Thanh tra Chính phủ cho biết, việc chỉ định nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM tại dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội thay vì tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế là vi phạm quy định Nghị định 78.
Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội thực hiện theo hợp đồng BOT do CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư hơn hơn 3.822 tỷ đồng là 1 trong 6 dự án BOT, BT tại TP.HCM được thanh tra và chỉ ra nhiều vi phạm.
Trước đó, vốn đầu tư dự kiến của dự án này là hơn 2.422 tỷ đồng, sau đó đã được điều chỉnh lên hơn 3.822 tỷ đồng, chênh lệch với giá trị 1.400 tỷ đồng. Trong đó bao gồm chi phí xây dựng là 398 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 1,4 tỷ đồng, chi phí tư vấn hơn 4,8 tỷ đồng, chi phí khác 24,4 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 667,2 tỷ đồng, chi phí dự phòng 304 tỷ đồng…
Thanh tra Chính phủ cho biết, UBND TP.HCM đã không thực hiện xây dựng và công bố danh mục các dự án BOT trong đó có dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội để kêu gọi đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định 78/2007.
Không những thế, việc lựa chọn đầu tư, dự án do nhà đầu tư đăng ký đầu tư và được UBND TP.HCM chấp thuận ngày 23/1/2008 giao CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm nhà đầu tư, tổ chức đầu tư dự án theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
“Qua xem xét việc chỉ định nhà đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND TP.HCM mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng là vi phạm quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định 78/2007/NĐ-CP”, báo cáo thanh tra cho hay.
Về khoản chênh lệch 1.400 tỷ đồng khiến vốn đầu tư tăng lên 3.822 tỷ đồng, thanh tra cho biết, CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh 1.400 tỷ đồng là “sai thẩm quyền”, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án khả thi là UBND TP.HCM, vi phạm quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Liên quan đến phê duyệt chi phí tổng mức đầu tư, theo Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư đã phê duyệt dự án khả thi, phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 khi không được chấp nhận của UBND TP.HCM, bổ sung 1.400 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng khi chưa có phương án giải phóng mặt bằng được phê duyệt…
Không chỉ vi phạm trong chuẩn bị đầu tư, việc thực hiện đầu tư dự án cũng được thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm.
Cụ thể, dự án đã chậm tiến độ so với hợp đồng đã ký kết nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng của UBND các quận, huyện thuộc TP.HCM và tỉnh Bình Dương không thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng được quy định xong trước ngày 30/6/2010, tại thời điểm kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn đang thực hiện, nhiều hộ dân vẫn chưa được giải toả xong để bàn giao cho chủ đầu tư.
Về nghiệm thu, thanh toán, thanh tra cho biết, một số hạng mục thực hiện gói thầu không có bản vẽ hiện trạng để xác định phạm vi sửa chữa của các gói thầu thuộc dự án (gói thầu 6A, 6B), chưa khảo sát, thăm dò, thí nghiệm mỏ vật liệu đất để đắp, vị trí để đổ đất thải theo quy định tại mục 15.16 quy trình khảo sát đường ô tô ban hành theo Quyết định 1398 của Bộ Giao thông vận tải.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, gói thầu 6A, 6B nghiệm thu tăng sau 942,2 triệu đồng; gói thầu xây lắp 1, 6F, 8 nghiệm thu tăng sai 634,4 triệu đồng.
Theo Bizlive