Với tác giả của tiểu thuyết "Quyên", cái khó nhất trong đời sống con người là tự khám phá mình để vượt qua được chính mình.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - nổi tiếng với Phố cũ, Quyên, Vợ cũ. Ông cũng nổi tiếng với tính “nóng nảy” nhưng lại hay… mau “nước mắt”. Tâm sự trước thềm năm mới của một nhà văn có nhiều trải nghiệm và trang viết thấm đẫm những thân phận con người, như một lời bộc bạch chân tình.
Cuộc sống của tôi vốn đầy dang dở và buồn phiền
- Được biết, hiện tại, ông vẫn chưa khỏe, và có vẻ như, cho dù không thể hiện quá nhiều, ngoài câu nói: “Các ông đang ngồi với phần hồn của Nguyễn văn Thọ, chứ không phải phần xác, phần xác của Nguyễn Văn Thọ chết từ hôm gặp tai nạn rồi”. Có vẻ như, đây là một sự thay đổi không hề nhẹ?
- Tháng 9 năm nay, tôi bị tai nạn xe cộ khá nặng. Nửa đêm nằm ngất giữa đường vắng, may sao gặp vài người công nhân sửa chữa đường xá đi làm đêm về, thấy và cứu. Tôi đã ngất đi rất lâu và sau này nhớ lại, hình như tôi đã trôi qua một giấc mơ đi gặp con gái tôi.
Sau này hỏi lại, khi tôi bị bị nạn, thấy lúc tôi cựa quậy rên la, người taxi đã hỏi tên để tra số điện thoại của con gái tôi. Nhớ lại, trong giấc mơ đã qua, tôi không thấy mình đau đớn gì, dù là khi tỉnh lại trong bệnh viện, tôi rất đau đớn vì xương má và xương bả vai bị gẫy, lông mày mắt rách một vệt dài, máu chảy đầm áo. Đây là trải nhiệm duy nhất của đời tôi để tự hiểu và ý thức rất rõ: người ta có phần hồn và phần xác.
Khi tôi bị thương ngất đi, phần hồn thoát xác nên đã không phụ thuộc vào tất cả cảm giác từ phần xác. Con người ta ở thường ngày, tâm hồn luôn bị chi phối của các cảm giác thuộc về phần xác mang lại, nên luôn tự tạo cho mình nhiều sự đau đớn mà bản chất không thuộc về tâm hồn, mà thuộc về thân xác mang lại. Những cảm giác đau khổ hay thất vọng ở tâm hồn là hậu quả từ những thèm khát của phần xác đòi hỏi mà chưa được thỏa mãn. Sự ấy, ta quen gọi là bản năng hay nhục dục.
Có lẽ đấy chính là nguyên nhân căn bản nhất để mỗi con người ta tự tạo ra những gì thuộc về sự đau khổ. Không để tâm hồn quá phụ thuộc vào sự đòi hỏi của phần xác, tức là sự vượt ra, tự giải thoát cho chính mình. Ý thức rõ qua trải nghiệm như trên làm tôi sau tai nạn, thấy đời sống bỗng nhẹ đi rất nhiều, vợi đi rất nhiều sự đau khổ đã trải qua. Đó chính là nội hàm nói về sự thay đổi trong câu nói với bè bạn tôi khi gặp lại sau tai nạn: “Chỉ gặp lại phần hồn Nguyễn Văn Thọ!”
- Một năm đã trôi qua, 2017 đối với ông như thế nào?
- Năm 2017 tôi viết rất ít. Chỉ một truyện ngắn và vài bài báo bàn quanh thế sự và nhận thức. So với các năm cũ, đây là nhịp đi xuống của một nhà văn. Nói chung là tẻ nhạt.
- Ông viết về người khác rất khốc liệt, thậm chí, tới tận cùng, nhưng đọc những gì viết về bản thân, thì sự buồn lại rất rõ. Buồn và cô đơn. Thật khác hẳn với khi ông nói: mạnh mẽ, thẳng thắn. Ông có hiểu vậy không?
- Nhà văn trước hết cũng sống như người khác. Cũng ăn, ngủ... và mơ ước. Cũng thành công, thất bại, tử tế và lầm lỗi. Nhưng khi cầm bút với cương vị nhà văn thì phải có trách nhiệm với ngọn bút. Trách nhiệm với ngọn bút tức là trách nhiệm với chính mình và bạn đọc. Vì thế, khi viết thì phải trực diện với chính mình, kể cả những khuyết tật của tâm hồn mình. Có như thế, văn học trước tiên sẽ chính là sự tu dưỡng, tự hoàn thiện mình.
Chính vì thế các câu chuyện của tôi thường khốc liệt và được đẩy tới tận cùng như cuộc sống tôi đã từng trải nghiệm. Cuộc sống thực tế của cá nhân tôi vốn đầy dang dở và buồn phiền, nên các câu chuyện cũng mang âm hưởng của nó, song nếu ai đọc kỹ sẽ thấy chính ngay trong bất hạnh của các nhân vật tôi tạo ra và gửi gấm, cũng vẫn đầy những khao khát, mong ước được yên lành, được hy vọng.
Tôi cho rằng, những trang văn Nguyễn Văn Thọ thống nhất với đời sống cá nhân Nguyễn Văn Thọ. Sự thống nhất: Buồn nhưng không chán! Càng về già tôi càng thấm thía những triết luận sâu sắc của đạo Phật, phải tha thứ và biết buông xả!
- Ông có kể đợt trở về Việt Nam, 6 tháng không thể viết được sách. Hà Nội thì buồn. Bố đã mất, không ai để nói chuyện. “Tôi thường phóng xe ra Hồ Tây ngồi một mình, Tôi nhớ năm đó đã ăn một cái Tết cô đơn nhất. Tôi không mua sắm gì, chỉ ngồi lỳ trong nhà với mỳ tôm. Và từ mùng 1-mùng 6 Tết đã viết xong 3 chương đầu của cuốn tiểu thuyết 'Quyên'… Viết như một cuộc trả nợ”.
Ông có nghĩ rằng nhờ có sự cô đơn đó, mà ra được tác phẩm, và thường thì nó là trạng thái chung của những người sáng tạo, thường họ hay bị dồn tới cùng nó mới ra được cái hay?
- Tôi đã trải qua những thời kỳ rất bế tắc, khi luôn tự vấn hỏi về những gì đã qua. Sự bế tắc đẩy tôi vào trạng thức thèm viết, hòng tự giải thoát. Song sự viết của nhà văn vốn là một công việc hết sức nhọc nhằn và mang dấu vết cá thể nhiều nhất.
Những trang viết có giá trị của các nhà văn lớn không bao giờ có dấu vết bầy đàn. Những trang viết ấy, dù phản ánh được tâm thế của cả một quần thể người, đông đến mấy thì nó vẫn thoát khỏi xu hướng bầy đàn để quan sát đời sống để nhận ra các quy luật của nó một cách độc lập, minh triết nhất. Chính vì thế việc viết của nhà văn không chỉ là trải nghiệm để thẩm thấu đời sống mà còn phải ở trạng thái độc lập, tỉnh táo.
Sự suy tư có tính quyết liệt ấy đẩy nhà văn vào các trạng thái cực đoan nhất của con người, đấy là sự cô đơn hay cô độc. Là nhà văn đúng nghĩa, không ai nghĩ hộ anh cả, cũng như không ai sống hộ anh cả. Như thế nhà văn mới có những trang văn đặc sắc và không giống một ai trước đó. Đấy chính là lí do bạn có thể nói, sự cô đơn chính là trạng thái chung của nhiều nhà văn đích thực để tạo ra những trang viết có giá trị, nhưng phải là sự cô đơn tự thân do khách quan cuộc sống đẩy bạn vào trạng thái ấy mà dĩ cùng tắc biến.
- Không chỉ trong "Quyên", mà ngay cả ở "Vợ cũ" hay "Phố cũ", bóng dáng của những người đàn bà, hiện ra khá… thân phận. Phải chăng, thực tế quá khốc liệt, để khi đưa vào tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ, hình như tôi ít thấy người đàn bà nào hạnh phúc, đặc biệt, là đàn bà xa xứ?
- Bản chất đời sống con người nói chung nặng tính bản năng bầy đàn. Là sự nương tựa lẫn nhau trong một quần thể nhóm, xóm, làng xã, quần thể chủng tộc. Đặc trưng của phụ nữ là phái yếu, dù họ là phái đẹp. Ngay ở trong lòng chủng tộc mình, người đàn bà vẫn thường thua thiệt nhiều nhất bởi thiên chức trời định. Không ai có thể vượt cạn thay người đàn bà cả…
Chính vì thế trong đời sống di dân người đàn bà càng khó có cơ hội độc lập, vượt lên tìm ra giá trị thật của hai từ hạnh phúc, cả khi họ được được sống trong một xã hội phương Tây tiến bộ. Những ràng buộc của phong tục, văn hóa chủng tộc, thói quen từ bản làng cũ, ràng buộc trói cánh họ. Đấy là một thực tế trong đời sống của người đàn bà tha hương.
Tiểu thuyết Quyên phản ánh phần nào sự thật ấy, dù nàng cố cất cánh bay lên, cố giữ lại vẻ đẹp nguyên thủy của người đàn bà Việt. Nhưng dù có như thế, Quyên và nhiều phụ nữ trong các tác phẩm của tôi đều bất hạnh hoặc phải qua bất hạnh.
Có thể nói đó là tính thân phận hay định mệnh. Sự tất yếu từ đặc tính của phái giới mang tính thân phận lại càng than phận hơn khi phụ nữ Việt vốn là nòi giống của một chủng tộc còn nhiều tật nguyền trong một thời đại còn lắm nhiễu nhương…
- Tôi chợt nhớ ra, ông có nhắc tới "Quyên" và sự đứt gãy văn hóa. Đây cũng là điều ông đau đáu, mà hình như ít có tác phẩm Việt Nam nào nhắc tới?
- Gần đây khi bàn về lễ hộ và những bất cập của nó, một nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những tồn tại cần khắc phục ở vấn đề này là sự sai lạc với nguyên gốc, mà nguyên nhân là đất nước chiến tranh liên miên đã bỏ đi lễ hội một thời gian rất dài để nó đứt gãy. Ngày nay nhiều lễ hội khởi dựng lại đã đánh mất những giá trị gốc tốt đẹp và biến thiên theo xu hướng thương mại.
Khi xa xứ, con người ta nói chung, chứ không riêng người Việt, cũng có sự đứt gẫy về văn hóa. Sự đứt gẫy ở lễ hội ở chiều dài thời gian còn sự đứt gẫy ở di dân là quãng cách về không gian.
Văn hóa gốc của người Việt là văn hóa gia đình, làng xã. Phải ly hương, người Việt rời bỏ, xa lìa cái gốc văn hóa để nương tựa. Sự tử tế tốt đẹp mất mát rơi rụng do không còn sự thiết chế, ràng buộc của truyền thống văn hóa gia đình, họ tộc, làng xã mang lại.
Con người cá thể ở di dân dễ dàng tuân theo lối sống bản năng, để nó tự do phát triển, không còn ràng buộc của văn hóa gốc quần thể nữa. Vì vậy nhiều điều tốt đẹp không được duy trì mà cái ác được thể phát huy cao nhất. Điều này hủy hoại từng cá thể, làm con người Việt đã tật ách lại càng trở nên tật nguyền trong một thế giới văn hóa tiến bộ khác biệt.
Đấy là vấn đề được nhấn nhá nhiều trong tiểu thuyết Quyên, không chỉ là cảnh báo mà còn nhắc nhớ rằng, mỗi dân tộc đều có những vùng văn hóa tốt đẹp cần phát huy khi nó giao thoa cùng với nền văn hóa của nhân loại. Đấy là sự cốt lõi để hòa nhập mà không tan biến. Và ý thức như vậy cũng cần như khi tự ý thức chúng ta có nhiều tập tục không giao thoa được với thế giới văn minh thì cần phải loại bỏ.
- Có bao giờ ông nhớ tới bóng dáng những người đàn bà đặc biệt, đi qua đời ông không?
- Ấn tượng mạnh mẽ của cả cuộc đời tôi với phái nữ là ở chữ duyên. Đàn bà không phải đẹp ở vẻ ngoài là sức mạnh tuyệt đối với phái nam. Chữ duyên là sự tổng hòa nhiều phạm trù trong một người đàn bà tạo nên sức mạnh cuốn hút phái nam. Người phụ nữ như thế rất tiếc không nhiều và tôi không có may mắn gần gũi họ đủ thời gian để yêu thương.
- Có lẽ, sau "Quyên", mọi thứ đã khác với ông, hết cũ, là phải mới, kể cả Tết? Gia đình mới đã đem lại sự khác biệt cho ông thế nào trong những ngày Tết, đặc biệt, khi nhà có con trẻ?
- Lần xây dựng gia đình thứ ba với tôi như một định mệnh. Cuối đời, tôi có được một người vợ trẻ, kém tôi một thế hệ, thêm một mụn con trai kháu khỉnh để yêu thương. Nhìn chung, như thế là hậu vận tốt đẹp.
Ở tuổi lên lão, trong nhà có tiếng trẻ của chính con trai mình khanh khách cười ngày ngày thì còn gì vui hơn. Những ngày tôi ốm đau, con trai lẫm chẫm nghe mẹ dạy: “Mời bố xuống ăn cơm”. Chỉ như thế cũng đủ làm tôi bật khóc vì hạnh phúc.
Nói như vậy không có nghĩa là bớt đi lo lắng. Có vợ trẻ, lại có con muộn vào cái tuổi lên lão là cả một gánh nặng nhiều khi thấy quá sức khi phải lo toan nhiều. Cứ ngồi chợt nhớ tới thời thanh xuân của mình là sự xót xa ập tới. Tôi không đủ sức mạnh cơ bắp như thời trai trẻ để dâng hiến cho vợ con nữa. Thương lắm.
Từ khi có gia đình mới tôi đã có 5 cái Tết. Bên cạnh nguồn vui không cô đơn nữa thì nhiều cái Tết khi vợ ốm con đau cũng là một sự nỗ lực phải cố sức vượt qua của một người đã già. Cuộc sống luôn đều có hai mặt, nhưng là người thấm thía nỗi cô đơn nên tôi trân trọng cả nỗi vất vả hiện tại.
Có thể nói, thay vì sự thiếu hụt về thể trạng, tôi đã hết sức cố gắng bù đắp để vợ con đỡ vất vả trong ăn ở, ví như cải tạo gian bếp sao cho vợ nấu nướng đỡ chật chội oi bức. Và mỗi khi vượt qua được một hoàn cảnh như vậy tôi thở phào hạnh phúc.
- Sự thay đổi, là phải sâu trong bản chất, trong tâm hồn, ông đã từng nói: “Cuộc sống đầy bất ngờ, nhiều khi cáu giận biến cá nhân tôi như hỏa ngục và thậm chí, trở nên có thể thù hằn”. Nhưng giờ đây, hình như cuộc sống chỉ chăm lo vườn tược bấy lâu nay, được viết, được chăm con đã làm cho ông tìm thấy nguồn vui đích thực của đời mình?
- Là người sống đủ qua nhiều thăng trầm nên tôi rất ý thức: Biết dừng và biết đủ. Cái khó nhất của đời sống con người là tự khám phá mình để vượt qua được chính mình!
Tiết chế lòng tham lam vô hạn của người ta là một việc rất khó khan, đòi hỏi sự thường trực để nhìn rõ mình mà tự tạo ra cuộc sống hoan lạc. Tôi may mắn hơn rất nhiều bạn bè là được về quê hương để sống. Có một ngôi nhà nhỏ để ra vào, có một mảnh vườn dăm loài hoa và cây khế trĩu quả khi sớm sớm trong tĩnh lặng của tâm hồn nghe tiếng chim hót líu lô.
Những thứ nho nhỏ ấy với tôi cần thiết hơn một cuộc sống tiện nghi mà thiếu quê hương ở phương Tây. Dù là khi trở về phải tự mình vượt qua mọi sự bức bối, thậm chí rất buồn phiền do tiêu cực xã hội quanh tôi.
Tôi cho rằng, cuộc sống vốn là không ngừng tranh đấu cho chính mình và chăm chút cho điều thiện ở quanh mình, nhưng phải tùy theo sức lực và hoàn cảnh của từng người. Tài năng tới đâu, sức lực tới đâu, thì làm tới đó. Đừng hão huyền thiếu thực tế sẽ tạo nên sự bằng lòng mà vui sống.
- Cuốn sách nào ông đang đọc hoặc đang muốn đọc ngay?
- Mỗi một tuổi có một cách đọc khác nhau. Bấy nay tôi chú ý đọc lại các trước tác triết lý Đông phương và hồi ký của anh em binh sĩ. Tôi thuộc típ người không ham lạ và mới.
- Ông có kế hoạch gì trong năm tới không?
- Tôi đang viết đi viết lại một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh. Chậm và khó. Cầu trời cho tôi sống trả xong món nợ ấy.
Theo Zing