Pháp đình 2018 và những “cái nhất”

04/01/2019 13:29

(Pháp lý) - Pháp đình năm 2018 khép lại với những phiên tòa để lại dấu ấn có nhiều “cái nhất” khó quên. Phóng viên Pháp lý tổng hợp và giới thiệu đến bạn đọc cùng chiêm nghiệm…

1. Phiên tòa có số lượng bị cáo đông nhất

Phiên tòa có 92 bị cáo
Phiên tòa có 92 bị cáo)

Thẩm phán Vũ Anh Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỉ có số lượng bị cáo đông nhất từ trước đến nay (92 bị cáo) trong lịch sử ngành tố tụng. Theo đó, quy mô của vụ án xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản. Số lượng đối tượng phạm tội lên đến hàng chục nghìn người, trải khắp 24 tỉnh thành, đa dạng về thành phần, trong đó có cả các đối tượng thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật.

Phòng xử án của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ không đủ để phục vụ xét xử nên đơn vị đã quyết định xét xử vụ án này tại sân tòa rộng 1.000 m2, nằm giữa 3 tòa nhà xếp hình chữ U, thiết kế khung sắt có mái che.

2. Phiên tòa hình sự có bị cáo “đặc biệt” nhất và nhiều điểm mới lần đầu được áp dụng

image003

Ngày 8/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Ông Đinh La Thăng và các đồng phạm bị đưa ra xét xử vì tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản”. Lịch sử ngành Tư pháp chưa khi nào có một phiên tòa đặc biệt như thế. Lần đầu tiên, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Ủy viên Trung ương bị bắt giam để điều tra, truy tố vì gây hậu quả nghiệm trọng trong quản lý, điều hành. Dư luận gọi đây là một phiên tòa “đình đám” nhất. Ngoài ra, theo thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và các đồng phạm còn là một phiên tòa có nhiều cái mới lần đầu tiên được áp dụng: Không có vành móng ngựa, đại diện VKS ngồi đối diện với luật sư, đảm bảo tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội. Quyền tranh tụng tại tòa tiếp tục được phát huy, đảm bảo quyền con người và phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

3. Phiên tòa có số lượng luật sư bào chữa đông nhất

 Hơn 70 Luật sư tham gia tại phiên tòa xử đại án xảy ra tại VNCB
Hơn 70 Luật sư tham gia tại phiên tòa xử đại án xảy ra tại VNCB)

Đó là phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm giai đoạn 2 vào ngày 24/7/2018. Phiên tòa có 73 Luật sư tham gia bào chữa cho quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập gần 235 người và đơn vị có liên quan tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng. Vì đây là một phiên tòa kéo dài với số lượng lớn luật sư tham gia bào chữa, các luật sư được yêu cầu phải công bố kế hoạch xét hỏi. HĐXX công khai kế hoạch xét hỏi đó và đảm bảo kế hoạch xét hỏi không ảnh hưởng đến việc bào chữa của Luật sư.

4. Phiên tòa có bị cáo khắc phục thiệt hại nhanh nhất và nhiều nhất

 Bị cáo Phan Sào Nam trong phiên tòa xử vụ đánh bạc nghìn tỉ
Bị cáo Phan Sào Nam trong phiên tòa xử vụ đánh bạc nghìn tỉ)

Đó là vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ. Bị cáo Phan Sào Nam - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online), trong vòng 2 tuần sau khi ra đầu thú, đã chủ động nộp lại cho Cơ quan điều tra số tiền 1.000 tỷ đồng, cùng với đó là tài sản tại ngân hàng bị phong tỏa kê biên và 4 ô tô. Cùng với tự nguyện khắc phục hậu quả, ra đầu thú, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, Phan Sào Nam đã được pháp luật khoan hồng cho hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt (tổng cộng 2 tội Tổ chức đánh bạc và tội Rửa tiền) là 5 năm tù giam.

5. Phiên tòa xét xử bị cáo gây thiệt hại “khủng nhất”

 Phạm Công Danh và các đồng phạm tại phiên tòa giai đoạn 2
Phạm Công Danh và các đồng phạm tại phiên tòa giai đoạn 2)

Với số tiền được xác định thiệt hại lên đến gần 18.000 tỷ đồng, có thể nói vụ án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng là vụ án có mức thiệt hại với con số khủng nhất tính đến thời điểm này. Ở giai đoạn 1, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng, Phan Thành Mai – nguyên Tổng giám đốc cùng các đồng phạm nguyên là cán bộ ngân hàng, cán bộ tập đoàn Thiên Thanh đã thụ án tổng cộng 122 năm tù, trong đó Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm. Theo Cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để sử dụng cho mục đích cá nhân. Hành vi này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Giai đoạn 2 vụ án đã được TAND TP.Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vào ngày 24/7/2018.

6. Phiên tòa có bị cáo lĩnh án tử, án chung thân về tội tham nhũng

 Bị cáo Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn bị kết tội Tham ô
Bị cáo Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn bị kết tội Tham ô)

Vụ đại án Hà Văn Thắm cùng 30 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), đã khép lại bằng Bản án phúc thẩm tuyên phạt mức án tù chung thân đối với bị cáo Hà Văn Thắm nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank về 4 tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và “Tham ô tài sản”. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị tuyên phạt tử hình về 3 tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” và “Tham ô tài sản”.

7. Phiên tòa có bị cáo “hiểu rõ luật” nên có những “từ chối” gây tranh luận

 Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa sáng 12/11
Bị cáo Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa sáng 12/11)

Cũng tại phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ (diễn ra 12/11). Tại phần công bố quyền và nghĩa vụ các bị cáo tại phiên tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát đã đề nghị HĐXX không công bố bản án đối với mình lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Chủ tọa phiên tòa đã chấp nhận đề nghị này và ngay lập tức gây ra nhiều tranh luận trái chiều… Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương giải thích, “bị cáo được từ chối vì lý do cá nhân và đây là quyền của họ theo quy định tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Chỉ cần 1 trong các bị cáo có đề nghị này thì sẽ không đăng”. Trong khi đó theo các luật sư, việc đăng hay không đăng Bản án, không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của đương sự…

8. Phiên tòa có số lượng bị hại đông nhất

 320 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á
320 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á)

Ngày 27/11, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử đại án thiệt hại 3.608 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á. Liên quan đến đại án này, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) can tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á) cùng 24 đồng phạm ở Ngân hàng Đông Á bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Để phục vụ cho công tác xét xử, toà triệu tập 320 tổ chức, cá nhân được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vừa là người làm chứng trong vụ án, trong đó có bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình). Đây là phiên tòa có số lượng bị hại đông nhất trong năm 2018, tính đến thời điểm này.

M.T (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Pháp đình 2018 và những “cái nhất”" tại chuyên mục An ninh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin