Mỹ, Nhật, Australia thúc giục xây dựng COC có tính ràng buộc pháp lý

09/08/2017 08:33

Mỹ, Nhật Bản và Australia ngày 7/8 đã thúc giục các nước ASEAN và Trung Quốc đảm bảo rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7
Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7)

Theo Reuters, trong một tuyên bố chung sau cuộc ngày 7/8, Bộ trưởng ngoại giao của 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Australia đã chỉ trích hoạt động “cải tạo đất, xây dựng các tiền đồn và quân sự hóa các thực thể tranh chấp” trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh như vậy, bộ trưởng ngoại giao 3 nước trên cho rằng COC phải bao gồm các quy định “có tính ràng buộc về mặt pháp lý, có ý nghĩa và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ngoài ra, 3 nước này cũng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm ngoái theo đó bác bỏ phần lớn các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ những hành động đe dọa đơn phương có thể thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng. Ngoại trưởng 3 nước cũng thúc giục các bên có tuyên bố chủ quyền kiềm chế hoạt động cải tạo đất, xây dựng tiền đồn và quân sự hóa các thực thể tranh chấp.

Tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được đưa ra 1 ngày sau khi ASEAN và Trung Quốc đã thông qua được dự thảo khung COC, mở đường cho các cuộc đàm phán về các nội dung cụ thể của bộ quy tắc ứng xử này trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong tuyên bố về việc thông qua được bộ khung COC, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng việc bắt đầu đàm phán COC có thể được thông báo vào tháng 11 tới khi các điều kiện thảo luận đã chín muồi và tình hình ở vùng biển tranh chấp “ổn định”.

Tờ Philstar ngày 7/8 dẫn lời ông Jay Batongbacal – Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển Philippines – cho rằng việc Trung Quốc ra điều kiện không có sự can thiệp từ bên ngoài đối với việc đàm phán COC ở Biển Đông là mơ hồ và không công bằng bởi nó sẽ khiến Trung Quốc trở thành nước “trên cơ”, có quyền quyết định thời điểm bắt đầu tiến trình đàm phán COC.

Theo nhà phân tích này, Bắc Kinh dường như cố tình đặt ra điều kiện như vậy để ngăn cản các nước ASEAN tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài. “Trung Quốc đã cố ngăn các nước hợp tác với các đối tác bên ngoài. Tôi nghĩ rằng đây là một tín hiệu xấu vì cả khu vực Đông Nam Á đều có quan hệ với các đối tác bên ngoài trong nhiều lĩnh vực”, ông nói.

Ông Batongbacal cũng cho rằng COC lý tưởng nhất phải có tính ràng buộc pháp lý và rằng việc bộ quy tắc này có thể ngăn được các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc vào việc nó có các điều khoản cụ thể để giải quyết vấn đề hay không. “Bộ quy tắc sẽ phải rất rõ ràng để có hiệu quả trong việc ngăn chặn hành động quân sự hóa. Hiện nay khái niệm quân sự hóa và không quân sự hóa rất mơ hồ nên không thể ngăn cản được bất kỳ hành động cụ thể nào”, ông Batongbacal nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 6/8 đã kết thúc được tranh cãi trong việc đề cập đến tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và ra được tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế ở khu vực này. Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng bày tỏ quan ngại về việc thay đổi hiện trạng và “các hoạt động tại khu vực đã làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định”.

Các ngoại trưởng ASEAN khẳng định cần tránh hành động làm phức tạp hóa tình hình và cần có giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Reuters cho rằng nội dung tuyên bố mạnh mẽ hơn so với bản dự thảo trước đó.

Theo Bao Phapluat

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ, Nhật, Australia thúc giục xây dựng COC có tính ràng buộc pháp lý" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin