"Nợ công đang bào mòn ngân sách với tốc độ lớn"

Nợ công ở mức báo động, gia tăng "chóng mặt" là những đánh giá của đại biểu Quốc hội đưa ra trước nghị trường. Các đại biểu lo ngại, về lâu dài, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam.

Là vấn đề không mới nhưng nỗi lo nợ công chưa bao giờ nguôi ngoai trong các phiên thảo luận của Quốc hội. Phát biểu tại hội trường ngày 1/4/2016, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá, nợ công hiện đã ở mức báo động cao.

Vị đại biểu nhận định, sự tích lũy nợ công tăng "chóng mặt" những năm gần đây, cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức nợ công của Chính phủ.

Trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP, tăng 4% trong năm 2015. "Tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn" - ông Vinh lo ngại.

Theo ông, đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay một cách tràn lan, xong đầu tư không đem lại hiệu quả. Để kìm hãm tốc độc phi mã của nợ công hiện nay, đại biểu Vinh đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay của các địa phương và các dự án lớn.

[caption id="attachment_137932" align="aligncenter" width="410"] Đại biểu Trần Ngọc Vinh bày tỏ mối lo ngại trước sự gia tăng nhanh chóng của nợ công
Đại biểu Trần Ngọc Vinh bày tỏ mối lo ngại trước sự gia tăng nhanh chóng của nợ công[/caption]

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng đề nghị phải cải thiện cơ chế chính sách nhằm giải phóng tiềm lực kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân, thay đổi cơ cấu nợ công, xây dựng một cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn.

Về tình hình bội chi ngân sách, trong báo cáo của Chính phủ năm 2016 thừa nhận tình hình bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP, bên cạnh những vấn đề như lãng phí đầu tư công, rút ruột công trình và nợ công không được xử lý ổn thỏa.

Đại biểu Vinh không khỏi lo ngại, về lâu dài, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam. Khi nguồn thu không đủ chi sẽ dẫn đến bội năm này qua năm khác không kìm hãm được sẽ không có tiền để trả nợ mà còn phải tiếp tục vay để trả nợ cũ.

Theo ông, vấn đề quản lý ngân sách nhà nước đang có vấn đề. Ngân sách không có tiền để đầu tư là điều rất nguy hiểm. Ông Vinh đề nghị, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ tới.

Nội dung này cũng được đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra tại bản tham luận của mình. Đại biểu Ngân cho biết, chỉ riêng năm 2015, kế hoạch vay nợ đã lên đến 436.000 tỷ đồng.

Ông Ngân nhận xét, với kế hoạch phát hành trái phiếu là 250.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước đã trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp trong việc huy động vốn. Việc giảm lãi suất ngân hàng lại càng khó khăn thêm.

Liên quan đến vấn đề về nợ Chính phủ vượt trần, ông Ngân đề nghị Chính phủ cần giải thích rõ hơn cho cử tri.

Trong bối cảnh nợ công vẫn gia tăng mạnh, đại biểu Bùi Mạnh Hùng góp ý, cần xem lại việc đánh giá tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý.

"Tôi đề nghị nên coi lại hai chữ "hợp lý", bởi vì thế nào là hợp lý và hợp lý theo tiêu chuẩn nào? Tôi cho rằng đánh giá như trên là còn cảm tính, phải chăng đây là một cách tự an ủi mình khi chúng ta không đạt được mục tiêu tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra? Đặc biệt, khi chúng ta đã phải chấp nhận nợ công ngày càng cao để duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng sự tăng trưởng kinh tế chỉ hợp lý khi sự tăng trưởng đó xuất phát từ chính sức mạnh nội lực của nền kinh tế" - ông Hùng kết luận.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin