“Obama: Bình dị và quyến rũ”

Vì sao vị Tổng thống Mỹ này là một con người quyến rũ đối với người Việt Nam đến thế? Lý giải của TS. Trần Lương Sơn, cựu học sinh trường Đại học danh tiếng của Mỹ, sau cuộc gặp sáng nay.

Bằng góc nhìn cá nhân, ông Sơn lý giải vì sao vị tổng thống thứ 44 này của nước Mỹ lại thật quyến rũ đối với người Việt.

Cái tên Barack trong ngôn ngữ của một số dân tộc có nghĩa là “Được ban phước” (trong tiếng Anh là “Blessed”). Phải chăng vì thế mà vị Tổng thống Mỹ này là một con người quyến rũ đối với người Việt Nam đến thế?

[caption id="attachment_141308" align="aligncenter" width="410"]Obama va con gai Obama va con gai[/caption]

Bình dị như… chúng ta

“Thưa các quý vị, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Barack Obama” - tiếng nói của cô phát thanh viên vang lên nhỏ nhẹ. Gần 4 ngàn người ngồi kín hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia còn đang ngơ ngác nhìn quanh chưa hiểu chuyện gì, sau hơn ba giờ chờ đợi, thì người đó bước ra, nhanh nhẹn, như lướt vậy, vẫy tay chào cả hội trường.

Tôi cứ ngỡ, cô phát thanh viên đáng lẽ phải nói “Thưa các quý vị, hãy chào đón Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Barack Obama” - Please welcome President of the United Stated of American, Barack Obama!

Thì ra đó là cách mà Tổng thống Mỹ xuất hiện trước công chúng, có lẽ là được sắp đặt - hết sức bình dị.

Công chúng Việt Nam dường như chưa quen thuộc với cách chào đón nguyên thủ quốc gia như thế, nhưng chỉ ít giây sau, tất cả cùng hòa vào một tràng vỗ tay dài nồng nhiệt.Tôi đã nhiều lần được nghe diễn văn của Ông, đặc biệt là hai bài diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ, nhưng vẫn không khỏi cảm kích về sự bình dị đến thế của Ông. Tôi lại nhớ đến câu phương ngôn “Uy tín, đó là những gì bạn thu phục được, chứ không phải những gì bạn được ban cho”.

Vì là một cựu sinh viên theo học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ, tôi có giấy mời đi dự cuộc gặp với Tổng thống Obama. Đêm trước ngày đón Tổng thống, tôi thức viết một thông điệp gửi Ông trên Facebook, với ý nghĩ rằng, có thể nó không bao giờ tới Ông, trừ phi có một ngày nào đó... Tôi có viết rằng, Ông là một trong những vị Tổng thống Mỹ đặc biệt, vì Ông là một người bình thường như tôi, như chúng ta.

Tôi có đọc cuốn “The Audacy of Hope” (Dám hy vọng) của Ông (còn có những tên khác là “Đi tìm lại Giấc mơ Mỹ”, hay “Những giấc mơ của Cha tôi”), được viết trước khi Ông ra tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên. Đó là câu chuyện của một cậu bé sinh ra và lớn lên mà thiếu thốn sự chăm sóc, dạy dỗ của người cha, bị kỳ thị ở trường học với những câu hỏi trớ trêu như “Ở quê hương của cậu (nước Kenya xa xôi, nghèo đói), người ta ăn thịt nhau à?”, hay khi ra đời, bước vào siêu thị, người ta ném chìa khóa nhờ trông xe bởi tưởng cậu là một anh chàng lao công, bảo vệ...

Một người như chúng ta, có thể thân phận còn thua kém hàng triệu người như chúng ta, nhưng đã vươn lên đỉnh cao của quyền lực, một cách đàng hoàng, đĩnh đạc.

Nhiều quốc gia đã tuyên bố “giấc mơ” của mình, nhất là các quốc gia lớn. Sự khác nhau của các giấc mơ đó phải chăng là ở “giá trị” được xác định, giữa một bên là thịnh vượng, và một bên là tự do - Tự do được vươn lên không giới hạn với phẩm giá và trí tuệ của mình?

Sự hiểu nhau thú vị

Bạn sẽ khó mà tin rằng, người ta có thể trong vòng đúng 30 phút phát biểu không giấy tờ (một mẫu mực về quản lý thời gian) mà tóm lược được những điều căn bản, quan trọng nhất, giá trị nhất của một quốc gia xa xôi. Tổng thống Mỹ đã nhắc đến những cái tên lịch sử, văn hóa của Việt Nam bằng phát âm tiếng Việt, có lẽ mới học nhưng cũng rất rõ ràng như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hồ Chí Minh... Văn Cao, Trịnh Công Sơn, rồi Quốc Tử giám, Vịnh Hạ Long, Sơn Đòong, Biển Đông...

