Một số chính sách mới liên quan lĩnh vực Tư pháp có hiệu lực từ tháng 10.2023

(Pháp lý). Trong số các chính sách nổi bật liên quan lĩnh vực tư pháp có hiệu lực từ tháng 10.2023, đáng chú ý là Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án.
1-1696236649.jpg

Hướng dẫn chi tiết thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Mới đây, TAND Tối cao ban hành Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án.

Thông tư áp dụng đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự, vụ án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Người thi hành công vụ, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; Người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; Cá nhân, pháp nhân được người quy định tại khoản 2 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Thông tư quy định về xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Cụ thể, Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hình sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị can, bị cáo là người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có hành vi quy định tại Điều 17, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; b) Hành vi của bị can, bị cáo bị truy tố gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau; c) Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người bị kiện có quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính và Điều 17 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; b) Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện gây ra thiệt hại và yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan với nhau; c) Có yêu cầu bồi thường của người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Tòa án không giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo là người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại quy định tại Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp này được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2-1696236655.jpg

Quang cảnh xét xử một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Theo đó, người quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

Người quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính hướng dẫn tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được thể hiện bằng văn bản hoặc lời khai, trình bày và được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp, biên bản làm việc khác.

Vụ án hình sự, vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì được xem xét, giải quyết trong cùng vụ án, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 2 Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính và hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư này.

Trường hợp người yêu cầu bồi thường đưa ra yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau thời điểm hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án không giải quyết mà giải thích, hướng dẫn cho họ về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi họ nhận được bản án, quyết định của Tòa án.

Mặt khác, Thông tư cũng quy định về xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể, Tòa án được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Khi tiến hành nghị án, Hội đồng xét xử phải thảo luận, xác định hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật, có gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không. Nội dung này phải được ghi vào biên bản nghị án.

Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử xác định thiệt hại được bồi thường; xem xét, quyết định các vấn đề về bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định.

Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ không trái pháp luật hoặc không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu bồi thường trong bản án, quyết định.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định về xác định thiệt hại được bồi thường; tách yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự; nội dung của bản án có giải quyết yêu cầu bồi thường; hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện.

Thông tư gồm 9 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2023.

Công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án

Ngày 14/8/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.

Theo đó, quy định nguyên tắc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án như sau:

- Việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án phải bảo đảm chính xác, minh bạch, đầy đủ nội dung, đúng hình thức và thời gian quy định.

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin được công khai.

- Việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo các bản án, quyết định của Tòa án quân sự được thực hiện theo đề nghị của các cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

Thông tư 04/2023/TT-BTP có hiệu lực ngày 01/10/2023.

Người chấp hành xong án phạt tù sẽ được vay vốn ưu đãi

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Theo đó, Quyết định có một số điểm đáng chú ý như sau: Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được Công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cùng cấp gửi Ngân hàng Chính sách xã hội làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; nếu vay để sản xuất kinh doanh tối đa là 100 triệu đồng/người.

Cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận có thể vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/1 người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Quyết định cũng quy định cụ thể 2 loại đối tượng được vay vốn gồm: Cá nhân là người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.

Thành Chung – Hà Anh(T/h)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin