(Pháp lý) - Tâm điểm của dư luận trong những ngày qua là phiên tòa xét xử các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Đại án được đánh giá là có nhiều “cái nhất” và còn không ít “điểm mờ”. Trong quá trình thẩm vấn công khai các bị cáo tại Tòa, nhiều sự thật bất ngờ được phác lộ. Những khoản hoa hồng lớn được chi ra cho ai trước và sau tái cấu trúc VNCB? Những “người khổng lồ” giấu mặt phải chịu trách nhiệm còn đứng ngoài pháp luật? Đó là những “điểm mờ” của đại án cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Những khoản hoa hồng “khủng” đi đâu?
Bằng các cách khác nhau, quá trình điều hành ngân hàng này, trên cương vị Chủ tịch HĐQT, Phạm Công Danh đã có hàng loạt sai phạm trong việc vay, cho vay gây thất thoát cho ngân hàng hơn 9.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong đó có nhiều khoản tiền thất thoát lớn được bị cáo Phạm Công Danh khai trước tòa, chủ yếu là chi cho việc “quan hệ” hay là tiền “hoa hồng”.
Bị cáo Danh khai trước khi tiếp nhận ngân hàng này, bị cáo đã chuyển cho ông Hà Văn Thắm (Ngân hàng Đại Dương) 500 tỷ đồng để chi chăm sóc khách hàng vì trước đó ông Thắm muốn mua lại ngân hàng này để tái cơ cấu nhưng không được đồng ý.
[caption id="attachment_146308" align="aligncenter" width="410"] Phạm Công Danh khai không nhớ, nhưng những khoản hoa hồng nghìn tỉ, chắc chắn sẽ còn lại dấu vết. Các cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ.[/caption]
Sau khi đã làm chủ VNCB, trong một phi vụ bị cáo Danh tiếp tục làm “hồ sơ khống” rút gần 600 tỷ đồng từ việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP.HCM). Số tiền này, theo bị cáo khai được sử dụng để trả nợ lãi tại Sacombank là 36,4 tỷ đồng, trả nợ cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hải Tiến 154,9 tỷ đồng, chi chăm sóc khách hàng 10,3 tỷ đồng; một số khác chi để tập đoàn sử dụng, nhưng không biết dùng vào khoản gì.
Ngoài ra, có nhiều khoản tiền chi ra nhưng Danh không giải trình được. Cụ thể, Danh đã gửi tiền sang Sacombank để rút tiền ra 1.854 tỷ đồng, trong đó để trả nợ món vay tại BIDV từ năm 2012 là 1.176 tỷ đồng, sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh 166,3 tỷ đồng nhưng Danh không giải trình được sử dụng cụ thể vào việc gì.
Khoản tiền này lớn và cần được truy suất “điểm đến” bởi chắc hẳn với số tiền lớn như vậy, các bị cáo sẽ chuyển khoản chứ khó có khả năng chuyển tiền mặt. Truy suất được khoản tiền đến và đi từ các tài khoản sẽ không bỏ lọt tội phạm và có thể góp phần thu hồi tài sản đã chiếm đoạt của nhà nước sau vụ án.
Mất tiền tại VNCB là lớn, nhưng những kẻ hưởng lợi giấu mặt là ai? Điều này phần nào được hé mở sau lời khai của Danh. Để có tiền tái cơ cấu, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho nhóm Trần Ngọc Bích (con gái của ông chủ Tân Hiệp Phát) vay tiền, bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm này. Sau khi hoàn tất thủ tục, VNCB chi nhánh Sài Gòn giải ngân và chuyển tiền vào tài khoản của Trần Ngọc Bích mở tại VNCB chi nhánh Sài Gòn. Tiếp đó, khi Phạm Công Danh muốn vay tiền thì thông qua Trang (Phố Núi) thỏa thuận, thống nhất với Bích điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định (các tài khoản này được ghi nhận là của Phạm Đình Thiêm và Phạm Công Danh).
Với những cách thức đó, chỉ trong vòng 7 tháng, hai bên đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích, với tổng số tiền VNCB đã giải ngân hơn 17.761 tỷ đồng, trong đó có 16.260 tỷ được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh. Cáo trạng cũng nêu rõ, đây là các khoản vay luân chuyển, khoản vay sau trả cho khoản vay trước, cộng với một phần Danh vay thêm nên các khoản vay sau sẽ nhiều hơn khoản vay trước. Số tiền khi được chuyển vào tài khoản Phạm Công Danh sử dụng để trả nợ cho nhóm Phú Mỹ, trả cho Bích để tất toán các khoản vay trước đó, một phần sử dụng cho các mục đích cá nhân khác. Cáo trạng cũng cho thấy tại cơ quan điều tra, Danh khai rằng để huy động được tiền gửi của nhóm Trần Ngọc Bích, Danh đã phải chi lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng từ 2- 4% theo từng thời điểm.
Theo đó, Danh nói tổng số tiền đã trả lãi ngoài cho nhóm này khoảng 2.500 tỷ đồng. Cáo trạng cũng nêu rõ, trong số hơn 63 tỷ đồng rút ra từ VNCB bằng đề án nâng cấp CoreBanking, Phạm Công Danh đã trực tiếp sử dụng 47,54 tỷ đồng để trả lãi vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích.
Việc trả lãi cao như vậy, phải chăng đã có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi? Nếu có thể xem xét để khởi tố bổ sung tội danh này, vạch trần lợi nhuận của bên cho vay, buộc hồi “trách nhiệm”, thiết nghĩ cũng là cách cứu vãn được tiền đã thất thoát của nhà nước trong vụ đại án này.
Trang Phố Núi, nhân vật bỏ trốn giấu mặt cần được làm rõ
Phạm Thị Trang, tức Trang Phố Núi, là nhân vật được nhắc nhiều trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát nghìn tỷ đang được Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. Theo các tài liệu của vụ án thì Trang là một “mắt xích” quan trọng của đại án. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, do Trang Phố Núi đã xuất cảnh ra nước ngoài, nên nhiều vấn đề có liên quan đến nhân vật này chưa được tiết lộ. Theo lời khai của các bị cáo cũng như người liên quan trong các phiên đã xét xử thì trong vụ rút hơn 63 tỷ đồng do lập hồ sơ nâng khống hệ thống corebanking, Phạm Thị Trang là cố vấn cho Phạm Công Danh. Công ty An Phát do bị cáo Phạm Việt Thép làm giám đốc (là anh trai của Phạm Thị Trang) lập ra để cho Danh mượn pháp nhân hợp thức hóa việc ký hợp đồng nâng cấp hệ thống corebanking nhằm rút tiền của VNCB.
Còn trong vụ liên quan rút 5.490 tỷ đồng không có chữ ký của nhóm Trần Ngọc Bích, Phạm Thị Trang là một mắt xích quan trọng. Trang Phố Núi là người mời Trần Ngọc Bích gửi tiền ở TrustBank, khi muốn vay tiền thì Trang thỏa thuận, thống nhất với Trần Ngọc Bích việc cầm cố sổ tiết kiệm, điều chuyển dòng tiền vào các tài khoản do Trang chỉ định và đến hạn trả nợ thì Trần Ngọc Bích thống nhất với Trang chuyển trả tiền vào tài khoản do Bích chỉ định.
Cần thiết có lệnh truy nã quốc tế để truy bắt và làm rõ những mối quan hệ này do Trang là mắt xích quan trọng sẽ giúp giải đáp những điểm mờ trong vụ án.
Bà Hứa Thị Phấn hưởng lợi không nhỏ sao chưa thấy truy trách nhiệm pháp lý?
Duyên nợ của Phạm Công Danh với VNCB được thiết lập là do một Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và Hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự liên quan giữa nhóm của bà Hứa Thị Phấn và nhóm của Phạm Công Danh.
Trước khi ông Danh điều hành VNCB, quá trình quản trị, điều hành nhóm bà Phấn đã có nhiều dấu hiệu sai phạm đẩy TrustBank vào tình trạng lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ 3000 tỷ của chính ngân hàng này. Tưởng như sẽ có một vụ án hình sự để truy cứu trách nhiệm các cá nhân gây nên thua lỗ tại TrustBank, thì nhóm của bà Phấn lại tài tình bán cổ phần, chuyển “đống đổ nát” TrustBank cho nhóm Phạm Công Danh.
[caption id="attachment_146309" align="aligncenter" width="410"] Bà Hứa Thị Phấn (người ngồi đầu tiên) tại Tòa - một người “hưởng lợi” nghìn tỉ sau thất thoát của VNCB[/caption]
Đã có đơn thư tố cáo về các sai phạm của nhóm bà Phấn được phản ánh từ những năm trước như bà Phấn đã mua nhiều bất động sản với giá rẻ, nâng giá lên để bán lại cho chính TrustBank nhằm rút ra hàng ngàn tỉ đồng. Đơn cử như căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận I, TP.HCM được bà Phấn bán cho TrustBank với giá 1.260 tỷ đồng, tương ứng đơn giá hơn 2 tỷ đồng/m2 đất. Liên tiếp các năm 2009, 2010, 2011, 2012, bà Phấn thông qua người khác vay 29 Hợp đồng tín dụng với tổng số nợ hơn 3.500 tỷ đồng với các tài sản thế chấp là đất nông nghiệp tại Huyện Nhà Bè với giá đất từ 8 – 32 triệu đồng/m2...
Bà Phấn đã ký Hợp đồng với nhóm Phạm Công Danh với nội dung chuyển giao cổ phần của nhóm bà Phấn cho nhóm Phạm Công Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Phạm Công Danh có trách nhiệm trả nợ khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng của nhóm bà Phấn và nhiều khoản tiền khác được bà Phấn rút của TrustBank trước đó.
Từ đó, Phạm Công Danh phải tiếp tục rút tiền từ “đống rác” TrustBank để trả tiền cho nhóm bà Phấn, tăng vốn điều lệ của chính TrustBank. Thiệt hại 9.000 tỷ đồng do Phạm Công Danh gây ra có 4.500 tỷ tăng vốn, hơn 3.500 tỷ trả cho bà Phấn.
Số tiền bà Phấn cùng nhóm của mình đã rút ra, hưởng lợi từ TrustBank lên đến hàng ngàn tỷ đồng với những dấu hiệu sai phạm thấy rõ, nhưng không hiểu lý do gì mà đã nhiều năm qua không được các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý. TrustBank không còn vốn điều lệ, tiền của TrustBank thực chất là tiền gửi của dân. Cho nên, các sai phạm của bà Phấn cần được xử lý nghiêm minh.
Nhòe mờ trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước?!
Sau khi được Ngân hang Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối VNCB (tên mới của TrustBank) trong khi ngân hàng này bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ Giám sát.
Tuy nhiên, với hậu quả để lại của Phạm Công Danh và đồng phạm, cho thấy tổ giám sát đã thiếu trách nhiệm. Đã có vụ án và trách nhiệm hình sự đặt ra. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định tách vụ án 4 bị can là thành viên Tổ Giám sát của NHNN tại VNCB thành vụ án hình sự số 05/C46(P10) ngày 11/3/2016 về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của tổ giám sát này thì trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là không hề nhỏ trong việc để VNCB âm vốn gấp 5 lần vốn điều lệ!?
Mai Mai (tổng hợp)