(Pháp lý) - Phản biện xã hội là nhu cầu tất yếu khách quan, là đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo, điều hành và quản trị đất nước nhằm khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng và các tiêu cực phát sinh trong hoạt động của bộ máy công quyền.
1. Tại Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với nhóm Sáng kiến Việt Nam đồng tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc đã bày tỏ: Tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới hiện nay rất khó đoán và do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên mọi sự biến động của thế giới đều ảnh hưởng đến Việt Nam. “Có một thực tiễn và cũng là nút thắt mà chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến chia sẻ chân thành và cởi mở của các chuyên gia hôm nay chính là vấn đề thể chế. Làm thế nào để tháo gỡ vấn đề khó khăn này?”.
Hội nghị có mặt GS. Ricardo Hausmann - Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế của Đại học Harvard và GS. của Trường quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), GS. Ngô Bảo Châu, GS. Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản), PGS.TS. Trần Ngọc Anh - Đại học Indiana (Mỹ), Giám đốc chương trình Sáng kiến Việt Nam và nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng của Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Singapore và Việt Nam…
Sau phát biểu của Thủ tướng, các đại biểu tập trung thảo luận ba chủ đề chính của Hội nghị là “30 năm công nghiệp hóa: Việt Nam đang ở vị trí nào trong mạng sản xuất và giá trị toàn cầu?”, “Chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng ở Việt Nam như thế nào?”.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp tích cực của các chuyên gia, học giả quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài về các vấn đề Việt Nam đang theo đuổi và còn nhiều trăn trở. Thủ tướng nhấn mạnh chính phủ hiện tại là chính phủ “lắng nghe”, lắng nghe người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học quốc tế, trong nước, lắng nghe để hành động hiệu quả, thực chất hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành tham khảo và nghiên cứu các đề xuất của các chuyên gia, học giả; đề nghị duy trì kênh đối thoại thường niên giữa trí thức quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài với Chính phủ để cùng chung tay xây dựng đất nước, hỗ trợ Chính phủ tháo gỡ khó khăn, phá bỏ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, đẩy mạnh đổi mới, hướng tới tương lai.
Sự kiện trên đây là một trong các hoạt động thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên có các cuộc Tọa đàm, trao đổi, đối thoại với nông dân, với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe ý kiến của họ, để điều chỉnh chính sách.
Còn nhớ tại sự kiện tọa đàm về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “chưa lúc nào kinh tế tư nhân lại được coi trọng như thời điểm này”. Tuy nhiên, thực tế cho thấý khối doanh nghiệp tư nhân “đông mà chưa mạnh”, với 486.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 10.000. Nền kinh tế đang rất cần những doanh nghiệp lớn để dẫn dắt, tạo ra sức lan tỏa cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Để có những quyết định sáng suốt, Thủ tưởng đã lắng nghe những đóng góp, phản biện thẳng thắn từ các chuyên gia trong Ban nghiên cứu.
2. Lắng nghe ý kiến chuyên gia không phải để tỏ ra dân chủ mà là nhu cầu rất cần thiết đối với Chính phủ, đây là câu chuyện không phải bây giờ mới đặt ra. Trong cuốn sách: “Tư duy kinh tế Việt Nam, chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989”, GS. Đặng Phong cho biết, giai đoạn từ thập niên 1980 trở đi, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hàng loạt tổ tư vấn đã được thành lập cả ở Trung ương, Bộ ngành đến các địa phương. Tiểu ban cơ chế mới từng do sáu Ủy viên Bộ Chính trị luân phiên phụ trách để tiếp thu ý kiến từ các địa phương và cả một số Giám đốc công ty. Sau đó là Tiểu ban nghiên cứu giải pháp cấp bách về tài chính – tiền tệ – giá cả (cũng trực thuộc Bộ Chính trị), rồi Nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị thuộc Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính phủ sau này).
Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh những năm 1980 đã tổ chức một Câu lạc bộ giám đốc, với khoảng 100 thành viên sinh hoạt định kỳ để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp và có Văn phòng kinh tế Thành ủy và Nhóm thứ Sáu.
Sau đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thành lập Ban nghiên cứu của Thủ tướng; Ban này được Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức lại vào năm 1998. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó cũng có Tổ tư vấn kinh tế với 12 thành viên. Đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Tổ tư vấn kinh tế gồm các cựu quan chức và các nhà nghiên cứu, trong đó có 5 chuyên gia là các Giáo sư đang giảng dạy tại Mỹ, Nhật, Singapore, Pháp và TS. Vũ Thành Tự Anh của Đại học Fulbright Việt Nam.
Đầu năm 2020, làm việc với Tổ tư vấn, Thủ tướng đề nghị Tổ cần theo dõi sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước để kịp thời phát hiện vấn đề mới, tham mưu cho Thủ tướng, nhất là các biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh chính sách. “Linh hoạt, kịp thời, đúng đắn đối với chính sách là rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh. Cần tư vấn các thông điệp chính sách và công tác chỉ đạo để đạt mục tiêu, kết quả đề ra. Bên cạnh ngắn hạn, Tổ góp ý sâu hơn về chiến lược bởi “có những việc hôm nay là tốt nhưng hậu quả ngày mai lại xấu”. Do đó, cần có tầm nhìn xa, nhất là gắn với kế hoạch 2021-2025. Tổ cần tích cực tham gia góp ý xây dựng thể chính sách, pháp luật, đặc biệt phát hiện nút thắt cần tháo gỡ; giúp Thủ tướng làm tốt công tác truyền thông chính sách, những gì không đồng tình có thể trao đổi trực tiếp với Thủ tướng và Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe. Thủ tướng mong muốn nâng cao chất lượng ý kiến tư vấn, bảo đảm tính thực tiễn, thiết thực, khách quan, độc lập, thẳng thắn, vì lợi ích chung của đất nước và các thành viên trong Tổ tư vấn là những pháo đài quan trọng để bảo vệ đường lối, chính sách.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Tổ trưởng Tổ tư vấn là người thay Thủ tướng liên lạc, kết nối các thành viên, các chuyên gia, nhà khoa học và tổng hợp những vấn đề đặt ra. Đồng thời, mỗi thành viên Tổ tư vấn có vai trò riêng, sở trường trong các lĩnh vực.
3. Những câu chuyện trên đây để thấy phản biện xã hội, trong đó có phản biện chính sách là một nhu cầu vô cùng quan trọng. Đó là phản biện của các trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức quần chúng, các hội, tổ chức phi chính phủ về các chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường… của Đảng, Nhà nước. Theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, phản biện xã hội "Là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước".
Theo TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bản chất của chính sách công là công cụ quan trọng, hữu hiệu để Nhà nước quản lý, can thiệp, tác động vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu định hướng của Nhà nước và mong muốn của người dân. Để công cụ quan trọng này có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao trong hoạch định chính sách công cần có sự tham vấn, tham gia của tất cả các bên có liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, nhà khoa học, các chuyên gia…
Phản biện chính sách giúp điều tiết xung đột lợi ích giữa các nhóm xã hội để tạo đồng thuận xã hội - tiền đề quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chính sách; Góp phần khắc phục khiếm khuyết, hạn chế, bất cập của chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của chính sách, phát huy tối đa tính hữu dụng của công cụ chính sách trong quản lý, quản trị đất nước; Góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng, phát triển ý thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, qua đó từng bước hình thành môi trường xã hội dân chủ, tiến bộ; Góp phần tiết kiệm, giảm chi phí các nguồn lực để hoạch định, xây dựng các chính sách của Nhà nước.
4. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các thông tin về phản biện chính sách luôn luôn là đề tài được công chúng quan tâm. Những phản biện mạnh mẽ của dư luận, của chuyên gia về câu chuyện “thu giá”, “thu phí”; câu chuyện Bộ Tài chính công bố đề xuất đánh thuế tài sản. Không chỉ có nhà ở mà đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp… có thể cũng bị đánh thuế tài sản cao hơn trước. Ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ phải chịu thuế tài sản mức 0,3% hoặc 0,4%/năm. Hay gần đây nhiều ý kiến không đồng tình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành…
Năm 2020, khi bàn về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng. Một trong phản biện được quan tâm là ý kiến của TS. y khoa Trần Tuấn, ông là một chuyên gia phản biện chính sách y tế và phát triển cộng đồng. TS. Trần Tuấn nói: Rượu bia gây tai nạn giao thông! Rượu bia là thủ phạm các vụ hiếp dâm tập thể trẻ vị thành niên, bạo dâm thanh nữ! Rượu bia gây bạo hành gia đình, bạo lực xã hội! Hơn 70% các vụ mâu thuẫn đâm chém nhau ở nơi công cộng, có liên quan trực tiếp với rượu bia.
Muốn "đánh rắn giập đầu" giải quyết căn nguyên thực sự gây tai nạn giao thông kinh hoàng cùng bao tác hại cấp tính và lâu dài do rượu bia gây ra phải tranh đấu cho một dự luật tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo.
Không có luật, tình hình sử dụng rượu bia sẽ tiếp tục lan tràn, có nguy cơ cản trở thực hiện thành công 13 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia mà chính phủ đã cam kết với quốc tế vào năm 2030. Việt Nam bắt buộc phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và ngành công nghiệp rượu bia. Trước khi dự luật được thông qua, cái người dân cần là trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng trong từng lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội.
Trước đó ông đã có cảnh báo: Cho tới lúc kỳ họp thông qua dự luật vào tháng 5/2019 là tiến trình chỉnh sửa ra phiên bản cuối cùng, rất nhiều thách thức sẽ đến, bởi ngành công nghiệp rượu bia không dễ dàng chấp nhận từ bỏ lợi ích của mình.
Cuối cùng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia được thông qua với những quy định khá chặt chẽ như: Có 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa.
5. Một trong những người thường có ý kiến phản biện thẳng thắn là PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), thành viên Tổ Tư vấn Thủ tướng Chính phủ, hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Nói về phản biện và vai trò của chuyên gia, ông từng chia sẻ: Muốn phản biện thì phải có cơ sở khoa học, chứ không thể chỉ dùng những từ ngữ kêu cho to, đánh vào tình cảm con người để phản đối được. “Trong tâm lý xã hội hiện nay thì tính bất bình rất cao. Tính không hài lòng rất cao, dùng từ ngữ để kích động cái đấy là rất dễ. Nếu chúng ta, những người có đầy tinh thần trách nhiệm, mà chỉ dùng những thuật ngữ, hoặc cố gắng dùng thuật ngữ để đánh vào tâm lý, nhiều khi sẽ làm cho suy nghĩ của xã hội bị thiên lệch!” – PGS.TS. Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Do vậy, khái niệm khoa học phải rất minh định, khái niệm chuyên gia phải rõ ràng. Chuyên gia là chuyên gia nào? Chuyên gia lịch sử không thể bàn về kiến trúc được. “Chúng ta nói xin ý kiến của chuyên gia, nhưng xin ý kiến của ông Trần Đình Thiên làm kinh tế để nói về dòng chảy thì có phải chuyên gia đâu. Vậy mà nói tôi đã xin ý kiến chuyên gia rồi, thế là ra dư luận tin cái điều ấy, chứ người ta đâu có biết!” – PGS.TS. Trần Đình Thiên phân tích.
Ở phía soạn thảo, ban hành chính sách, muốn hoạt động phản biện chính sách có hiệu quả, thực chất thì cần tạo ra cơ chế, các điều kiện phù hợp. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, trước hết đó là bảo đảm công khai và minh bạch hoá trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế chính trị, trước hết là hoạt động của Nhà nước. Nguyên tắc công khai và minh bạch được xác định của hoạt động của các cơ quan tổ chức công quyền, nhờ đó các chủ thể phản biện mới có đủ thông tin để nhận xét, đánh giá. Đó là công khai, minh bạch trong các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước; các cơ quan công quyền, phải nâng cao trách nhiệm giải trình (trước nhân dân, trước cơ quan, tổ chức).
Nhà nước cần ban hành pháp luật quy định ràng buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân kể cả trong Nhà nước và ngoài xã hội về điều đó, tốt nhất là bằng một luật, Luật Công khai và minh bạch hoạt động nhà nước, PGS.TS. Trần Đình Thiên kiến nghị.
Phải có cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thực hiện phản biện xã hội một cách đúng đắn và có hiệu quả. Cơ chế là sức mạnh của hành động, nhưng ngày nay đang thiếu nhiều cơ chế tiến bộ nhưng lại có nhiều cơ chế còn bảo thủ, lạc hậu, so với yêu cầu của nhân dân. Cần phải có điều kiện pháp lý bảo đảm cho hoạt động phản biện xã hội.
Cần sớm ban hành cơ chế và xác định phạm vi, trình tự, thủ tục phản biện thống nhất. Phản biện xã hội là điều bắt buộc phải thực hiện một cách nghiêm túc, công khai đối với các dự án pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh của Đảng và Nhà nước. Các dự án không qua phản biện xã hội đúng theo trình tự thủ tục quy định thì không được trình ra cơ quan có thẩm quyền.
Nguyễn Minh Khôi