(Pháp lý) - Để hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, tạo niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư, theo PGS.TS. Trần Văn Độ, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ từ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho đến thực thi, giám sát…
Vẫn còn những điều luật gây bất an cho doanh nghiệp
Việc truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi hay nói cách khác là “hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” của các cơ quan tố tụng, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ oan, sai trong áp dụng pháp luật hình sự, khiến người dân và doanh nhân thường trực hoang mang, e dè và không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
PGS.TS. Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQS Trung ương cho rằng, chúng ta cần hiểu là việc hình sự hóa hay phi hình sự hóa một quan hệ xã hội nào đó thuộc thẩm quyền của cơ quan lập pháp khi xây dựng pháp luật. Hiện tượng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” hay nói cách khác là việc sử dụng các quy phạm pháp luật mang tính chất hình sự để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, dân sự của các cơ quan hành pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) về bản chất là hành vi áp dụng pháp luật sai, áp dụng pháp luật không hợp pháp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được loại bỏ.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ, có loại hành vi áp dụng pháp luật hình sự không hợp pháp: thứ nhất là hành vi của các chủ thể không có thẩm quyền áp dụng các quy định pháp luật mang tính chất hình sự mà áp dụng chúng để điều chỉnh các quan hệ xã hội; thứ hai là hành vi của chủ thể có thẩm quyền nhưng đã áp dụng sai, không đúng đối tượng.
Còn Luật gia Nguyễn Văn Hậu thì cho rằng, tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, do tồn tại một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… những người thực thi pháp luật còn hạn chế về trình độ, năng lực và kinh nghiệm công tác thực tiễn và sự thiếu trách nhiệm trong khi giải quyết vụ án dẫn đến tình trạng người tiến hành tố tụng không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, việc thu thập đánh giá chứng cứ sơ sài, không chặt chẽ dễ dẫn đến sai lầm trong việc định tội danh.
Bên cạnh đó về mặt pháp luật còn nhiều bất cập so với kỳ vọng của doanh nghiệp và xã hội. Bộ luật Hình sự 2015 được sửa theo hướng không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tạo sự an toàn cho nhà đầu tư là quan điểm chỉ đạo.
Tuy nhiên, sự thể hiện tinh thần đó trong pháp luật vẫn còn một số vấn đề. Rà soát Bộ luật hình sự 2015, lác đác vẫn còn những quy định chưa rõ ràng, đi ngược với tinh thần này gây bất an cho cộng đồng doanh nhân.
Lấy ví dụ về điều này, Luật gia Nguyễn Văn Hậu cho biết, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm những hành vi: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Theo đó, nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, hiểu như thế nào là dùng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là một vấn đề không đơn giản, nếu theo khái niệm thông thường thì “bất hợp pháp” là không đúng với pháp luật không phân biệt đó là pháp luật gì và nếu hiểu bất hợp pháp theo nghĩa rộng như vậy thì hầu hết các trường hợp mất khả năng thanh toán nợ cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đều là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Luật gia Hậu phân tích.
Bên cạnh đó, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn giải thích pháp luật dẫn đến việc hiểu không thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Do đó, quan điểm giữa điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và giữa các cơ quan tố tụng đối với cùng một vụ án khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Giải pháp
Để hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, tạo niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh an toàn của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, theo PGS.TS Trần Văn Độ, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ từ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho đến thực thi, giám sát… trong đó một số biện pháp mang tính căn cơ như:
Thứ nhất, nhanh chóng rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp, ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành thực sự cụ thể, rõ ràng, chính xác tránh hiện tượng nhầm lẫn, những cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức tập huấn, quán triệt đến các cơ quan, đặc biệt là cơ quan điều tra, viện kiểm sát giúp nâng cao trình độ, tinh thần, hiểu biết pháp luật… Nâng cao vai trò độc lập của các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó đặc biệt Viện kiểm sát, Tòa án.
Đồng thời nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, trong đó có hoạt động giám sát của người dân, cộng đồng doanh nghiêp và đặc biệt của các cơ quan giám sát như Viện kiểm sát, Quốc hội… Làm thế nào để không thể lạm dụng hình sự để giải quyết các quan hệ kinh tế dân sự; không thể cố tình áp dụng sai luật dẫn đến oan sai… PGS.TS Trần Văn Độ kiến nghị.
Theo Luật gia Nguyễn Văn Hậu, bên cạnh các giải pháp cơ bản về hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật theo hướng cụ thể rõ ràng, nâng cao trình độ của những người thực thi pháp luật… thì cũng cần tăng cường hiệu quả các cơ chế giải quyết tranh chấp khác như: hòa giải, trọng tài… Điều này sẽ giúp cho các tranh chấp kinh doanh thương mại được nhanh chóng giải quyết, hạn chế những tiêu cực trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Đồng thời cũng cần phải khắc phục triệt để, đảm bảo quyền của luật sư được thực hiện đầy đủ. Và cuối cùng là nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm khi chậm bồi thường oan sai
Với doanh nghiệp, thời gian là tiền bạc. Thế nhưng trên thực tế, không ít doanh nghiệp bị hàm oan trong thời gian đằng đẵng nhưng đến khi đòi bồi thường oan sai lại rất gian nan. Mất mát về thời gian hàm oan, lại mất mát về thời gian kêu oan. Điều đó như nhân đôi đe dọa, mất mát về tài sản.
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một thẩm phán (đề nghị giấu tên) cho rằng: Trách nhiệm Bồi thường nhà nước quy định rất rõ về thời hạn thụ lý văn bản yêu cầu bồi thường, quy trình bồi thường oan sai. Nhưng việc ra văn bản thừa nhận làm oan và tống đạt văn bản như QĐ đình chỉ là cả 1 quá trình đợi chờ kéo dài của những người bị hàm oan. Kéo dài thì cùng lắm là bồi thường cho việc đã làm oan, tuy nhiên trách nhiệm bồi thường oan sai chậm, lại chưa được pháp luật chế tài.
Đinh Chiến