Những kiến nghị đáng lưu ý của Đại biểu Quốc hội với công tác xây dựng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế

(Pháp lý). Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tại tổ về công tác xây dựng pháp luật, các Đại biểu Quốc hội đã có nhiều kiến nghị nhấn mạnh vấn đề kỷ luật, kỷ cương và chất lượng trong xây dựng luật. Trước tình hình rất khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài.
1-1684904314.jpg

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV

Kiến nghị tăng cường kỉ luật, kỉ cương, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng  pháp luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị có nội dung đánh giá khái quát về kết quả hoạt động lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong phần kiến nghị nêu một số giải pháp đề nghị Chính phủ, các cơ quan, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm để triển khai thực hiện tốt chương trình năm 2024, phấn đấu hoàn thành định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ của Quốc hội.

Nhìn lại chặng đường lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Lê Thanh Vân – đoàn Cà Mau đánh giá cao những kết quả nổi bật của Quốc hội khóa XV.

Thứ nhất, là QH có được Đề án trình Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ. Có được kết quả này có vai trò của Đảng đoàn Quốc hội. Trong bối cảnh thiếu đi nền tảng kế hoạch, kể cả quy hoạch về lập pháp cho cả nhiệm kỳ dẫn đến chương trình xây dựng pháp luật của từng năm bị động, cho nên việc ra đời định hướng chương trình này là một điểm sáng cho hoạt động lập pháp, tư duy chiến lược dài hơi hơn song hành với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc của mỗi nhiệm kỳ.

Thứ hai, là có phương thức lập pháp thích ứng với sự biến đổi của kinh tế - xã hội, đó là việc ban hành các Nghị quyết 30, Nghị quyết 35 của Quốc hội trao cho Chính phủ những quyền năng động hơn để đối phó với đại dịch là những điều chưa có tiền lệ trong hoạt động lập pháp.

2-1684904324.jpg

Đại biểu Lê Thanh Vân – đoàn Cà Mau

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Vân kiến nghị QH sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cho toàn khóa, căn cứ vào nghị quyết Đại hội Đảng mỗi khóa để hoạch định công tác lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó, hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh hàng năm. Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), việc thay đổi thường xuyên Chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Do đó, ông Vân đề nghị duy trì kỷ cương xây dựng pháp luật, hạn chế tối đa việc điều chỉnh. Khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế các quy phạm chính trị trong các văn bản pháp luật. Đặc biệt, ông đề nghị khi thành lập Ban soạn thảo xây dựng luật nên hạn chế thành viên trong các đơn vị chủ trì đề xuất, để mời các nhà khoa học, nhà chuyên môn và đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật tham gia.

ĐBQH Trần Thanh Vân - Đoàn Cà Mau  đề nghị Quốc hội nên coi tiêu chí xây dựng pháp luật, thể chế để đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đồng thời, xác định trách nhiệm của những người khởi xướng xây dựng thể chế.

Để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, đại biểu Nguyễn Văn Huy – đoàn Thái Bình kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua chương trình, đồng thời cũng phê chuẩn các chính sách do Chính phủ đề xuất và từ đó mới có điều kiện để giám sát việc luật hóa các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được sát hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.

Đặc biệt, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh – đoàn Khánh Hòa cảnh báo tình trạng dự thảo luật bao giờ cũng “cài cắm” những điều có lợi cho cơ quan xây dựng luật. Dù Quốc hội có thẩm tra và quyết định cuối cùng, nhưng cũng khó bao quát được hết các nội dung cài cắm này. Thực tiễn cho thấy không cơ quan nào khi xây dựng dự thảo luật không tính đầy đủ lợi ích của cơ quan mình, sau đó mới tính đến các yếu tố khác. Vì thế, có tình trạng luật được ban hành nhưng dễ cho cơ quan Nhà nước, nhưng khó cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đã diễn ra tại nhiều đạo luật và nhiều năm nay. “Cần trả lời một câu hỏi là công tác xây dựng pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong mỏi của người dân hay chưa?”, ông Thịnh nêu và cho rằng đây là vấn đề Quốc hội cần phải bàn và suy nghĩ thêm.

3-1684904324.jpg

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh – đoàn Khánh Hòa

Cảnh báo tình trạng dự thảo luật bao giờ cũng “cài cắm” những điều có lợi cho cơ quan xây dựng luật, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh kiến nghị không nên giao cơ quan quản lý lĩnh vực chủ trì xây dựng dự thảo luật, mà cơ quan này chỉ nên đóng vai trò một thành phần tham gia. Ngoài ra, Ban xây dựng luật cần bổ sung thêm các nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật để có tiếng nói khách quan, phản biện nhiều chiều. Quốc hội sẽ là người lắng nghe và cho ý kiến cuối cùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường), đề xuất khi cơ quan của Chính phủ đề xuất sửa đổi luật hoặc đề xuất bổ sung dự thảo luật vào chương trình lập pháp, cần làm rõ sự cần thiết, tác động. "Trách nhiệm sàng lọc thuộc về Bộ Tư pháp, Chính phủ, các cơ quan đề xuất".

Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường kỷ cương, yêu cầu cơ quan soạn thảo tuân thủ nghiêm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tinh thần là Chính phủ và cơ quan của Quốc hội "kiên quyết không đưa vào chương trình dự án luật chưa chuẩn bị kỹ, chưa đủ điều kiện, chưa rõ chính sách cơ bản và phạm vi điều chỉnh".