Ông nói về sự tôn trọng khác biệt, về quyền con người, về nguyên tắc nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ, về sự sát cánh của Mỹ với Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông nói về niềm tự hào của một Việt Kiều Mỹ được làm công dân của một nước tự do, nhưng cũng không quên nhắc người Việt Nam tự hào về dòng dõi của mình. Ông nói về người phụ nữ Việt Nam còn bị thiệt thòi vì không được đối xử bình đẳng, xứng đáng...

Ông nhắc đến cuộc xung đột Việt - Mỹ với giọng nói đầy ưu tư, về 3 triệu sinh mạng Việt Nam và hơn 50 ngàn sinh mạng Mỹ bị cướp đi trong chiến tranh Việt Nam. Thú vị thay, Ông nói đến “sự mất mát của cả hai phía Việt Nam”, có lẽ như là một món nợ của nước Mỹ, mà tôi có nhắc đến trong lá thư gửi Ông đêm hôm trước?

Tôi cảm nhận Ông coi mình là bạn của người Việt trên khắp Thế giới, vẫn còn đang giữ những điều khác biệt, về quyền lợi, về niềm tin, về lý tưởng của Việt Nam như là một quốc gia, như là một dân tộc trải khắp Thế giới.

Chương trình nghị sự Việt - Mỹ của tương lai

Tràng vỗ tay dài và lớn nhất có lẽ là dành cho lời cam kết của Tổng thống Mỹ, rằng, nước Mỹ sẽ luôn luôn bên cạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền của mình, rằng không một nước lớn nào có quyền áp đặt, dọa nạt một nước nhỏ.

Một tràng vỗ tay dài khác nữa được dành cho cam kết của Mỹ trong hợp tác với Việt Nam về văn hóa và giáo dục, mà biểu tượng là việc Đại học Fulbright, với nhận được giấy phép chính thức sau hơn 20 năm dài hoạt động, với rất nhiều đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao cho Việt Nam. Đại học Fulbright cũng được Tổng thống giới thiệu như một đại học bao gồm rất nhiều ngành nghề khoa học, kỹ thuật, xã hội, như một trường đại học tổng hợp, chứ không chỉ giới hạn về quản lý nhà nước, quản lý kinh doanh. Mỹ cũng trông đợi trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam, sau khi hai bên ký kết Hiệp định TPP.

Tiếc thay, cuộc gặp gỡ đã không có phần hỏi đáp (có lẽ Tổng thống phải ra sân bay đi vào Sài Gòn tiếp tục chuyến thăm Việt Nam), nếu không những người bình thường như tôi đã có thể hỏi Ông vài điều đơn giản, và selfie với Ông như vài người đã có dịp may trong ngày hôm qua, như Ông có khoe.

Dù thế nào, Việt Nam về cơ bản cũng đã sẵn sàng cho bước tiến mạnh mẽ vào thế giới tiến bộ, văn minh, như Tổng thống đã nói, hơn một lần, trong bài phát biểu súc tích của mình: “Các bạn đã có tất cả những điều cơ bản nhất trong Hiến pháp của mình - Quyền tự do biểu thị ý kiến của mình, quyền tự do hội họp, quyền xây dựng một xã hội công dân, để làm những việc mà nhà nước, dù ở bất kỳ quốc gia nào, không thể luôn làm đúng, không thể luôn làm hết được...”.

Phải chăng, đó chính là sự nối tiếp của những nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp của hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất, là những giá trị cơ bản mà hai dân tộc chia sẻ - "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"...

“Tôi muốn giới thiệu thêm về Việt Nam với ông”

Tổng thống Barack Obama rời bục phát biểu trong tràng vỗ tay không dứt của tất cả hội trường gần 4.000 người đã đứng hết cả dậy.

Hình ảnh của cậu thiếu niên, chàng thanh niên Barack trong cuốn “Những giấc mơ của Cha tôi” lại hiện lên trong tâm trí của tôi. Một cuộc đời bình thường mà vĩ đại. Một hiện thân của ý chí vươn lên từ gian khổ, thiếu thốn, kỳ thị tới đỉnh cao của quyền lực, của ảnh hưởng tới toàn Nhân loại.

Với hiểu biết giới hạn của tôi về lịch sử nước Mỹ, về các đời Tổng thống Mỹ, dù có những ý kiến đánh giá rất khác nhau, Obama là vị Tổng thống tôi ngưỡng mộ…

Hẹn gặp lại Ông một ngày không xa trở lại Việt Nam, như Ông đã tạm hứa. Tôi muốn giới thiệu lại Việt Nam với Ông, một đất nước đáng lẽ phải là bạn của nước Mỹ cách đây hàng trăm năm. Nhưng, thà muộn còn hơn là không bao giờ.

Theo Khampha

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin