Một biện pháp thiết thực phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

(Pháp lý) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ kết thúc chiều ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Ngay trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành… Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này.

Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng được nhân dân cả nước quan tâm và đồng tình, mong rằng các cấp thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Truyền thống dân tộc ta xưa nay vẫn có biếu Tết, con cháu biếu ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính; học trò biếu thầy để tỏ lòng tri ân; bạn bè tặng quà nhau để thể hiện tình bằng hữu… nhưng biếu tặng trong chốn quan trường thì khác. Khác cả về bản chất và cách thể hiện.

Thực tế cho thấy, dù mục đích chỉ để củng cố quan hệ, củng cố vị trí hay để đổi lấy một hợp đồng, một dự án cụ thể, thì cuối cùng, mục đích của người đi biếu tặng cũng là lợi ích của họ, trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế, người liêm chính và thượng tôn pháp luật phải kiên quyết từ chối quà biếu.

[caption id="attachment_157735" align="aligncenter" width="577"]Quang cảnh Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11 Quang cảnh Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11[/caption]

Quan chức giải quyết công việc là trách nhiệm, là nghĩa vụ, bổn phận của người ăn lương của nhân dân, dựa trên qui định của pháp luật, nên tuyệt đối không được coi đó là sự ban ơn để mong được đền đáp. Nhìn dưới góc độ pháp luật hình sự thì nhận lợi ích vật chất của đương sự trước, trong và sau khi giải quyết công việc, dù là giải quyết đúng pháp luật thì cũng đều là đưa nhận hối lộ.

Trong bối cảnh tham nhũng phức tạp ngày nay thì biếu xén ngày càng tinh vi hơn. Để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ ngăn chặn ngay việc biếu xen, chúc Tết trong hệ thống Chính phủ và chính quyền địa phương là rất sâu sát, thiết thực.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được việc tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng, bảo đảm trật tự kỷ cương hành chính!? Tết Bính Thân 2016 cũng đã có văn bản ngăn chặn việc tặng quà, nhận quà không đúng qui định, kết quả theo Báo cáo của Cục Chống tham nhũng cho biết, từ cấp trung ương đến địa phương chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công lãng phí; tặng quà, nhận quà không đúng quy định.

Kết quả của báo cáo nhìn vào nghĩ là tin vui, nhưng nhiều người cho rằng đó không phải là tin vui hoàn toàn vì đó là kết quả không sát thực tế. Trong dịp Tết, vẫn có cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lo tiền biếu xén các cấp, các ngành có liên quan… Vậy mà không phát hiện ra trường hợp nào tặng quà, nhận quà không đúng quy định, chẳng phải là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của ta còn nhiều lỗ hổng hay sao?!

[caption id="attachment_157736" align="aligncenter" width="638"]Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý và Dự thảo Luật PCTN  (sửa đổi) Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý và Dự thảo Luật PCTN
(sửa đổi)[/caption]

Người dân thấy nhưng họ không có công cụ để thực hiện quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, thực hiện nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng… Những tin báo của người dân về biếu xén, tặng quà quan chức tuyệt đại đa số cũng chỉ là những tin ban đầu, thấy biểu hiện mà không thể thấy chứng cứ cụ thể là tặng bao nhiêu tiền, tặng khi nào, ai làm chứng… để có thể xử lý triệt để.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị của Ban Dân vận Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đánh giá, nhận xét rất xác đáng rằng nhiều năm qua, “những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, Tổng Bí thư cho rằng không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính… Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên”.

Vì vậy, cấm không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì là biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ xa rất hiệu quả. Điều đó cũng tạo cho những quan chức trong sạch có cái Tết an lành, không phải tiếp những vị khách không mời, mang theo quà biếu những mưu toan lợi ích bất thường. Và mong rằng Thủ tướng xử lý thật nghiêm những quan chức nào không nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

NGUYỄN MINH KHÔI

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin