(Pháp lý) - Hiện nay, mạng xã hội đang là trào lưu được giới trẻ sử dụng rộng rãi để giao lưu, chia sẻ và kết bạn với mọi người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội mang lại thì những cạm bẫy mà mạng xã hội gây ra cũng là vấn đề mà nhiều bạn trẻ cần đặc biệt quan tâm. Nghiên cứu những nguyên nhân trở thành nạn nhân của tội phạm qua mạng xã hội giúp cho chúng ta có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Nguyên nhân chủ quan
Hiện nay, một số người với những thói quen sử dụng mạng xã hội cũng như những đặc điểm tâm lý, tinh thần cộng với một số điều kiện bên ngoài thuận lợi rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm. Nhiều người khi đăng ký tham gia mạng xã hội không lường trước được hậu quả của việc vô tình tiết lộ bí mật đời tư hay tiết lộ những thông tin cá nhân để cho những kẻ xấu dễ dàng tiếp cận, làm quen. Từ việc ban đầu làm quen, kẻ xấu sẽ tạo sự tin cậy bằng cách bày tỏ sự quan tâm, yêu mến bằng nhiều hình thức khác nhau như like những câu nói, bức ảnh hay bình luận cảm thông, chia sẻ để tạo sự chú ý từ người tham gia mạng xã hội. Từ những đặc điểm quan tâm của kẻ xấu khiến cho người tham gia mạng xã hội bắt đầu cảm thấy có người quan tâm và gần gũi với mình, nên hình thành tình bạn. Khi gặp điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi kẻ xấu có hành vi phạm tội dễ dàng nắm bắt được đặc điểm của nạn nhân. Điển hình trong thời gian qua xảy ra một số vụ án điển hình qua mạng xã hội như Phạm Văn Hùng (sinh năm 1985) chuyên sống bằng nghề lừa tình phụ nữ trên mạng xã hội Zalo. Hùng thừa nhận là từ tháng 6/2013 đến nay, Hùng đã thực hiện 7 vụ lừa tình, cưỡng hiếp những người phụ nữ quen trên mạng xã hội Zalo, đe dọa chiếm đoạt tài sản là xe gắn máy, điện thoại di động của họ trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Hùng lấy nickname “Tuấn Anh” để tiếp cận, làm quen với nhiều phụ nữ trên Zalo. Sau đó Hùng tán tỉnh, hứa hẹn yêu đương với những người này. Nếu trường hợp nạn nhân nào không đồng ý thì lập tức Hùng có nhiều cách để khống chế, đe dọa tinh thần họ. Việc tham gia mạng xã hội, đăng ký để tạo tên tài khoản đăng nhập hay truy cập vào là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên hiện nay, ngoài những thông tin bắt buộc để tạo ra một tên miền thì việc để lộ nhiều thông tin cá nhân là điểm sơ hở cho kẻ xấu nắm bắt tình hình, đặc điểm và nhân thân của nạn nhân. Từ đó, dễ dàng tiếp cận, theo dõi và khi đã nắm bắt được “con mồi” thì các đối tượng sẽ tìm cách ra tay, dẫn đến nhiều vụ án xảy ra trên thực tế.
Cuộc sống hiện đại, đem đến cho con người cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngày nay có một bộ phận nhỏ người dân có lối sống thực dụng, ưa hưởng thụ, đề cao lợi ích vật chất, thích phô trương tài sản trên mạng xã hội. Thú vui khoe những thứ đồ xa xỉ là trào lưu yêu thích của những người trẻ như khoe đồng hồ đắt tiền, giày, túi xách hàng hiệu, xe hơi giá triệu đô, những bữa tiệc xa hoa. Chính điều đó vô tình đã tạo sự tò mò, muốn chiếm đoạt tài sản của kẻ xấu… Thật không khó để tìm thấy những bức ảnh khoe khoang của nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội. Chính sự khoe khoang này mà họ đã phải trả giá đắt. Tại Trung Quốc, ngày 9/3/2016 vừa phá một vụ án trộm cắp tài sản nguyên nhân do sự phô trương tài sản trên mạng xã hội của nạn nhân.
Lừa đảo qua mạng xã hội là tên gọi của một hình thức tấn công người dùng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... Các vụ tấn công vào mạng xã hội, người phạm tội sẽ tập trung khai thác tâm lý của nạn nhân. Do người dùng thường xuyên sử dụng cùng một tên tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau, việc để lộ tên tài khoản và mật khẩu trên một dịch vụ có thể khiến bạn mất quyền kiểm soát đối với tất cả các tài khoản số của mình, ví dụ như tài khoản ngân hàng trực tuyến, tài khoản Facebook, Yahoo, Gmail, Apple ID hoặc Dropbox. Do Facebook có những giới hạn khá rõ ràng về tính năng, gần đây nhiều đối tượng đã lừa người dùng chạy Javascript trên trình duyệt để có được những tính năng mà Facebook chắc chắn sẽ không bao giờ cung cấp, ví dụ như theo dõi ai là người vừa ghé thăm trang cá nhân của bạn. Mục đích cuối cùng của kẻ xấu là tạo ra các fanpage và các nhóm (group) có lượng người tham gia đông đảo. Sau đó, các fanpage và group này sẽ được đổi tên, hoặc chuyển sang làm các hình thức quảng bá "miễn phí", trong đó cái giá duy nhất phải trả là sự khó chịu của người dùng Facebook. Hiển nhiên, bạn sẽ chẳng thể biết được ai là người vừa ghé thăm trang cá nhân của bạn. Nhiều vụ lừa đảo theo hình thức như vậy đã được người phạm tội lợi dụng như vụ Lê Văn Pháp (26 tuổi), Phạm Nguyễn Minh Tài (22 tuổi) và Phạm Quốc Dũng (27 tuổi), Nguyễn Thị Phương (20 tuổi), Nguyễn Đức Linh (22 tuổi), Võ Quốc Phương (23 tuổi). Để có tiền tiêu xài, các bị cáo bàn bạc với nhau để lừa đảo qua mạng xã hội. Thực hiện ý định của mình, Pháp cùng đồng bọn đã lập ra website “trangchuzalo.vn” và cùng nhau gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng giả đến các khách hàng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Beetalk, Viber…Để nhận được “giải thưởng”, các bị hại phải nhập thẻ cào điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho nhóm Pháp. Phương đóng giả nhân viên chăm sóc khách hàng tư vấn cho khách cách nhận giải thưởng và chuyển khoản. Bằng cách này, từ tháng 7/2014 đến tháng 4/2015, băng nhóm do Pháp cầm đầu đã lừa đảo hơn 800 triệu đồng từ hàng chục người dùng mạng xã hội trên cả nước. Với hình thức lừa đảo này, kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng tham và sự nhẹ dạ của người dùng để thu thập các thông tin cá nhân của họ.
Nghiên cứu nhóm nạn nhân nữ giới, nhận thấy các đặc điểm sinh học hạn chế và nhẹ dạ cả tin khiến nữ giới có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của các tội xâm phạm tình dục qua mạng xã hội. Dưới đây là một số vụ án điển hình cho những chiêu trò.
Phạm Vĩnh Long (sinh năm 1990), trú tại thành phố Vũng Tàu. Dù chỉ học hết lớp 7/12 nhưng Long lại là một “cao thủ” trên trang mạng xã hội Facebook. Long dùng nickname Alex Anh Huy lên Facebook để tìm các cô gái làm quen với ý đồ xấu. Sau ít phút, Long đã làm quen được với một cô gái có nickname My My. Chỉ sau vài giờ làm quen qua Facebook, Long đã mời được My đi uống nước. Long chở My đi vào một khu đất trống vắng người qua lại buộc My phải cởi hết quần áo để quan hệ tình dục. Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, My buộc lòng làm theo lời của Long... Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ việc nạn nhân là các phụ nữ, trẻ em bị kẻ xấu dụ dỗ quen qua mạng xã hội bị xâm hại tình dục trên thực tế.
Tham gia mạng xã hội hiện nay, phần lớn là giới trẻ đặc biệt là lứa tuổi chưa thành niên, tâm sinh lý các em chưa phát triển một cách đầy đủ, dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo của những người xấu. Khi tham gia mạng xã hội nhiều em vẫn chưa phân biệt được những nguồn thông tin tốt xấu nêu thường hay thể hiện cá tính của mình trên diễn đàn như tham gia lập các hội nhóm theo kiểu thỏa mãn sở thích riêng như hội những người thích đua xa, xăm hình, phượt, chụp hình… Đây là điều kiện cho các em dễ bị lôi kéo tham gia những hành vi vi phạm pháp luật trên thực tế. Tại Đà Nẵng gần 100 thanh niên tham gia đua xe gây rối trật tự không chỉ riêng ở TP Đà Nẵng, mà thậm chí còn lên Facebook lôi kéo thêm "đồng đội" ở các tỉnh bạn như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình để cùng lập hội đua xe. Sau khi lên Facebook rủ nhau lập hội, các đối tượng còn truyền kinh nghiệm "độ" lại các xế hiệu Yamaha, Exciter của mình bằng cách đôn nòng, tháo thắng rồi thống nhất địa điểm để đánh võng, lạng lách trên nhiều tuyến đường của TP Đà Nẵng. Toàn bộ hồ sơ vụ nhóm thanh niên (gần 100 người) tụ tập đua xe, lạng lách, điều khiển khoảng 50 xe môtô đang tụ tập nẹt pô, lạng lách, đánh võng với tốc độ cao trên đường Nguyễn Tất Thành (hướng từ Liên Chiểu về cầu Thuận Phước). Khi bị phát hiện, ngăn cản cuộc đua, gần 100 quái xế này còn đặc biệt manh động, tản ra, rú ga chạy trốn vào các con hẻm nhỏ, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của người dân tham gia giao thông.
Nguyên nhân khách quan
Trước hết phải đề cập đến những hạn chế trong giáo dục từ phía gia đình. Gia đình có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách cá nhân trong thời kì ấu thơ... quá trình học hỏi, bắt chước dần mở rộng phạm vi không còn dừng lại ở các thành viên trong gia đình nữa mà bắt đầu vươn ra bên ngoài, tuy nhiên nhận thức lối sống của trẻ vẫn mang dấu ấn của việc ảnh hưởng từ các thành viên trong gia đình. Do đó sống trong môi trường gia đình an toàn, lành mạnh sẽ hạn chế hiệu quả việc hình thành nhân cách sai lệch của cá nhân. Ngược lại sống trong gia đình không an toàn, không lành mạnh có thể tác động ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách lệch lạc của cá nhân.
Trong công tác giảng dạy, nhà trường tập trung chủ yếu vào công tác truyền dạy kiến thức để đạt chỉ tiêu thỉ cử, thành tích trong giảng dạy mà chưa thực sự quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ cho học sinh, cũng như nội dung giáo dục về kỹ năng sống để giúp các em chống lại những ảnh hưởng xấu từ phía xã hội thì hầu như không có. Hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung triển khai nghèo nàn, khô cứng không thu hút được sự quan tâm của các em, dẫn đến sự hiểu biết pháp luật của các em học sinh còn rất hạn chế, nhiều em chưa ý thức được việc chấp hành pháp luật là nghĩa vụ của công dân và cùng nhiều trường hợp không hề biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Ngoài ra cũng phải đề cập đến một thực trạng hiện nay nhiều gia đình cha mẹ mải miết làm kinh tế mà không quan tâm đến con em mình, phó mặc sự dạy dỗ các em cho nhà trường, không có sự liên lạc với nhà trường trong việc dạy dỗ, uốn nắn các em để trở thành công dân tốt.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường thì mặt tiêu cực của nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống văn hóa. Ngày nay có một bộ phận nhỏ người dân có lối sống thực dụng, đề cao lợi ích vật chất, thích phô trương... điều đó tạo tâm lý không lành mạnh đối với nhiều người. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh thiếu niên và xã hội có chiều hướng gia tăng; các giá trị đạo đức truyền thống bị xói mòn. Công tác quản lý một số loại hình, dịch vụ lỏng lẻo, yếu kém là một trong các yếu tố góp phần tạo nên nguyên nhân trở thành nạn nhân trên mạng xã hội gia tăng. Kinh tế phát triển kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, bên cạnh đó có nhiều loại hình dịch vụ như: dịch vụ internet, game online... nhưng lại chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ. Hoạt động kinh doanh của Internet còn nhiều bất cập, việc đăng ký kinh doanh Internet còn lỏng lẻo, nhiều tiệm Internet mở cửa 24/24 giờ mà không bị xử lý.
Ngoài ra mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội qua mạng xã hội cũng có vai trò quan trọng trong quá trình nạn nhân hóa, các mối quan hệ bao gồm gia đình, bạn bè, hàng xóm, công tác… Tùy theo đặc điểm của tội phạm qua mạng xã hội, mà tội phạm thường lợi dụng các mối quan hệ để thực hiện hành vi phạm tội, ví dụ tội phạm chiếm đoạt tài sản, tổn hại sức khỏe hay các tội xâm phạm tình dục.
Người phạm tội thường nhắm vào những người quen biết, hám lợi, thích phô trương tài sản trên mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội; đây là những yếu tố thuận lợi từ phía nạn nhân để cho người phạm tội dễ dàng tiếp cận và ra tay khi gặp điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi trên thực tế.
Phòng ngừa
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên internet và đặc biệt là thông qua mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh chóng. Mạng xã hội đã trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người nhất là đối với giới trẻ. Mục đích của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống trên nền Internet cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian. Những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho chúng ta rất nhiều và tác động tích cực nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý. Mạng xã hội ngày càng đi sâu vào cuộc sống của con người. Có thể nói, đây là mô hình mới nhất trong quá trình phát triển đương đại, đơn giản hoá các phương thức tương tác và kết nối giữa con người với nhau suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, để không trở thành nạn nhân của tội phạm trên mạng xã hội thì người tham gia mạng xã hội cần tỉnh táo và hiểu biết một cách đầy đủ những dấu hiệu của những kẻ xấu như không tiết lộ thông tin cá nhân; địa chỉ ở thực tế, số điện thoại; không sử dụng tên tài khoản trực tuyến mang ý nghĩa “tán tỉnh”; không nên đặt những tên nickname như hot_girl_HN, công chúa… không nên phô trương tài sản, tiền bạc; không nên đăng những hình ảnh gợi cảm như ảnh chụp khi mặc quần áo tắm; không gặp gỡ bạn bè vừa quen trên mạng ngoài đời. Luôn gặp gỡ bạn bè mới quen trên mạng xã hội ở nơi công cộng, vào ban ngày, nên tránh các địa điểm nhạy cảm vào ban đêm như vũ trường, quán bia, rượu… Nếu gặp nguy hiểm hoặc có dấu hiệu trở thành đối tượng bị dụ dỗ, cần liên lạc với công an bằng cách gọi số 113 hoặc người thân trong gia đình giúp đỡ.
Bùi Ai Giôn
Tòa án nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu