Nhiều lá phiếu gạch gần hết ứng viên, chỉ bầu một người

“Toàn thôn Thuận An có gần 1.000 cử tri nhưng chỉ 700 phiếu bầu HĐND xã là chọn 5 người. Số còn lại gạch gần hết, chỉ để một đại biểu”, ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) cho biết.

Theo danh sách niêm yết, xã Tam Quang có gần 9.800 người được phát thẻ cử tri để tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Đến 17h ngày 22/5, Ủy ban bầu cử huyện Núi Thành báo cáo chỉ còn 448 người chưa đi bầu cử. Tuy nhiên, hơn 2 tiếng sau, khi đã kiểm phiếu xong, huyện Núi Thành lại báo vẫn còn hơn 1.900 người chưa bỏ phiếu, trong đó hơn 1.700 cử tri thuộc xã Tam Quang.

Sự việc khiến lãnh đạo địa phương lo lắng báo cáo lên, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND Quảng Nam cùng một số lãnh đạo tỉnh lập tức có mặt tại xã này trong đêm để kiểm tra.

"Qua kiểm tra, chúng tôi thấy danh sách cử tri không có mặt ở nhà như học sinh đi học, ngư dân đi biển biết không về kịp, đáng lẽ phải loại ra nhưng xã vẫn để lại. Lúc đầu (17h) xã báo cáo con số thực ở nhà, sau đó (sau 19h) xã lại cộng vào những cử tri không có mặt nên con số mới tăng lên. Trong số người không đi bầu có hơn 1.500 người không có mặt ở nhà. Tôi đã yêu cầu địa phương loại số này đi mới ra con số cử tri thật. Tôi đã phê bình rồi", ông Thu cho hay.

[caption id="attachment_141070" align="aligncenter" width="410"] Theo danh sách niêm yết, xã Tam Quang có gần 10.000 cử tri nhưng chỉ có hơn 8.000 người đi bỏ phiếu. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo danh sách niêm yết, xã Tam Quang có gần 10.000 cử tri nhưng chỉ có hơn 8.000 người đi bỏ phiếu. Ảnh: Tiến Hùng.[/caption]

Ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cũng cho biết, sau khi trừ con số "ảo" ra, xã chỉ còn 176 người không đi bầu. "Đây mới là con số thật. Xã đang thu hồi những thẻ cử tri đã phát", ông Định nói và phủ nhận việc trước đó đã báo cáo khống số liệu cử tri đi bầu để nhận thành tích.

Trong báo cáo của Ủy ban bầu cử Quảng Nam, tỷ lệ người bỏ phiếu đạt 99,97%. và là một trong những tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất nước. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 1,1 triệu cử tri, nhưng chỉ có 340 người không đi bỏ phiếu.

Cũng tại huyện Núi Thành, ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết đã nhận được sự đồng ý của cấp trên cho phép bầu lần 2 ở thôn Thuận An. Theo ông Hữu, trong phiếu để bầu HĐND xã, có 8 người ứng cử để chọn ra 5 đại biểu thì hàng trăm lá phiếu lại gạch quá nhiều người ứng cử khiến khi kiểm phiếu chỉ có 3 người vượt quá bán.

“Toàn thôn Thuận An có gần 1.000 cử tri nhưng chỉ có 700 phiếu bầu HĐND xã là chọn 5 người. Số còn lại gạch rất nhiều ứng viên, có nhiều phiếu chỉ chọn một đại biểu, còn lại gạch hết”, ông Hữu nói và cho hay việc người dân gạch quá nhiều ứng cử viên là cố tình, bởi chính quyền đã tuyên truyền rất tốt, không có chuyện người dân không hiểu luật bầu cử.

"Khóa bầu cử trước, 2 thôn tại xã này cũng phải bầu cử lần 2 vì tình trạng tương tự. Dự kiến chủ nhật tuần này chúng tôi sẽ đưa ra danh sách 5 người vừa không quá bán để người dân tiếp tục bầu, chọn ra 2 đại biểu. Người dân chắc chắn rất bực mình vì mất thời gian, lần này không biết họ có chịu đi bỏ không”, ông Hữu nói.

[caption id="attachment_141071" align="aligncenter" width="410"] Trong báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ bỏ phiếu đạt 99,97%, trở thành một trong những tỉnh đứng đầu về tỷ lệ người đi bầu cử cao. Ảnh: Tiến Hùng.
Trong báo cáo của tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ bỏ phiếu đạt 99,97%, trở thành một trong những tỉnh đứng đầu về tỷ lệ người đi bầu cử cao. Ảnh: Tiến Hùng.[/caption]

Tổng thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đã trao đổi với UBND tỉnh Quảng Nam và được biết số lượng người dân không đi bầu cử rải rác ở nhiều thôn, xã chứ không phải tập trung một nơi. Việc địa phương số lượng cử tri không đi bầu nhiều là do chính quyền siết chặt quy định không được bầu hộ, bầu thay.

Đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia chưa nhận được văn bản nào đề nghị tổ chức bầu cử thêm, bầu cử lại. Tuy nhiên, nếu có trường hợp yêu cầu do đại biểu được bầu chưa đủ số lượng thì Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xem xét quyết định. "Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri sẽ chọn bầu trong danh sách người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu các ứng viên vẫn không trúng cử thì phải chấp nhận", ông Phúc cho hay.

Điều 79 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định về bầu cử thêm:

Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Quốc hội chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử ở tỉnh để đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định việc bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó.

Trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai.

Theo Vnexpress

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin