Nỗ lực chống tham nhũng khiến tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp giảm đáng kể

17/04/2021 08:17

Số liệu từ điều tra PCI-FDI 2020 một lần nữa khẳng định tính vững chắc của các thành quả này trên nhiều lĩnh vực. Doanh nghiệp FDI cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đất đai đã giảm ở mức cao gần 23% năm 2016 xuống 10% trong năm 2020.

Những tín hiệu vui

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhờ các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Số liệu từ điều tra PCI-FDI 2020 một lần nữa khẳng định tính vững chắc của các thành quả này trên nhiều lĩnh vực.

Sản xuất, lắp ráp ô tô tại một doanh nghiệp FDI.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp FDI đồng ý với nhận định “cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ quy định chỉ để đòi hỏi chi phí không chính thức từ doanh nghiệp” tăng lên mức đỉnh gần 60% vào thời điểm 2014-2015 rồi giảm dần trong những năm sau đó.

Năm 2020, con số này ở mức xấp xỉ 35%, nhỉnh hơn một chút so với năm trước.

Đáng chú ý, Báo cáo PCI 2020 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (doanh nghiệp FDI) cho biết đã phải chi trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện thủ tục đất đai đã giảm từ mức cao gần 23% năm 2016 xuống 10% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, năm 2020, chỉ 17% doanh nghiệp FDI có nhận định tình trạng “chạy án” cản trở việc họ đưa tranh chấp ra tòa án, so với mức đỉnh gần 24% năm 2015. Qua thời gian, chi phí không chính thức có dấu hiệu giảm dần. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành từ 10% doanh thu trở lên để chi trả các khoản chi không chính thức giảm từ mức hơn 2% năm 2016-2017 xuống 1,2% năm 2020.

Một dấu hiệu khả quan nữa là gánh nặng thanh kiểm tra cũng giảm dần. Xu hướng sụt giảm ghi nhận được là rõ ràng, ổn định và có ý nghĩa về mặt thống kê, từ mức trung bình 2,85 cuộc/doanh nghiệp năm 2016 xuống còn 2,1 cuộc/doanh nghiệp năm 2020.

Đặc biệt, theo báo cáo PCI, lần đầu tiên kể từ khi thực hiện PCI-FDI, số cuộc thanh tra, kiểm tra trung vị đã giảm xuống còn 1 cuộc, so với mức không đổi qua tất cả các năm là 2 cuộc.

Số liệu trong báo cáo PCI cũng xác nhận xu hướng các doanh nghiệp FDI không phải mất nhiều thời gian như trước cho việc tuân thủ các thủ tục, quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết đã phải dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm mạnh từ 41% năm 2019 xuống 33% năm 2020, cho thấy sự cải thiện rõ rệt và thực chất so với mức đỉnh năm 2012 và 2016.

Để phân tích chi tiết hơn, điều tra PCI-FDI yêu cầu doanh nghiệp nêu rõ các cơ quan đã thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp họ trong năm qua. Theo đó, an toàn phòng chống cháy nổ là lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhất (44%). Kế tiếp là thuế và kiểm toán, với tỷ lệ tương ứng 29% và 22%. Các lĩnh vực còn lại có gánh nặng thanh kiểm tra tương đối thường xuyên lần lượt là hải quan (16%), thanh tra môi trường (14%) và thanh tra lao động (13%).

Về gánh nặng thực thi đối với doanh nghiệp FDI qua thời gian, nhìn chung có xu hướng giảm. Ngay cả trong các lĩnh vực được quản lý chặt như an toàn phòng chống cháy nổ và thuế cũng xuất hiện xu hướng giảm rõ rệt về gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Năm 2015, quá nửa số doanh nghiệp FDI (56%) tham gia điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - viết tắt của Provincial Competitiveness Index) cho biết đã bị thanh tra, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ. Năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống 44%. Thanh, kiểm tra thuế cũng giảm mạnh, từ 40% năm 2016 xuống 29% năm 2020.

Ngoài ra, trong Báo cáo PCI, VCCI còn chỉ ra sự cải thiện rõ nét trong lĩnh vực môi trường. Năm 2020, chỉ có 14% doanh nghiệp FDI cho biết đã tiếp đón thanh tra môi trường, lĩnh vực từng bị coi là có gánh nặng thanh, kiểm tra lớn nhất (35% năm 2016). Trong khi đó, một số lĩnh vực như kiểm toán và hải quan không ghi nhận cải thiện nào đáng kể thời gian qua.

Hiểu về FDI và PCI

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.

(Ảnh minh họa)

Định nghĩa về FDI của Tổ chức Thương mại Thế giới: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư thường hay được gọi là "công ty mẹ" và các tài sản được gọi là "công ty con" hay "chi nhánh công ty".

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 như sau: "Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông".

Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và Doanh nghiệp có cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài đầu tư (góp vốn thành lập, mua vốn góp).

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ lần thứ hai, năm 2006 trở đi đến nay, tất cả các tỉnh thành Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, qua hơn 30 năm đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút FDI vào Việt Nam, dòng vốn FDI vào Việt Nam trải qua nhiều biến động theo tình hình kinh tế-xã hội của thế giới cũng như của khu vực.

Tổng vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng theo thời gian cả về lượng vốn và số dự án cùng với sự mở cửa, hội nhập và cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Qua hơn 30 năm thực hiện thu hút FDI, có tới hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào Việt Nam song nguồn vốn FDI chủ yếu tập trung ở các nhà đầu tư đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Trung Quốc, Hong Kong và Hàn Quốc là những quốc gia có tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Tiếp đến là các quốc gia Nhật Bản, Đài Loan. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu mặc dù là hai thị trường xuất khẩu chủ lực, đem lại thặng dư xuất khẩu lớn cho Việt Nam nhưng dòng vốn FDI từ các thị trường này vào Việt Nam còn rất hạn chế.

Nguồn vốn FDI có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua thông qua việc tạo vốn hay chuyển giao kinh nghiệm quản lý… Tuy nhiên, nguồn FDI đang bộc lộ nhiều hạn chế như vấn để chuyển giao công nghệ, ô nhiễm môi trường… Trong khi đó, cơ cấu dòng vốn FDI hướng nhiều vào bất động sản, gây nên những cơn sốt “ảo”, tình trạng đầu cơ trên thị trường… Điều này đặt ra yêu cầu cần lựa chọn dòng vốn FDI có chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/no-luc-chong-tham-nhung-khien-tinh-trang-nhung-nhieu-doanh-nghiep-giam-dang-ke.html

Bạn đang đọc bài viết "Nỗ lực chống tham nhũng khiến tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp giảm đáng kể" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin