Nhiều địa phương không rõ người bị kết án đi đâu làm gì

Đây là một trong những nhận định của Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao tại hội thảo tổng kết thực tiễn thi hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo diễn ra hôm nay (4-11).

Hội thảo nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các quy định về án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam, thực tiễn thi hành các quy định này, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng và kiến nghị những nội dung sửa đổi, bổ sung.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội thảo
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội thảo)

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, mặc dù TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01 và nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng chế định án treo và nội dung các hướng dẫn đều khá cụ thể nhưng thực tiễn áp dụng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất.

Chẳng hạn, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01 hướng dẫn về “có nhân thân tốt”. Tuy nhiên, hướng dẫn này chưa hợp lý ở chỗ, nếu bị cáo phạm tội không đủ định lượng nhưng do có tiền án, tiền sự mới bị truy tố, xét xử. Như vậy, việc xem tiền án, tiền sự vừa là tình tiết định khung cơ bản, vừa là tình tiết nhân thân để không cho bị cáo hưởng án treo sẽ gây bất lợi cho bị cáo (vì một tình tiết được áp dụng hai lần)...

Mặt khác, trong quá trình điều tra, hầu hết cơ quan điều tra chỉ xác minh về lý lịch, còn nhân thân của bị can, bị cáo xác minh sơ sài. Vì vậy, khi xác định là chưa có tiền án, tiền sự thì một số HĐXX đã coi bị cáo là có nhân thân tốt, còn các yếu tố khác như: “...tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm...” chưa được điều tra làm rõ.

Cũng theo Vụ Pháp chế, Nghị quyết 01 cũng có một số hướng dẫn “cứng nhắc, chưa hợp lý” như quy định không cho hưởng án treo khi bị cáo bị xét xử trong một lần về nhiều tội.

“Có trường hợp bị cáo nữ đang mang thai, đi trộm cắp tài sản nhiều lần, một lần 3 triệu đồng, một lần 4 triệu đồng, bị xét xử về tội “trộm cắp tài sản” với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Theo quy định trên thì không cho hưởng án treo trong khi hành vi của bị cáo không thực sự là nghiêm trọng”- báo cáo dẫn chứng.

Nghị quyết số 01 cũng hướng dẫn: “Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng”.

Nội dung hướng dẫn này có thể được hiểu là đối với những người phạm vào tội tham nhũng thì việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo sẽ gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống tội phạm. Như vậy, quy định trên đã gây khó hiểu cho người áp dụng. Nếu các tội phạm về tham nhũng không thể cho hưởng án treo thì có thể đưa nội dung này quy định tại các trường hợp không cho hưởng án treo để thống nhất áp dụng...

Cũng theo báo cáo của Vụ Pháp chế, liên quan đến vấn đề chấp hành án của người được hưởng án treo, thực tiễn cho thấy người được hưởng án treo thường có tâm lý chung là không phải đi chấp hành hình phạt tù, được làm việc, lao động sản xuất ở nhà, nên không ít người còn coi án treo không phải là bị kết án. Một số biết bản thân đang phải chấp hành thời gian thử thách án treo nhưng có thái độ chống đối, bất cần, coi thường pháp luật hoặc chây ỳ, cố tình trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ chấp hành án, dẫn đến tình trạng án treo chỉ tồn tại trên giấy tờ, hồ sơ mà không có giá trị, hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, không có giá trị cải tạo đối với người phạm tội.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều địa phương quản lý giám sát đối với những bị án được hưởng án treo lỏng lẻo, người được hưởng án treo thường xuyên đi làm ăn xa nhà, không khai báo đầy đủ, thậm chí có địa phương còn không biết người bị kết án đi đâu làm gì, địa phương hầu như không có biện pháp giáo dục nào được thể hiện trong hồ sơ quản lý án treo.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin