý) – Nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Nhưng đáng quan ngại là môi trường kinh doanh này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Mặc dù pháp luật đã có nhiều quy định điều chỉnh vấn đề này. Song, sản phẩm vi phạm SHTT vẫn đang bày bán tràn lan trên trên các sàn TMĐT, trang mạng xã hội, nền tảng di động… Theo nhiều chuyên gia nguyên nhân là do trước sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, nhưng pháp luật chưa theo điều chỉnh kịp. Nhiều quy định chung chung, chưa rõ ràng, chưa chú trọng sâu đến việc bảo hộ SHTT trong TMĐT. Do đó, nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần phải gấp rút hoàn thiện khung pháp luật rõ ràng, bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện bảo hộ SHTT trong TMĐT.

Xâm phạm SHTT tràn lan trên môi trường TMĐT

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS), tổng mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trên môi trường internet trong năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, năm 2016 là 4,5 tỷ đồng, năm 2017 gần 6 tỷ đồng và năm 2018 là trên 7 tỷ đồng, trong đó Cục TMĐT và KTS đã thực hiện thanh tra tại 2 đơn vị và kiểm tra 8 đơn vị và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức xử phạt gần 430 triệu đồng.

Năm 2019, Cục TMĐT và KTS đã chủ trì tiến hành kiểm tra và thanh tra theo Kế hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 5004/QĐ-BCT và Quyết định số 4374/QĐ-BCT và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp vi phạm với tổng mức xử phạt vi phạm hành chính hơn 576 triệu đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 02 đơn vị với tổng mức phạt 42 triệu đồng.

Đặc biệt, năm 2019 của lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm hành chính, xử phạt hơn 16,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hởn 40,6 tỷ đồng hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Vụ kiện hi hữu vi phạm SHTT chủ sàn TMĐT

Mới đây, First News - Trí Việt vừa chính thức khởi kiện Lazada hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả, vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo First News - Trí Việt, từ đầu năm 2019, công ty này đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề sách kém chất lượng, in sai sót được mua trên Lazada với mức giá giảm từ 42-55% (cá biệt có trường hợp lên đến 72%) so với giá bìa.

Cho rằng chủ sàn TMĐT Lazada tiếp tay tiêu thụ hàng giả, First News - Trí Việt vừa chính thức khởi kiện

Trong đó, có rất nhiều đầu sách có được phát hiện là sách giả, không được in ấn, phát hành hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng bản quyền, quyền tác giả mà First News - Trí Việt đang sở hữu.

Theo đơn khởi kiện, First News – Trí Việt yêu cầu Lazada "tháo gỡ ngay toàn bộ thông tin liên quan của các gian hàng bán sách giả bị phát hiện; có biện pháp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn TMĐT Lazada và buộc các nhà sách, gian hàng bán sách phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của các quyển sách đang được mua bán".

Nhưng, ở chiều ngược lại, đại diện Lazada Việt Nam khẳng định, đơn vị này luôn tôn trọng các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như luôn thực thi những biện pháp quản lý nền tảng nghiêm ngặt để có thể mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng.

Điều này đặt ra câu hỏi vì sao hàng giả, hàng vi phạm SHTT bày bán tràn lan trên trên các sàn TMĐT, trang mạng xã hội, nền tảng di động. Trong khi chủ các nền tảng TMĐT luôn khẳng định các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như luôn thực thi những biện pháp quản lý nền tảng nghiêm ngặt…

Pháp luật của VN chưa theo kịp thực tế

Nghiên cứu từ thực tế cho thấy công tác chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT trên các sàn TMĐT và mạng xã hội Zalo, Facebook thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm về TMĐT nhưng hành lang pháp lý về TMĐT đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ quyền SHTT trong môi trường này chưa theo kịp thực tế.

Kể từ Luật SHTT đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 2005 và tiếp đó là Luật SHTT 2009, đã có không ít vấn đề về SHTT đã được đề cập. Cùng với đó, năm 2013, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp được ban hành và tại Điều 10 của Nghị định đã quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền trên Internet…

Đặc biệt, Luật SHTT sửa đổi năm 2019 vừa có hiệu lực vào tháng 11/2019, đã chú trọng hơn đến vấn đề SHTT trong môi trường TMĐT. Tuy nhiên, những quy định trong Luật SHTT 2019 vẫn chưa chú trọng đến việc bảo hộ SHTT trong TMĐT theo cách nào, trình tự thủ tục ra làm sao, các chế tài áp dụng như thế nào… .

Dù Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, trong đó cũng đã quy định trách nhiệm của các bên khi tham gia sàn giao dịch TMĐT như: Chủ sàn TMĐT phải yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ; Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ; Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền SHTT và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này…

Đối với người bán khi tham gia sàn TMĐT phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT; Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền SHTT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT…

Nhưng, công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động.

Ngoài ra, chế tài đối với các chủ thể vi pham hiện nay còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, Điều 83 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chỉ có mức xử phạt vi phạm hành chính từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.

Thậm chí theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP vừa mới được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây cũng chỉ có mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng đối với hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng cấm… Mức phạt trên theo chúng tôi là quá nhẹ, không sát thực tế.

Xâm phạm SHTT tràn lan trên môi trường TMĐT

Chính sách pháp luật một số nước về thực thi quyền SHTT trong TMĐT

Theo tìm hiểu của PV, tại Trung Quốc, Luật TMĐT mới được quốc hội Trung Quôc thông qua năm 2018 đặc biệt chú trọng việc bảo vệ quyền SHTT. Trong đó, Luật TMĐT Trung Quốc có những quy định rất rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể đối với việc thực thi quyền SHTT khi tham gia vào hoạt động TMĐT.

Theo đó, theo Điều 31của Đạo luật này buộc các nhà điều hành nền tảng TMĐT phải ghi lại và bảo quản thông tin hàng hóa và dịch vụ cũng như thông tin giao dịch được công bố trên nền tảng và đảm bảo tính toàn vẹn, tính bảo mật và tính sẵn có của thông tin. Thời hạn lưu trữ của thông tin hàng hóa, dịch vụ và thông tin giao dịch ít nhất là ba năm kể từ ngày hoàn thành giao dịch… Điều này nhằm đảm bảo rằng các chủ sở hữu quyền SHTT có cơ sở để dễ dàng thực thi các quyền của mình khi bị xâm phạm.

Đồng thời, Người vận hành nền tảng TMĐT phải thiết lập các quy tắc bảo vệ quyền SHTT, tăng cường hợp tác với chủ sở hữu quyền SHTT và bảo vệ quyền SHTT theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện có sự vi phạm thì phải kịp thời thực hiện các biện pháp cần thiết như xóa, chặn, ngắt kết nối và chấm dứt các giao dịch và dịch vụ; nếu không thực hiện các biện pháp cần thiết thì sẽ liên đới và chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, chế đối với các hành vi xâm phạm cũng rất nghiêm khắc. Theo quy định tại Điều 84, nếu nhà điều hành nền tảng TMĐT vi phạm và không thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để chống lại hành vi xâm phạm quyền SHTT của người điều hành trên nền tảng sẽ bị phạt từ 50 nghìn NDT (khoảng 170 Triệu đồng) đến 500 nghìn NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng). Trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt đến 2 triệu NDT (khoảng 7 tỷ đồng).

Đối với người kinh doanh TMĐT vi phạm bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ an toàn tài sản và cá nhân, tuyên truyền sai lệch hoặc gây hiểu lầm về thương mại và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường Hoặc các hành vi xâm phạm quyền SHTT, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng … sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật có liên quan hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn tại Ấn Độ, Đạo luật chính sách TMĐT quốc gia vừa được thông qua hồi đầu năm 2020. Trong đó bao gồm các chính sách chặt chẽ hơn liên quan đến bảo vệ quyền SHTT đối các chủ sàn TMĐT, người kinh doanh TMĐT cũng như chủ sở hữu quyền SHTT.
Theo đó, những người tham gia sàn TMĐT sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp sau: Đối với người bán phải cung cấp cam kết với nền tảng về tính xác thực của sản phẩm họ đang bán và sản phẩm tương tự cho người tiêu dùng.

Chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại (là những người sở hữu quyền SHTT) sẽ được cung cấp tùy chọn để tự đăng ký với các nền tảng TMĐT. Bất cứ khi nào một sản phẩm được đánh dấu thương mại được tải lên để bán trên nền tảng, nền tảng sẽ thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại và chính chủ…

Đối với hàng hóa có giá trị cao, mỹ phẩm hoặc hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, các chủ sàn TMĐT sẽ yêu cầu cung cấp chứngn nhận ủy quyền (nghĩa là thỏa thuận ủy quyền / nhà phân phối / người bán lại) của chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại trước đăng bán sản phẩm.

Trong trường hợp chủ sàn TMĐT nhận được khiếu nại về một sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, tương tự sẽ được chuyển đến chủ sở hữu nhãn hiệu thương mại trong vòng 12 giờ. Nếu chủ sở hữu của một nhãn hiệu thương mại thông báo cho nền tảng về việc sản phẩm đang được bán trên nền tảng bị làm giả, nó sẽ thông báo cho người bán và nếu người bán không thể để cung cấp bằng chứng rằng sản phẩm là chính hãng, nó sẽ gỡ bỏ danh sách của nó và thông báo cho Chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký trên nền tảng trực tuyến sẽ cho phép chủ sở hữu thương hiệu nhận được thông báo khi hàng hóa của họ được đưa lên bán. Chủ sở hữu thương hiệu sẽ có thể xác minh xem sản phẩm được liệt kê là hàng thật hay hàng giả và thông báo cho nền tảng nếu hàng hóa được liệt kê là hàng giả. Điều này sẽ tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc theo dõi những người vi phạm, chặn các nhà cung cấp được liệt kê và xóa tài khoản của họ.

Còn tại liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia thành viên đã ký 2 biên bản ghi nhớ liên quan đến hàng giả và vi phạm quyền SHTT là Biên bản ghi nhớ (MoU) năm 2011 về buôn bán hàng giả trên internet và Biên bản ghi nhớ năm 2018 về quảng cáo trực tuyến và quyền SHTT. Đây được cho là là một công cụ hữu ích trong việc giải quyết nạn buôn bán hàng giả trực tuyến và ngăn chặn vi phạm quyền SHTT.

Theo đó, Biên bản ghi nhớ cung cấp các thủ tục thông báo và gỡ bỏ trong đó chủ sở hữu quyền có khả năng thông báo cho nền tảng trực tuyến về việc người bán tham gia vào việc bán hàng giả. Các nền tảng trực tuyến phải đảm bảo rằng danh sách được xóa và vô hiệu hóa khỏi nền tảng một lần, khi xác minh, thông báo đã được coi là hợp lệ…

Kiến nghị

Thiết nghĩ TMĐT phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí… Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động TMĐT cũng như việc thực thi ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT và bảo vệ người tiêu dùng.

Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan chức năng hiện nay là cần phải nhanh chóng rà soát các quy đinh pháp luật liên quan đến TMĐT bít những lỗ hổng. Trong đó đăc biệt trú trọng đến việc nghiên cứu đề xuất, bổ sung đầy đủ những quy định về sử dụng đối tượng quyền SHTT trong môi trường TMĐT.

Trước tiên cần phải quy định chi tiết, cụ thể hơn về cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện bảo hộ SHTT trong TMĐT. Bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website TMĐT, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia giao dịch TMĐT.

Bên cạnh đó, cần làm rõ cách bảo hộ, cách tìm kiếm thông tin về SHTT đã được đăng ký, cách quản lý và giám sát TMĐT, các chế tài sẽ áp dụng khi xảy ra các vấn đề vi phạm.

Ngoài ra, có thể tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp các cơ quan chứng năng, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc thực thi ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền SHTT trên sàn TMĐT.

Mạnh Thuật - Văn Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin