Luật Quảng cáo năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện.
Bán quảng cáo sai quy định
Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) dẫn ra trong tài liệu tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai kế hoạch 2019 của ngành TT&TT, 43% người dùng Việt Nam tiếp cận sản phẩm thông qua quảng cáo trực tuyến (theo https://www.consumerbarometer.com), doanh thu quảng cáo số ước đạt 663 triệu USD năm 2018, đứng thứ 35 thế giới với thị phần, chủ yếu qua các công cụ quảng cáo trên mạng xã hội (khoảng 557 triệu USD) (theo https://www.statista.com).
Một số liệu khác liên quan đến lĩnh vực nội dung số cũng cho thấy, 70% quảng cáo số sử dụng nền tảng của Facebook và Google.
Thế nhưng, theo thông tin ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT) cung cấp cho báo chí, Facebook đang né tránh việc thành lập văn phòng đại diện để có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.
Người đứng đầu Cục PTTH&TTĐT cho rằng, không có lý gì một doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam, kiếm hàng trăm triệu USD ở Việt Nam mà lại không có ý định tuân thủ pháp luật. Facebook không nộp thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp... Thế nhưng, trong thời gian đó, các khoản tiền mà người sử dụng quảng cáo thanh toán cho Facebook vẫn đi qua các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, việc Facebook bán quảng cáo không phải là hoạt động thương mại điện tử mà là hành vi một cá nhân, tổ chức hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam nhưng không tuân thủ pháp luật Việt Nam.
“Luật pháp Việt Nam không cho phép một công ty như Facebook bán quảng cáo trực tiếp mà không thông qua các cơ quan đại diện tại Việt Nam. Mạng xã hội này đang giết các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam do sự bất bình đẳng” - ông Lâm nói.
Nhà nước thất thu nguồn thuế lớn
Vậy, luật pháp Việt Nam quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài như thế nào? Theo Luật Quảng cáo 2012, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo. Còn người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân dùng phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác.
Điều 39 Luật Quảng cáo 2012 nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam theo quy định của Luật này” và “Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện”.
Theo Điều 40, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việc hợp tác, đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định pháp luật về đầu tư.
Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam (khoản 1); Văn phòng đại diện được hoạt động khi có giấy phép của UBND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng đại diện (khoản 2); Văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo (khoản 3)...
Như vậy, đối với doanh nghiệp nước ngoài, muốn tiến hành hoạt động thương mại quảng cáo tại Việt Nam phải tuân thủ luật Quảng cáo 2012. Theo đó doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài lập văn phòng đại diện tại Việt Nam (khoản 1 Điều 41 Luật Quảng cáo 2012), tuy nhiên văn phòng đại diện nước ngoài chỉ được phép xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo (khoản 3 Điều 41 Luật Quảng cáo 2012). Khi đó để hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo, doanh nghiệp nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (khoản 1 Điều 40 Luật Quảng cáo 2012).
Chính vì thế, doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam mà không tuân thủ các quy định trên của Luật Quảng cáo 2012 là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, hiện tại, các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook ngang nhiên bỏ qua quy định này và giao kèo trực tiếp với các đơn vị có nhu cầu quảng cáo tại Việt Nam.
Tình trạng này dẫn tới việc cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không kiểm soát được nội dung quảng cáo, đặc biệt là tình trạng quảng cáo chính trị mà Cục PTTH & TTĐT đã chỉ ra gần đây trên Facebook. Đồng thời, doanh thu quảng cáo cũng bị “chảy máu” ra nước ngoài và Nhà nước thất thu một nguồn thuế khổng lồ, trong khi các doanh nghiệp nội dung số trong nước thì thiệt hại thị phần.
Do đó, cần siết lại các quy định để thực thu nghiêm túc Luật Quảng cáo, đặc biệt là yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới phải kinh doanh quảng cáo thông qua đơn vị hợp tác trong nước theo đúng quy định của pháp luật quảng cáo.
Cần thêm chế tài
Được biết, Bộ TT&TT đang có kế hoạch với những biện pháp mạnh mẽ hơn để buộc các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Facebook, tuân thủ pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật quảng cáo nói riêng. Để triển khai hiệu quả nhanh các quy định pháp luật đã có sẵn trong Luật Quảng cáo 2012, nhiều ý kiến cho rằng Bộ TT&TT cần làm việc sâu sát với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cùng nhau đạt được mục tiêu quản lý kinh doanh quảng cáo của các doanh nghiệp nước ngoài trên không gian mạng internet.
Nếu doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ, mà “phớt lờ” quy định của pháp luật Việt Nam, tiếp tục hoạt động quảng cáo bất hợp pháp, cơ quan quản lý nhà nước cần có cả giải pháp về kinh tế và kỹ thuật để buộc họ phải tuân thủ, do các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới đều có khả năng tài chính lớn, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo lớn, mà các hình phạt hành chính hiện hành lại không đủ sức răn đe.
Hơn nữa, để siết việc tuân thủ pháp luật quảng cáo, nên chăng cần xem xét bổ sung thêm quy định cấm thanh toán dịch vụ quảng cáo thông qua hình thức thẻ thanh toán quốc tế, theo đó, giới hạn lại chỉ cho phép thanh toán dịch vụ thông qua đơn vị hợp tác tại Việt Nam hoặc thanh toán thông qua hệ thống thanh toán nội địa để qua đó cơ quan quản lý có cơ sở tính thuế và thu thuế.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/doi-song-so/nhan-dien-vi-pham-cua-facebook-tai-viet-nam-435756.html