(Pháp lý) - Số lượng sách nước ngoài được xuất bản tại Việt Nam ngày một nhiều. Ngoài những tiểu thuyết, sách văn hóa đơn thuần thì phải kể đến những cuốn sách mang tính chính trị, xã hội nhưng lại chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn... và đặc biệt là có khả năng thức tỉnh con người.
“Con của Noé”: Khi yêu thương mạnh hơn mọi tôn giáo
Tôn giáo mang đến cho người ta đức tin, nhưng đôi khi đức tin không đủ để làm nên sức mạnh. Yêu thương lại khác, nó tôi rèn những trái tim dũng cảm và dạy ta biết khoan dung. Tội ác diệt chủng của quân đội Phát xít dưới quyền Hitler đối với những người Do Thái là tội ác thảm khốc nhất của nhân loại. Hơn 6 triệu người Do Thái đã bị thiêu sống, bị giết bằng khí độc và bị bắn chết trong các trại tập trung. Từ nỗi đau khôn cùng đó, nhà văn Pháp Éric-Emmannuel Schmitt dùng văn chương để kể nên câu chuyện đầy cảm động mang tên “Con của Noé”.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là cậu bé bảy tuổi Joseph. Vào năm 1942, khi làn sóng đàn áp và thảm sát người Do Thái của Quốc xã lên đến đỉnh điểm Joseph tội nghiệp buộc phải rời xa cha mẹ để bảo đảm an toàn. Cậu bé được cha Pons, một linh mục Công giáo mẫu mực cưu mang cùng hàng chục đứa trẻ người Do Thái khác tại Villa Jaune. Để đảm bảo an toàn cho bọn trẻ, cha Pons đã dạy chúng nói dối. Nếu được hỏi, bọn trẻ phải nói rằng mình là người Công giáo, phải đi nhà thờ Công giáo và thực hiện những nghi lễ như một giáo dân đích thực. Nhưng trong huyết quản của Joseph và các bạn cậu, dòng máu Do Thái, dòng máu của một dân tộc anh hùng vẫn chảy.
Mới bảy tuổi, phải đối mặt với chiến tranh, súng đạn và sự tàn sát là điều khủng khiếp đối với Joseph. Mỗi ngày trôi qua, cậu bé đều cảm nhận được sự nguy hiểm đang lơ lửng trên đầu. Với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, Joseph chỉ hiểu rằng: mình có thể phải chết vì mình là người Do Thái. Bởi vậy, Joseph luôn ước mình là một đứa trẻ Công giáo thực sự. Cậu bé ngoan ngoãn thực hiện những nghi lễ trong nhà thờ Công giáo. Bằng tình yêu và tất cả sự nhẫn nại, cha Pons đã xua tan nỗi sợ ấy. Người Do thái là một dân tộc vĩ đại, không một ai, kể cả Hitler và cuộc tàn sát man rợ của quân đội Quốc xã, được xóa bỏ điều ấy. Cha Pons đã đem đến nguồn sức mạnh cho Joseph. Bằng bản năng yêu thương của một đứa trẻ, Joseph lại trở thành chỗ dựa cho vị linh mục. Cậu bé đã ở bên “người bạn lớn” của mình với những cái ôm giúp ông xua tan tuyệt vọng và bất lực. Hai con người, ở hai dân tộc và hai tôn giáo khác nhau đã được gắn kết bằng sức mạnh vĩnh hằng của yêu thương. Vị linh mục Công giáo tận tụy ấy dạy Joseph về Do Thái giáo và văn minh lịch sử của người Do Thái không đơn thuần chỉ để giáo dục một con người. Cha Pons muốn giữ lại những giá trị văn hóa phong phú của một dân tộc. Trái tim và khối óc của một cậu bé Do Thái có tinh thần tự tôn dân tộc sẽ là nơi lưu giữ tốt nhất cho những “báu vật” ấy.
Theo truyền thuyết trong kinh thánh, Noé (Noah) xây con thuyền lớn để cứu muôn loài khỏi cơn đại hồng thủy. Còn cha Pons, vị linh mục Công giáo nhân từ, đã dùng tình yêu để cứu những tâm hồn Do Thái lưu lạc và bơ vơ. Hành động ấy còn vĩ đại hơn tất thảy mọi huyền thoại! Mang nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc nhưng Con của Noé được Eric-Emmannuel Schmitt kể bằng văn phong nhẹ nhàng và giàu tình cảm. Ở đó, ta vẫn thấy Joseph hiện lên với những phút giây thật hồn nhiên đúng với tuổi của cậu bé. Trong hoàn cảnh hiện nay, với những mâu thuẫn, khác biệt, phức tạp của các tôn giáo thì Con của Nóe là tiểu thuyết thức tỉnh về sự yêu thương, khoan dung, tôn trọng giữa con người với con người, bất kể họ khác biệt về tôn giáo.
Trở về tuổi thơ: Tiểu thuyết nhắc nhở về thảm họa hạt nhân
Bằng một tiểu thuyết có cái tên nhẹ nhàng là “Trở về tuổi thơ” bậc thầy kể chuyện người Anh đã đem đến lời cảnh tỉnh sâu sắc về những hiểm họa mà các công trình hạt nhân gây ra. Nhân vật chính của tác phẩm là cậu bé Micheal nhút nhát. Tuổi thơ của Michael là những ngày tháng yên ả ở ngôi làng Bradwell thanh bình, bên những người hàng xóm tốt bụng. Bà Pettigrew là một người phụ nữ ngoại quốc, sống tách biệt với dân làng. Bà sống trong một toa tàu ở gần vùng đầm lầy.
Được đến thăm nhà của bà là một điều Micheal chưa bao giờ nghĩ tới. Kể từ đây cậu bé nhút nhát và bà lão trở thành những người bạn. Toa tàu này gắn liền với những kỷ niệm của bà Pettigrew và người chồng quá cố nên nó trở thành một phần cuộc sống của bà.
Khác hẳn với vẻ ngoài lạnh lùng, thờ ơ và khó gần, bà Pettigrew là một người yêu động vật, thích sống gần gũi với thiên nhiên. Sau những lần thăm dò, họ trở thành những người bạn thân. Tuy nhiên bỗng chốc cuộc sống thanh bình của làng Bradwell bị phá vỡ kể từ khi nơi đây được chọn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Không muốn điều này hủy hoại ngôi làng và môi trường nên bà Pettigrew đứng lên dùng tất cả lý lẽ và tình yêu của mình để bảo vệ vùng đầm lầy. Đó không chỉ là nhà của bà, mà còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim di trú như dẽ, mòng biển, sếu đầu đỏ, le le, diệc và chiền chiện. Nhưng mọi nỗ lực của bà Pettigrew, Micheal, mẹ cậu bé và ông Jack Khùng đều vô dụng. Họ phải chuyển nhà đi... Năm mươi năm sau, cậu bé Micheal thuở nào mới có cơ hội quay về thăm làng Bradwell. Trong suốt thời gian xa cách, lúc nào Micheal cũng nhớ về ngôi làng mà mình đã sống suốt thời thơ ấu với nỗi buồn vô hạn. Bởi có những thứ khi đã mất đi, chúng ta không có cơ hội để tìm lại.
Nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa từ nhiều năm trước, nhưng nó đã biến ngôi làng thành một nơi hoang tàn và buồn tẻ. Vùng đầm lầy trù phú trước kia giờ chỉ là một khu nhà máy bỏ hoang với những bức tường bê tông xám xịt và lạnh lẽo. Bầu trời xanh thẳm cùng đàn chim di trú đã lùi vào dĩ vãng. Ngôi làng Bradwell xinh đẹp chỉ còn trong ký ức của cụ Micheal.
“Trở về tuổi thơ” là câu chuyện sống động với nhiều cung bậc cảm xúc. Nhà văn người Anh Michael Morpurgo không chỉ thành công với lối kể chuyện tình cảm, ông còn có óc quan sát tinh tế và ngòi bút miêu tả có hồn. Thiên nhiên của vùng đầm lầy miền Nam nước Anh đầu thế kỉ XX hiện lên trong tác phẩm đầy sống động. Tiểu thuyết này nhắc nhớ về những hậu quả tai hại của những công trình hạt nhân, nó bào mòn cuộc sống cũng như tâm hồn của những người gắn bó với đất, nước và rừng.
“Nước Mỹ nhìn từ bên trong”: Thức tỉnh dân Mỹ
Năm qua, sự kiện chính trị Quốc tế làm cả thế giới bất ngờ đó là Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, tại sao ông ấy trúng cử. Điều ấy phần nào được lý giải trong cuốn sách “Nước Mỹ nhìn từ bên trong”. Trong sách, Donal Trump viết: Tôi chả lạ gì. Suốt nhiều năm, tôi đã tặng tiền, rất nhiều tiền, cho các ứng viên từ cả hai đảng, những người đích thân cầu khẩn tôi ủng hộ cho chiến dịch của họ. Họ đều hứa hẹn thay đổi mọi thứ bằng các ý tưởng mới rồi đem chính quyền trở lại như cũ, bó hẹp hơn trong mục tiêu bảo vệ đất nước và đặt người dân lên hàng đầu. Hết ứng viên này đến ứng viên khác đưa ra đủ loại lời hứa như thế, và có rất ít điều (nếu có chăng nữa) được thực hiện. Bao nhiêu trong số những vấn đề đó được giải quyết? Hầu như chẳng có tiến triển gì ở Washington.
“Tôi nhận ra rằng nước Mỹ không cần thêm những chính trị gia “chỉ nói suông” điều hành nó nữa. Nước Mỹ cần những doanh nhân thông minh hiểu cách quản lý. Chúng ta không cần thêm những màn hùng biện chính trị nữa, mà chúng ta cần thêm sự hợp lẽ. “Nếu nó không hỏng, thì đừng sửa nó”, song nếu nó đã hỏng, thì hãy ngừng nói để còn sửa chữa. Tôi biết cách sửa nó”.
Donald Trump xây nhà. Donald Trump mở những sân golf tráng lệ. Donald Trump thực hiện những vụ đầu tư tạo ra việc làm. Và Donald Trump tạo công việc cho những người nhập cư hợp pháp và toàn bộ người Mỹ. Ngay cả những phóng viên chán chường nhất cũng dần nhận thấy Donald Trump là thật và rằng người ta đang hưởng ứng một ai đó hoàn toàn khác biệt với mọi chính trị gia khác. “Không ai trả tiền để tôi nói những điều này. Tôi đang tự trả phí tổn để đi con đường của mình, và tôi không chịu ơn bất cứ nhóm đặc lợi hay giới vận động hành lang nào. Tôi không chơi theo luật thông thường hiện hữu.Tôi không phải một chính trị gia đang thực hiện các cuộc điều tra dư luận để xem mình nên “tin” hay nói điều gì. Tôi đang nói về các vấn đề như thực tế đang xảy ra, và chạm đến cốt lõi của thứ mà tôi nghĩ là sẽ khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại. Tôi không phải một nhà ngoại giao muốn ai nấy đều vui. Tôi là một doanh nhân thực tế vốn hiểu rằng khi đã tin vào điều gì, bạn sẽ không bao giờ ngừng lại, bạn sẽ không bao giờ từ bỏ, và nếu bị đánh gục, bạn sẽ đứng dậy ngay lập tức và tiếp tục chiến đấu đến khi nào chiến thắng. Đây đã là chiến lược suốt cuộc đời tôi, và tôi đã làm theo cách đó để thành công...Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho đất nước của chúng ta đến khi nào nó hùng mạnh trở lại. Quá nhiều người tin rằng giấc mơ Mỹ đã chết, nhưng chúng ta có thể mang nó trở lại, lớn lao hơn, tốt đẹp hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ”. Có thể nói, những lời hùng biện trên của doanh nhân Donald Trump mà hiện nay là Tổng thống Mỹ đã thức tỉnh nước Mỹ.
“Khi loài cá biến mất”: Cảnh báo về thảm họa môi trường
“Khi loài cá biến mất” là một tác phẩm được chấp bút bởi Mark Kurlansky và họa sĩ minh họa Frank Stockton. Trước khi bắt đầu với nghiệp viết lách Mark từng là một ngư dân, thích câu cá và lênh đênh trên biển. Chứng kiến đại dương đang bị phá hủy bởi con người, tác giả hy vọng cuốn sách sẽ như một hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức của mọi người trước khi quá muộn.
Mark Kurlansky dành phần lớn thời lượng cuốn sách của mình để phân tích vấn đề đánh bắt cá bừa bãi. Cá cung cấp một lượng protein rất tốt cho cơ thể và loài người từ thời kỳ cổ xưa đã nhận thức được nguồn thực phẩm quý giá này trong tạo hóa. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp, đầu máy hơi nước ra đời kéo theo những loại tàu đánh bắt mang tính chất hủy diệt. Những nghiệp đoàn nghề cá có thể tuyệt diệt một vựa hải sản chỉ sau một đêm bằng cách sử dụng lưới quét. Cá biến mất sẽ dẫn đến sự mất cân bằng về chuỗi thức ăn, kéo theo những loài động, thực vật khác biến mất. Toàn bộ hệ sinh thái của đại dương đang đứng trước nguy cơ bị biến mất hoàn toàn trong tương lai không xa và loài người sớm muộn sẽ trở thành nhân chứng bất lực của cuộc đại hủy diệt. Cá, nguồn thực phẩm cần thiết với con người đã kéo theo sự tiến bộ của văn minh nhân loại, thậm chí sức mạnh này còn lớn lao tới nỗi việc tồn tại của chúng còn ảnh hưởng mạnh mẽ lên các thể chế chính trị. Cuốn sách lấy ví dụ minh họa về cuộc đụng độ trên biển của tàu đánh cá Anh và lực lượng tuần tra bờ biển Iceland, dấy lên cuộc chiến tranh Cá Tuyết và phải giải quyết vấn đề tranh chấp trên tòa án quốc tế.
Mỗi ngư trường cá là một “mỏ vàng” sống của nền kinh tế. Mặc dù những vấn đề được đề cập trong cuốn sách có vẻ to tát nhưng cách dẫn dắt của tác giả Mark Kurlansky lại vô cùng ngắn gọn, khúc chiết và súc tích. Bởi đối tượng hướng đến của “Khi loài cá biến mất” không chỉ là người trưởng thành, mà còn phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu khoa học của độc giả trẻ. Đánh bắt cá bừa bãi tạo nên một hiệu ứng cánh bướm khiến toàn bộ đại dương bị ảnh hưởng. Nếu không có sự chung tay của mọi người vấn đề sẽ lại quay trở về tình trạng “cha chung không ai khóc” và hàng tấn cá sẽ lại bị đổ phí phạm ra biển bởi những hạn ngạch và luật lệ vô lý.
Vô hình trung loài người đang tự treo đầu mình lên máy chém chờ ngày hành quyết khi tàn phá tự nhiên biển không thương tiếc. Điều này phản ánh rõ ràng nhất, đồng thời cũng là nét chấm phá khác biệt của cuốn sách thông qua mẩu truyện tranh nhỏ của cha con Kram và Ailat. Câu chuyện kết thúc với một câu hỏi như xoáy vào tâm can người đọc của cô con gái Ailat khi hướng đôi mắt ra bờ đại dương đang chết và tò mò: “Mẹ ơi, cá là gì ạ?”
Ở nửa cuối của cuốn sách, tác giả đã đề cập tới việc xả thải ô nhiễm môi trường cũng tác động không hề nhỏ đến môi trường sống của các sinh vật đại dương. Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến cá không còn nhận được vị mặn của đại dương để sinh sản. Mark Kurlansky đã phơi bày một trong những thảm họa ít được biết đến trong thời đại của chúng ta. Một cuốn sách đặc biệt phù hợp trong tình hình bối cảnh thiên nhiên đang bị ô nhiễm hiện tại.
PV