Nêu lên thực tế việc thay đổi điều chỉnh luật “đưa vào rút ra còn nhiều”, ĐB Hoàng Đức Thắng – đoàn Quảng Trị cho rằng việc này diễn ra nhiều năm nay và khá phổ biến. “Phải chăng vì công tác dự báo còn chưa cao, do thực tiễn đòi hỏi phải bổ sung, hay do kỷ luật, kỷ cương chưa được thực hiện nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện hay không”, ông Thắng nêu.

4-1684904324.jpg

ĐB Hoàng Đức Thắng – đoàn Quảng Trị

Theo ĐB Thắng, một số luật gửi đến ĐB Quốc hội còn rất chậm, không đảm bảo quy chế hoạt động của Quốc hội cũng như ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu của các ĐB Quốc hội. “Câu chuyện làm luật của chúng ta còn cập rập, vội vàng, chưa chắc chắn. Vì thế, “tuổi thọ” các dự án ngày càng trẻ hóa, một số dự án luật mới được 2 - 3 năm lại đưa ra sửa đổi, bổ sung”, ông Thắng nói và cho rằng, vấn đề này ngày càng trầm kha, dù được nói rất nhiều nhưng chưa giải quyết triệt để được. Cử tri rất quan tâm và yêu cầu phải mổ xẻ tình trạng này để có giải pháp căn cơ, không nể nang né tránh.

Về Chương trình năm 2023, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – đoàn Lạng Sơn đề nghị các cơ quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời phải có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vào năm 2025.

Trong phần phát biểu khai mạc kì họp thứ 5, QH khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu thực trạng một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động. Ông đề nghị các vị đại biểu phân tích, đánh giá làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong việc thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật. Từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Kiến nghị loạt giải pháp cấp bách và lâu dài để cứu doanh nghiệp, gỡ khó cho nền kinh tế

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã nêu rõ tất cả những biến động, khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang oằn mình gánh chịu. Nếu như ở kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), những biến động kinh tế, chính trị, xã hội, dịch bệnh mới chỉ được nhìn nhận ở nguy cơ, thách thức thì đến kỳ họp này doanh nghiệp đã "thấm đòn", thể hiện qua các nội dung như hầu hết doanh nghiệp khó vay vốn, đơn hàng mới không có, sản phẩm bán khó, chi phí đầu vào tăng.

5-1684904324.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo tại Kỳ họp. (Ảnh: QH)

Vướng mắc pháp lý, điểm nghẽn thủ tục hành chính được doanh nghiệp đánh giá chiếm 70% vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp và là rào cản lớn làm doanh nghiệp khó chồng chất khó. Báo cáo trước Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá là "có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu". 

Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TP.HCM,  cho rằng cần có những giải pháp cấp bách và lâu dài, một cách tổng thể để cứu nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, ông nhấn mạnh nhiều đến hai khó khăn chính là thị trường và vốn.

Ông Ngân đề xuất ngay lập tức có thể xây dựng một gói hỗ trợ an sinh xã hội nữa với nhiều mục đích khác nhau. Gói này vừa giúp giảm khó khăn cho những người lao động bị cắt giảm việc làm, hộ gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Hơn nữa, gói hỗ trợ an sinh xã hội sẽ giúp kích cầu, tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Song song đó, cần có chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng kiểm soát chất lượng tín dụng, không cho vay dưới chuẩn. Nếu cho vay dưới chuẩn thì có thể giải quyết vấn đề tăng trưởng nhưng có thể gây ra khủng hoảng tài chính ngân hàng.

6-1684904324.jpg

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế) phát biểu tại Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng cần sớm rà soát, xử lý các thủ tục gây cản trờ doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, với những khó khăn của nền kinh tế, càng cần tạo ra môi trường thông thoáng, rõ ràng để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện và phục hồi, phát triển. Việc Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân là điều rất cần thiết, phải sớm thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) cho rằng cần có chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và giải quyết nhanh hoàn thuế để giúp doanh nghiệp giảm áp lực và cải thiện dòng tiền. Cần đẩy mạnh và nhanh các dự án đầu tư công, giúp doanh nghiệp tham gia dự thầu. Đây là nguồn bù đắp cho đầu tư tư nhân đang bị thu hẹp do cầu thị trường sụt giảm.

Đặc biệt, cần có chiến lược hiệu quả để thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư FDI. Nhanh chóng đánh giá đầy đủ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu để giữ chân các nhà đầu tư hiện nay và thu hút các nhà đầu tư mới.

Đại biểu Trần Văn Khải (ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) cho rằng: Quốc hội cần giám sát việc cải cách hành chính, thảo luận sâu về các vấn đề liên quan để đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Đồng thời đề nghị Quốc hội cần có những giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.

Ông Nguyễn Đặng Hiến (phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM) hiến kế: Một trong những điểm nhấn trong nội dung kỳ họp Quốc hội lần này là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%. Việc giảm VAT trên thực tế đã cho thấy hiệu quả là ai cũng được hưởng lợi, kích cầu mua sắm nhiều hơn, ngân sách cũng thu nhiều hơn và đây là chính sách công bằng, tác động lan tỏa đến tất cả mọi người dân.

7-1684904324.jpg

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm

Đại biểu Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn thách thức nhưng sự chia sẻ của ngân hàng mặc dù là có nhưng chưa tương xứng với kỳ vọng, mức yêu cầu đặt ra để gắn kết. Do đó rất cần hệ thống ngân hàng có các biện pháp giải quyết khó khăn nội tại, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

Trong hàng loạt giải pháp đưa ra cho thời gian tới, Chính phủ đặt trọng tâm vào thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cũng như bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng. Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả.

Giải pháp về tiêu dùng, Chính phủ đặt mục tiêu có các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước. Cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng xuất khẩu, Chính phủ đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Thành Chung – Lê Phúc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin